Thường trực Chính phủ kết luận về Quy hoạch điện VIII
Thủ tướng yêu cầu xem xét kỹ lưỡng về điện mặt trời, điện LNG trong Quy hoạch điện VIII Bộ trưởng Bộ Công thương kiến nghị sớm phê duyệt Quy hoạch điện VIII |
Văn phòng Chính phủ vừa có Thông báo Kết luận của Thường trực Chính phủ về Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Quy hoạch điện VIII).
Trước đó, ngày 20/8, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ về Quy hoạch điện VIII.
Sau khi nghe lãnh đạo Bộ Công thương báo cáo về các nội dung chính của Quy hoạch điện VIII ý kiến phát biểu của các đại biểu tham gia cuộc họp, Thường trực Chính phủ đánh giá, Quy hoạch điện VIII là quy hoạch ngành quốc gia rất quan trọng, cần cân nhắc kỹ lưỡng trước khi phê duyệt và phải bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia, bảo đảm cung ứng đủ điện phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và đời sống Nhân dân.
Tuy nhiên, đây cũng là quy hoạch rất khó, nhất là trong bối cảnh hiện có nhiều biến động về năng lượng, chuyển đổi năng lượng trên thế giới do các vấn đề địa chính trị và địa kinh tế, sự thay đổi, phát triển rất nhanh của công nghệ trong ngành năng lượng và yêu cầu thực hiện cam kết quốc tế của Việt Nam về chống biến đổi khí hậu.
Theo Thường trực Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo xuyên suốt về một số nguyên tắc, quan điểm chủ đạo trong quá trình hoàn thiện Quy hoạch điện VIII.
Cân đối giảm quy mô điện khí, điện than, đồng thời tăng nguồn điện gió phù hợp trong Quy hoạch điện VIII |
Cụ thể, Quy hoạch điện VIII phải đặt lợi ích quốc gia, lợi ích dân tộc lên trên hết, trước hết; Không được vì lợi ích cục bộ của địa phương, vùng, miền hay vì lợi ích nhóm mà có tác động, ảnh hưởng đến tính khách quan, khoa học, hiệu quả và tối ưu của quy hoạch.
Đồng thời, Quy hoạch điện VIII phải bám sát chủ trương, định hướng theo Nghị quyết 55-NQ/TW ngày 11/2/2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Nghị quyết số 55-NQ/TW).
Bên cạnh đó, Quy hoạch điện VIII phải hướng đến các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính để đạt mức phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050 như cam kết quốc tế của Việt Nam tại Hội nghị COP26 (đã được cụ thể hóa trong Chiến lược quốc gia về chống biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050 tại Quyết định số 896/QĐ-TTg ngày 26/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ).
Quy hoạch điện VIII cũng cần xem xét quy hoạch tối ưu tổng thể và cho 5 khâu cụ thể trong mối quan hệ chặt chẽ với nhau, gồm: Nguồn điện; Truyền tải điện; Phân phối điện; Sử dụng hiệu quả điện; Giá điện. Phải bảo đảm quy hoạch tối ưu nhất, hướng tới cân bằng nội vùng cao nhất, giảm truyền tải điện xa, giảm tổn thất điện năng, nhất là giải pháp góp phần tính giá điện phải hợp lý nhất, minh bạch, cạnh tranh lành mạnh và theo cơ chế thị trường.
Ngoài ra, Quy hoạch điện VIII cũng phải có tính khả thi để bảo đảm cung ứng đủ điện cho sản xuất, kinh doanh và đời sống của nhân dân, tuyệt đối không để xảy ra thiếu điện trong mọi tình huống. Nhưng giá điện phải hợp lý với điều kiện của Việt Nam và không cao hơn các nước trong khu vực, nhất là giá điện gió và điện mặt trời.
Cùng với đó là phải giải quyết được các tồn tại, bất cập trong quản lý, thực hiện Quy hoạch điện VII và Quy hoạch điện VII điều chỉnh, vừa có tính kế thừa những nội dung hợp lý, hiệu quả song không hợp thức hóa cái sai nhưng phải có giải pháp hợp lý, hiệu quả xử lý những vấn đề phát sinh do thực tiễn khách quan và đảm bảo lợi ích của quốc gia, người sử dụng điện.
Thường trực Chính phủ giao Bộ Công thương cập nhật tính toán đồng bộ các nội dung của Quy hoạch điện VIII có tầm nhìn đến năm 2050 (vì các quy hoạch ngành và quy hoạch quốc gia cơ bản lấy mốc thời gian đến năm 2050).
Bộ Công thương tiếp tục rà soát theo hướng giảm quy hoạch nguồn điện than đến năm 2030. Ngoài các dự án đã được loại bỏ, không đưa vào Quy hoạch điện VIII như đã báo cáo (phải khẳng định không có hệ lụy pháp lý và không có khiếu kiện).
Đặc biệt, Bộ Công thương cần phải rà soát tiến độ khả thi các dự án nhiệt điện sử dụng khí trong nước; Đồng thời tính toán cân đối giảm quy mô công suất nguồn điện khí LNG nhập khẩu đến năm 2030 và tăng nguồn điện gió với quy mô phù hợp, khả thi. Gió, nắng không ai lấy được của ta và cũng không phải mua; do vậy, phải tính toán khai thác tối đa, hiệu quả và hợp lý về giá bán điện (vì càng ngày công nghệ càng phát triển và sẽ giảm giá theo thời gian)
Về quy hoạch nguồn điện mặt trời trong giai đoạn đến năm 2030, Bộ Công thương cần tiếp tục rà soát để bảo đảm hiệu quả kinh tế chung, tránh gây thiệt hại kinh tế, nhất là việc tính giá điện chưa hợp lý; đồng thời không hợp thức hóa cái sai; Nghiên cứu kỹ lưỡng, đánh giá tác động nguồn điện mặt trời áp mái với mục đích tự sử dụng, không bán vào hệ thống điện quốc gia.
Đồng thời, Bộ Công thương cũng phải tính toán thêm về quy mô nhập khẩu điện từ các nước láng giềng, nhất là từ Lào, nâng quy mô phát triển nguồn điện sinh khối, hydrogen, linh hoạt... nhất là những nơi có điều kiện trồng rừng và sản xuất hydrogen; Nghiên cứu về định hướng các cơ chế chính sách cần thiết bảo đảm quy định pháp luật để tạo điều kiện thuận lợi trong tổ chức thực hiện quy hoạch...