Thực hiện đồng bộ các giải pháp để thu hút nhân tài
Tạo cơ chế đột phá trong thu hút, trọng dụng nhân tài Cần chế độ, chính sách đặc thù thu hút nhân lực chất lượng cao Tạo "cú hích" phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao |
Có chế độ, chính sách đặc thù
Theo TS Đoàn Thị Tố Uyên - Trưởng khoa Pháp luật Hành chính - Nhà nước, trường Đại học Luật Hà Nội: Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị ngày 5/5/2022 về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045 nêu rõ: Có cơ chế, chính sách phù hợp nhằm thu hút, trọng dụng nguồn nhân lực chất lượng cao trong nước và quốc tế.
Để đáp ứng được yêu cầu đặt ra trong Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị thì việc đề xuất chính sách để thu hút, trọng dụng, đãi ngộ nhân lực chất lượng cao (bao gồm cả đội ngũ cán bộ, công chức) phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội Thủ đô trong sửa đổi Luật Thủ đô lần này là yêu cầu cấp thiết.
Có cơ chế mới để thu hút nhân tài về Thủ đô là việc làm cần thiết |
Theo TS Đoàn Thị Tố Uyên, các chính sách trong Luật Thủ đô sửa đổi cần làm rõ sự khác biệt với các chính sách thu hút nhân lực chất lượng cao theo quy định hiện hành tại Luật Công chức, Luật Viên chức, Nghị định số 140/2020/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ.
TS Uyên cho rằng: Việc thu hút và sử dụng hợp lý nguồn nhân lực chất lượng cao cần chú trọng cả nguồn lực trong và ngoài nước; đẩy mạnh chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao là Việt kiều, du học sinh trở về phục vụ đất nước dưới nhiều hình thức khác nhau.
Bên cạnh đó, cần tiếp tục đổi mới quản lý Nhà nước đối với nhân tài, phân cấp, phân quyền vcho chính quyền Thủ đô trong thu hút nhân lực chất lượng cao.
Cụ thể, thành phố được quy định việc kí kết hợp đồng và quyết định mức lương, chế độ đãi ngộ theo cơ chế thỏa thuận đối với một số vị trí việc làm trong cơ quan, đơn vị cần có sự đảm nhiệm của người có năng lực, kinh nghiệm và trình độ cao.
“Nhân lực chất lượng cao thường quan tâm đến môi trường làm việc, mong muốn có môi trường tốt để thể hiện được năng lực. Tuy nhiên, môi trường làm việc thiếu tính năng động, cách quản lý quan liêu có tính phổ biến hiện nay đã làm hao hụt trí tuệ, giảm đi sự nhiệt tình và khả năng sáng tạo của nhân lực chất lượng cao.
Bên cạnh đó, cần tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nhân lực chất lượng cao mang tính bền vững. Chúng ta không chỉ chú trọng thu hút nhân lực chất lượng cao vào làm việc trong khu vực công mà sau đó tiếp tục tạo cơ hội cho họ học tập, nâng cao năng lực bản thân, bắt kịp xu hướng phát triển của khoa học công nghệ, phát triển kinh tế xã hội”, TS Uyên nhấn mạnh.
Quan điểm "sống lâu lên lão làng" cản trở nhân tài
Đồng tình với việc cần thiết đưa vấn đề thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao trong Luật Thủ đô sửa đổi, theo TS Lại Thị Phương Thảo, trường Đại học Luật Hà Nội, để giải quyết các thách thức trong đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, có thể thực hiện đồng bộ các giải pháp như: Tăng cường đầu tư nguồn lực cho giáo dục như nâng cao cơ sở vật chất, trang thiết bị, cải thiện điều kiện làm việc và thu nhập cho giáo viên, nhân viên trong ngành.
Bên cạnh đó, TS Thảo cho rằng, cần tạo liên kết chặt chẽ giữa giáo dục và doanh nghiệp; thúc đẩy sự hợp tác giữa các trường đại học, trung học chuyên nghiệp và doanh nghiệp để đảm bảo chương trình đào tạo phản ánh đúng nhu cầu của thị trường lao động và cung cấp kỹ năng cần thiết cho sinh viên và người lao động.
Chính phủ cần tăng cường quản lý và thực thi chính sách trong hệ thống giáo dục và đào tạo. Điều này bao gồm việc xây dựng các chính sách linh hoạt và cập nhật để phản ánh các thay đổi trong nhu cầu của thị trường lao động và xã hội. Cần tổ chức các chương trình, chiến dịch để nâng cao ý thức và nhận thức của giáo viên, sinh viên và cộng đồng về tầm quan trọng của chất lượng giáo dục và đào tạo.
TS Trần Hồng Nhung, trường Đại học Luật Hà Nội thì cho rằng, quan điểm “sống lâu lên lão làng” ngăn cản nhân tài đóng góp cho đất nước.
Theo quan điểm của TS Nhung, trước kia, qua các cuộc thi như thi Hội, thi Hương, thi Đình, nhà vua tuyển chọn được người tài trên khắp cả nước, không phân biệt giai cấp, giàu nghèo, người nào tài giỏi đỗ cao sẽ được giữ các chức quan cao. Ngày nay, chúng ta nên mở rộng nguồn nhân lực sang khu vực tư nhân để tuyển chọn cán bộ, thông qua thi tuyển để bố trí người tài đức vào giữ vị trí lãnh đạo quan trọng trong các cơ quan Nhà nước.
“Chính tư tưởng “sống lâu lên lão làng” phải đi từng bước từ nhân viên, chuyên viên lên lãnh đạo theo quy trình rập khuôn, máy móc đã ngăn cản nhiều nhân tài có cơ hội đóng góp cho đất nước.
Ngoài ra, quan trọng nhất trong gây dựng và bồi đắp nhân tài là chính sách xây dựng và thiết lập hệ thống giáo dục, với mạng lưới trường càng rộng càng tốt, gồm các trường công và trường tư từ trung ương đến các địa phương trong toàn quốc. Phát triển mạnh giáo dục là việc hệ trọng và cơ bản nhất để có nguồn nhân tài cho đất nước”, TS Trần Hồng Nhung nhấn mạnh.