Thúc đẩy các hợp tác xã chuyển đổi số
Đẩy mạnh chuyển đổi số trong sản xuất và tiêu thụ nông sản
Đối với các hợp tác xã (HTX), trong bối cảnh hiện nay, chuyển đổi số được coi là một giải pháp tất yếu, góp phần gia tăng giá trị sản phẩm, giúp các HTX tiếp cận nhanh với thị trường và gắn với chuỗi giá trị.
Ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất, kinh doanh thời gian qua tại các đơn vị nông nghiệp, kinh doanh nông sản của Hà Nội đã góp phần tạo đà phát triển kinh tế nông thôn.
Đẩy mạnh chuyển đổi số trong sản xuất và tiêu thụ nông sản |
Chương trình chuyển đổi số thành phố Hà Nội đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 (kèm theo Quyết định 4098/QĐ-UBND ngày 6-9-2021 của UBND thành phố Hà Nội) xác định đối với lĩnh vực nông nghiệp, thành phố sẽ phát triển nông nghiệp công nghệ cao theo hướng chú trọng nông nghiệp thông minh, nông nghiệp chính xác, tăng tỷ trọng của ngành Nông nghiệp công nghệ số trong nền kinh tế.
Thành phố cũng tập trung phát triển ứng dụng công nghệ số để tự động hóa các quy trình sản xuất, kinh doanh, quản lý, giám sát nguồn gốc chuỗi cung ứng sản phẩm bảo đảm nhanh chóng, minh bạch, chính xác, an toàn, bảo đảm vệ sinh thực phẩm.
Thành phố cũng đặt mục tiêu: Mỗi nông dân được định hướng đào tạo, ứng dụng công nghệ số trong sản xuất, cung cấp, phân phối, dự báo về giá, thời vụ... nông sản; đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử trong nông nghiệp...
Phó Chủ tịch Liên minh HTX TP Hà Nội Nguyễn Tiến Phong, ứng dụng công nghệ 4.0 mang lại nhiều giá trị cho HTX. Không chỉ giúp quá trình vận hành của các đơn vị thành viên HTX trở lên hiệu quả, điều này còn giúp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, từ đó mang lại nguồn thu lớn hơn cho các HTX.
Ông Phong nhấn mạnh “Chuyển đổi số là giải pháp quan trọng giúp các HTX thích ứng với sự thay đổi trong quản trị và tiêu thụ sản phẩm trong bối cảnh mới”.
Do đó, tromh thời gian tới sẽ đẩy mạnh phối hợp với các tổ chức, doanh nghiệp về công nghệ, tăng cường các hoạt động đào tạo, tập huấn, hướng dẫn thành viên HTX tiếp cận và ứng dụng công nghệ 4.0. Cùng với đó lắng nghe, tiếp thu những khó khăn, vướng mắc từ thực tiễn triển khai để đề xuất UBND TP Hà Nội giải pháp tháo gỡ, đẩy mạnh công cuộc chuyển đổi số trong các HTX.
Liên quan đến vấn đề thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm của các HTX trên nền tảng ứng dụng công nghệ, Liên minh HTX TP Hà Nội cho biết từ đầu năm 2022, UBND TP Hà Nội đã có Kế hoạch số 08/KH-UBND để hỗ trợ nội dung này.
Hiện, Liên minh HTX đang phối hợp với Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam tư vấn, hướng dẫn các chủ thể đưa sản phẩm lên Postmart.vn - sàn thương mại điện tử do đơn vị này xây dựng, quản lý vận hành. Đây là sàn thương mại hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm cho các HTX hoàn toàn miễn phí.
Chuyển biến nhờ chuyển đổi số
Thực tế đã có rất nhiều hợp tác xã (HTX) trong thời gian vừa qua đã từng bước ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số, áp dụng nông nghiệp thông minh… để vượt qua những tác động do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 và giúp ổn định, tăng doanh thu cho HTX.
Trong số đó, HTX Rau quả sạch Chúc Sơn (huyện Chương Mỹ, Hà Nội) là một trong những đơn vị tiên phong trong chuyển đổi số của Hà Nội, nhờ áp dụng các giải pháp đồng bộ như: nhật ký điện tử, hệ thống quản lý sản xuất bằng điện thoại thông minh, hệ thống camera giám sát đồng ruộng, tem truy xuất nguồn gốc QR code gắn với bộ nhận diện nhãn hiệu.
HTX Rau quả sạch Chúc Sơn (huyện Chương Mỹ, Hà Nội) ứng dụng chuyển đổi số trong công tác sản xuất và quản lý |
Ông Hoàng Văn Thám, Giám đốc Hợp tác xã cho biết: "Từ năm 2016, Hợp tác xã đã tìm hiểu và thực hiện chuyển đổi số trong 2 lĩnh vực là Ứng dụng trạm cảnh báo thời tiết iMetos và Cụm công nghệ eGap. Trạm cảnh báo thời tiết iMetos giúp nông dân quản lý, giám sát sản xuất, điều chỉnh kế hoạch xuống giống, quy trình chăm sóc rau kịp thời khi thời tiết biến động.
Còn công nghệ số eGap giúp hợp tác xã thực hiện việc truy xuất nguồn gốc điện tử cho từng hộ trồng rau, từng thửa ruộng rau. Từ thành công này, rau của Hợp tác xã đã vào được các kênh phân phối uy tín với giá bán rau ổn định hơn nhiều so với bán rau ở chợ thông thường".
Năm 2021, Hợp tác xã Rau quả sạch Chúc Sơn tiếp tục thí điểm hoàn thiện quy trình chuyển đổi số đồng bộ trong sản xuất và phát triển chuỗi cung ứng ra thị trường, kết nối tiêu thụ trên 2 sàn thương mại điện tử Kinhpeec/vn và Cadosa.vn có xác nhận chất lượng eGap trên tem nhãn sản phẩm. Đến nay, Hợp tác xã đã số hóa được 15 sản phẩm rau.
HTX Rau quả sạch Chúc Sơn chú trọng công tác đào tạo nhân lực bắt kịp chuyển đổi số |
Theo ông Hoàng Văn Thám, Giám đốc HTX Rau quả sạch Chúc Sơn, chuyển đổi số mở ra cơ hội cho nông dân, hợp tác xã, trang trại... được bán sản phẩm tốt nhất cho người tiêu dùng. Tuy vậy, để thành công, cần hội tụ đủ yếu tố là sản xuất số, tiêu dùng số và sàn thương mại điện tử cho nông dân.
Các doanh nghiệp phân phối và tiêu thụ sản phẩm cần tiếp tục chủ động phối hợp với các đơn vị quản lý nhà nước về lĩnh vực này để được tham vấn về cơ chế chính sách, quy hoạch và định hướng phát triển ngành hàng của từng cơ sở liên kết hiệu quả bền vững…
Về phía các đơn vị sản xuất, hợp tác xã, trang trại..., cần tập trung cải tiến và ứng dụng công nghệ, thiết bị kỹ thuật mới như công nghệ cao, sản xuất hữu cơ, chế biến sâu, kinh tế tuần hoàn... đặc biệt là kinh tế số để tạo giá trị gia tăng và minh bạch sản phẩm.