Cà Mau: Phát triển mô hình hợp tác xã thông minh qua chuyển đổi số
Báo cáo của Liên minh Hợp tác xã tỉnh Cà Mau cho thấy, tính đến ngày 30/7/2022 toàn tỉnh có 277 hợp tác xã, trong đó có 222 hợp tác xã đang hoạt động, 55 hợp tác xã ngưng hoạt động. Tổng số có 4.497 thành viên, số lao động làm việc thường xuyên trong hợp tác xã là 4.796 người. Cụ thể, lĩnh vực nông nghiệp có 195 hợp tác xã (27 hợp tác xã ngưng hoạt động), lĩnh vực phi nông nghiệp 82 hợp tác xã (28 hợp tác xã ngưng hoạt động).
Trên địa bàn tỉnh hiện có 16 hợp tác xã nông nghiệp (chiếm 89% tổng số hợp tác xã) tham gia Chương trình OCOP với 31 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP (chiếm 40% tổng số sản phẩm OCOP toàn tỉnh). Hiện các sản phẩm được công nhận 3 sao trở lên được trưng bày tại các điểm gắn với du lịch, đưa trên sàn giao dịch thương mại điện tử của tỉnh.
Toàn tỉnh Cà Mau hiện có 277 hợp tác xã, trong đó có 195 hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp |
Bên cạnh một số hợp tác xã đã và đang tham gia vào công cuộc chuyển đổi số, ứng dụng vào sản xuất kinh doanh, điều hành và quản lý thì cũng còn nhiều hợp tác xã vẫn chưa hiểu biết, chưa tham gia vào công cuộc chuyển đổi số… Theo thống kê chưa đẩy đủ, hiện nay đa phần hợp tác xã trên địa bàn tỉnh Cà Mau chưa có trụ sở làm việc, chưa có máy tính, chưa có Website, chưa được tham gia các sàn giao dịch giới thiệu các sản phẩm…
Trong những năm qua, việc ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ cao, chuyển đổi số vào sản xuất đang được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm. Tuy nhiên, chuyển đổi số trong phát triển hợp tác xã là vấn đề mới, đòi hỏi phải được bắt đầu từ sự chuyển đổi trong nhận thức, hành động của mỗi cán bộ quản lý, thành viên của hợp tác xã.
Trong khi đó, hầu hết các hợp tác xã đang hoạt động với phương thức thủ công, truyền thống, trình độ đội ngũ cán bộ quản lý còn hạn chế, ngại thay đổi, ngại tiếp cận công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành. Hoạt động của hợp tác xã quy mô còn nhỏ lẻ, chủ yếu là sản xuất kinh doanh truyền thống.
Năng lực tài chính của các hợp tác xã còn yếu nên khó tiếp cận công nghệ tiên tiến, mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm; năng lực, trình độ của cán bộ quản lý hợp tác xã cũng còn hạn chế, chủ yếu hoạt động theo kinh nghiệm, chưa qua đào tạo nên gặp khó khăn trong việc tiếp cận và thực hiện quá trình chuyển đổi số.
Từ thực tế tình hình trên, các hợp tác xã cần chủ động tìm hướng đi thích hợp và những giải pháp hữu hiệu để phát triển ổn định, bền vững. Một trong những hướng đi đó là chuyển đổi số trong khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã nhằm phát huy lợi thế và nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh.
Mô hình lúa-tôm kết hợp tại tỉnh Cà Mau đang cho những sản phẩm tôm sú chất lượng, đáp ứng nhu cầu của thị trường |
Để kịp thời nắm bắt cơ hội, vượt qua thách thức, đưa kinh tế số vào khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã của tỉnh thì cần phải thay đổi nhận thức của toàn bộ tổ chức, thành viên, cán bộ quản lý hợp tác xã để có tư duy đúng đắn về quá trình chuyển đổi số của hợp tác xã (thông qua các hoạt động như đào tạo, tham quan học hỏi, chia sẻ,….).
Các hợp tác xã căn cứ vào tình hình thực tế của mình để có chiến lược và kế hoạch cụ thể cho chuyển đổi số. Các hợp tác xã tiến hành lựa chọn công nghệ số, chuẩn bị nguồn nhân lực, thay đổi tư duy; làm thí điểm, sau đó đánh giá, nhân rộng.
Tại hội thảo lần này có rất nhiều tham luận chia sẻ kinh nghiệm thực tế trong quá trình hoạt động của các cơ quan, đơn vị, hợp tác xã hoạt động có hiệu quả thời gian qua. Đây sẽ là bài học quý báu cho các hợp tác xã vận dụng và thích nghi thời công nghệ số.