Thúc đẩy tiêu thụ nông sản trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19
Dự, chỉ đạo hội nghị tại điểm cầu Hà Nội có các đồng chí Thứ Trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh và Trần Thanh Nam.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong 4 tháng đầu năm 2021, cùng với những điều kiện thuận lợi về thời tiết, khí hậu, sản xuất nông, lâm, thủy sản đang dần hồi phục, thị trường tiêu thụ đối với nhiều mặt hàng vẫn được khơi thông, mở rộng, với kim ngạch xuất khẩu ước đạt 17,15 tỷ USD, tăng 24,2% so với năm 2020 và tăng ở các nhóm ngành hàng chính, nhiều thị trường xuất khẩu trọng điểm.
Nếu tính theo từng thị trường, tổng giá trị xuất khẩu nông, lâm, thuỷ sản 4 tháng đầu năm của Việt Nam tới các thị trường thuộc khu vực Châu Á ước tăng 18,2%, đạt 8,05 tỷ USD; Châu Mỹ tăng 56,7%, đạt 4,73 tỷ USD; Châu Phi tăng 11,8%, đạt 249 triệu USD…
Hội nghị trực tuyến về “Thúc đẩy tiêu thụ nông sản trong điều kiện dịch Covid 19” |
Tuy nhiên, tình hình sản xuất và thúc đẩy tiêu thụ nông sản gặp một số khó khăn do nhiều loại nông sản xuất khẩu chủ lực có tính chất mùa vụ, dễ gặp trở ngại về tiêu thụ khi thu hoạch, nhất là phải đối mặt với những khó khăn do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.
Đặc biệt, mùa vải, nhãn sắp thu hoạch trong khi nhóm cây ăn quả này có diện tích, sản lượng lớn, mùa vụ thu hoạch tập trung trong thời gian ngắn là áp lực lớn đối với tiêu thụ. Tại hội nghị, các đại biểu cho rằng, cần chủ động xây dựng các kịch bản ứng phó với sản lượng của từng địa phương.
Nhận định về tình hình sản xuất và xuất khẩu tại các thị trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nêu ra những nút thắt cần tháo gỡ về: vốn tín dụng; chi chi phí sản xuất, thuế, phí; hệ thống logistic kho lạnh phục vụ bảo quản nông sản; tạo thuận lợi cho giao thương, thông quan hàng hóa nông sản tại các cửa khẩu biên giới; đảm bảo nguồn cung về nguyên liệu đầu vào cho sản xuất…
Tại hội nghị, ông Phạm Văn Trinh, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho rằng, để giảm áp lực lưu thông hàng hóa xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, cần tăng cường biện pháp hỗ trợ hoạt động thương mại biên giới, tạo thuận lợi về thủ tục thông quan, không để ứ đọng hàng hóa trên các tỉnh biên giới. Về lâu dài, các doanh nghiệp cần chuyển sang hình thức chính ngạch để tiêu thụ thuận lợi.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã triển khai nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy tiêu thụ nông sản trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 |
Trước những thách thức mà khu vực nông nghiệp đang phải đối mặt để đạt mục tiêu kép được Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiến nghị các bộ, ngành cùng phối hợp tháo gỡ khó khăn về chính sách thuế tín dụng cho khu vực sản xuất, chế biến bảo quản và xuất khẩu nông sản; Tạo điều kiện thuận lợi về thông quan hàng hóa và hạ tầng logistic; Thúc đẩy toàn diện tiêu thụ trong nước thông qua đa dạng các biện pháp phân phối hàng hóa, kích cầu tiêu dùng.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị các địa phương, Hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp điều chỉnh sản xuất nông nghiệp, tăng cường chế biến, bảo quản lưu thông để linh hoạt thích ứng với bối cảnh dịch bệnh.
Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam, Bộ sẽ phối hợp với Bộ Công thương và Bộ Tài chính thành lập Tổ công tác liên ngành để giải quyết kịp thời những vấn đề liên quan đến sản xuất và tiêu thụ nông sản, đặc biệt là ở các cửa khẩu biên giới. Đồng thời, đề nghị Bộ Công thương và Bộ Ngoại giao thông tin đến Đại sứ quán ở các nước về thị trường tiêu thụ và những điều chỉnh mới về chinh sách nhập khẩu để chủ động xuất khẩu nông sản thích ứng kịp thời diễn biến dịch Covid-19.
Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho biết, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ có văn bản gửi đến các cơ quan chức năng các địa phương giáp biên giới của Trung Quốc đề nghị cùng phối hợp hỗ trợ thuận lợi nhất để thúc đẩy thương mại hàng hóa, tránh ứ đọng như hàng năm.
“Qua năm 2020, các địa phương cũng đã chủ động xây dựng các phương án tiêu thụ nông sản thì đề nghị tiếp tục phát huy, nhất là các địa phương có vùng nguyên liệu lớn sắp cho thu hoạch. Theo đó cần có những phương án kế hoạch cụ thể để hỗ trợ cho các cơ sở sản xuất, người nông dân, hợp tác xã và doanh nghiệp để đẩy nhanh tiêu thụ nông sản tránh việc ứ đọng hàng hóa cục bộ như trước đây” Thứ trưởng Trần Thanh Nam nói.