Tiền Giang: Một gia đình lao đao 38 năm vì quản lý đất ở địa phương bất cập
Tiền Giang chuẩn bị kiểm soát nguồn nước bên sông Vàm Cỏ Tây Tiền Giang: Phát hiện 2 cơ sở buôn bán thức ăn chăn nuôi giả |
Trưng dụng đất của mẹ, lấy đất của con
Thửa đất của ông Lâm có một mặt là tỉnh lộ 868, một mặt là sông Năm Thôn. Kế bên là đất của mẹ ông - bà Nguyễn Thị Tươi, nằm sát tỉnh lộ 868, xa sông Năm Thôn. Trên đất của mình, vợ chồng ông Lâm đã dựng nhà, sinh sống yên ổn nhiều năm.
Năm 1985, UBND huyện Cai Lậy lên kế hoạch xây dựng nhà máy sấy chuối và cơ sở ép dầu dừa xuất khẩu nên trưng dụng 4.000m2 đất của bà Tươi giao cho Công ty Thương nghiệp huyện Cai Lậy.
Tuy nhiên, Công ty Thương nghiệp huyện lại lấy hơn 500m2 đất của ông Lâm ở gần sông để mở điểm thu mua nông sản, tiếp đó lấy thêm 200m2 đất để mở đường đi.
Được 3 năm, điểm kinh doanh này giải thể và xảy ra việc tranh chấp đất giữa ông Lâm với Công ty Thương nghiệp huyện Cai Lậy.
Ông Lâm với hồ sơ khởi kiện UBND tỉnh Tiền Giang |
Ngày 27/10/1997, UBND tỉnh Tiền Giang đã ra Quyết định số 2979/QĐ-UB giải quyết tranh chấp đất giữa ông Lâm và Công ty Thương nghiệp huyện Cai Lậy. Quyết định ghi rõ: “Năm 1985, UBND huyện có kế hoạch xây dựng nhà máy sấy chuối và cơ sở ép dầu dừa xuất khẩu tại xã Tam Bình. Nhà nước có trưng dụng phần đất 4.000m2 của bà Nguyễn Thị Tươi (mẹ ông Lâm)”.
Quyết định này chuẩn y quyết định của huyện lấy đất bà Tươi giao cho Công ty Thương nghiệp. Tuy nhiên, trên thực tế, huyện Cai Lậy vẫn lấy đất của ông Lâm.
Đến năm 2000, phần đất của ông Lâm lại được UBND tỉnh giao cho Huyện ủy Cai Lậy. Huyện ủy cho Công ty TNHH Thành Phát thuê lại khu đất này để xây dựng kho chứa xăng dầu. Sau đó, kho chứa này bị cơ quan chức năng phát hiện có hoạt động buôn lậu xăng dầu. Đây là vụ buôn lậu xăng dầu lớn lúc bấy giờ được phát hiện.
Ngày 28/4/2006, sau 18 ngày xét xử, TAND tỉnh Tiền Giang đã tuyên phạt bị cáo Trần Thế Hùng, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Thành Phát (thường gọi là Hùng “xì tẹc”) 24 năm tù, 25 bị cáo khác từ 18 năm tù trở xuống.
Để bảo đảm quyền lợi của mình, ông Lâm tiếp tục làm đơn gửi đến các cơ quan chức năng huyện và tỉnh nhưng vẫn không đòi được đất. Năm 2011, ông đã làm đơn khởi kiện Quyết định 2979/QĐ-UB của UBND tỉnh ra TAND tỉnh Tiền Giang và được tòa thụ lý ngày 26/11/2011.
Ông Lâm với góc vườn sâu riêng bị chặt, bỏ hoang 38 năm nay |
Tại buổi đối thoại, bị kiện là UBND tỉnh đồng ý rút Quyết định 2979/QĐ-UB và ông Lâm cũng rút đơn kiện nên vụ án được đình chỉ ngày 3/6/2014. Tuy nhiên sau đó, UBND tỉnh không thi hành mà ngày 8/10/2015 lại ra Công văn số 4800/UBND-TD bảo lưu Quyết định 2979/QĐ-UB tiếp tục trưng dụng 4.000m2 đất của bà Tươi (thực tế là lấy đất của gia đình ông Lâm).
Để bảo vệ quyền lợi của gia đình, ông Lâm lại kiện UBND tỉnh ra tòa và được tòa thụ lý giải quyết ngày 31/12/2015.
Quyết định 2979/QĐ-UB của UBND tỉnh chấp thuận cho huyện Cai Lậy trưng dụng 4.000m2 đất của bà Tươi |
Ngày 28/9/2017, TAND tỉnh Tiền Giang xử sơ thẩm. Ngày 10/8/2018 TAND cấp cao tại TPHCM xử phúc thẩm. Trong phần nhận định của Hội đồng xét xử cũng ghi rõ: Quyết định 2979/QĐ-UB trưng dụng đất của bà Tươi.
Bản án sơ thẩm số 38/2017/HC-ST và Bản án phúc thẩm số 286/2018/HC-PT cùng ghi: “Năm 1985, UBND huyện có kế hoạch xây dựng nhà máy sấy chuối và cơ sở ép dầu dừa xuất khẩu tại xã Tam Bình. Nhà nước có trưng dụng phần đất 4.000m2 của bà Nguyễn Thị Tươi. Thời điểm này, các cơ quan chức năng đến vận động gia đình bà Tươi và thỏa thuận bồi thường thành quả lao động trên đất số tiền 12.000 đồng”.
Với lý do đã bồi thường đất trưng dụng (dù ông Lâm khẳng định đó là tiền bồi thường cho vườn cây sầu riêng đang cho trái bị chặt), hai bản án tuyên công nhận Quyết định 2979/QĐ-UB và Công văn số 4800/UBND-TD.
Tiếp tục kiện UBND tỉnh về quyết định khác
Bản án trên có hiệu lực, tháng 6/2022, Huyện ủy Cai Lậy mời ông Lâm làm việc, yêu cầu giao 4.000m2 đất.
Gia đình ông Lâm không chấp nhận vì các bản án chấp thuận cho huyện trưng dụng đất của mẹ ông chứ không phải đất của ông.
Ngày 25/7/2022, Huyện ủy Cai Lậy làm đơn khởi kiện ông Lâm ra TAND huyện Cai Lậy để buộc ông Lâm giao đất. Vụ kiện được tòa án huyện thụ lý giải quyết ngày 5/10/2022.
Trở thành bị đơn trong vụ án do Huyện ủy Cai Lậy khởi kiện, tháng 11/2022, ông Lâm đến TAND huyện Cai Lậy sao chụp tài liệu thì bất ngờ phát hiện một quyết định “tréo ngoe” khác của UBND tỉnh. Đó là Quyết định số 1278/QĐ-UB ngày 25/4/2000, UBND tỉnh Tiền Giang giao 7.010m2 đất cho Huyện ủy Cai Lậy để xây dựng kho và bến đậu tàu. Phần diện tích đất này cũng lấy của ông Lâm.
Bản đồ trích lục địa chính ngày 5/6/2023, thửa đất 350 của ông Lâm sát đường phía Tây và sông phía Nam; Thửa đất 349 của bà Tươi chỉ sát đường mà xa sông |
Ngày 12/12/2022, ông Lâm tiếp tục làm đơn khởi kiện UBND tỉnh lần thứ 3 yêu cầu TAND tỉnh Tiền Giang hủy bỏ Quyết định số 1278/QĐ-UB vì ông cho rằng trái pháp luật, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của mình. Vụ kiện được TAND tỉnh thụ lý giải quyết.
“Đất của tôi gần sông diện tích 4.064m2. Trước đây, khi trưng dụng 4.000m2 đất của mẹ tôi ở xa sông, huyện đã lấy phần đất gần sông của tôi. Năm 2000, khi tranh chấp trên chưa giải quyết thì UBND tỉnh lại ra quyết định lấy thêm 7.010m2 đất của tôi. Vấn đề quản lý đất đai của địa phương tùy tiện quá khiến cuộc sống gia đình tôi không yên ổn suốt 38 năm qua, dù nguồn gốc đất của mẹ con tôi rõ ràng, có đăng ký đúng pháp luật”, ông Lâm nói.
Việc đăng ký đất của bà Tươi và ông Lâm được Giám đốc Văn phòng Đăng ký đất đai thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Tiền Giang Nguyễn Hữu Tiến xác nhận ngày 5/6/2023 bằng Công văn số 126/VPĐKĐĐ-TTLT.
Theo đó, bà Tươi và ông Lâm đăng ký ruộng đất vào sổ mục kê ngày 23/8/1984. Bà Tươi đăng ký thửa 349 diện tích 4.709m2 sát tỉnh lộ 868 xa sông Năm Thôn. Ông Lâm đăng ký thửa 350 diện tích 4.064m2 sát tỉnh lộ 868 và sông Năm Thôn.
Căn cứ giải thích của địa phương
Nhận thấy vụ việc phức tạp do nhiều nguyên nhân chủ quan lẫn khách quan ở thời kỳ quản lý đất đai có nhiều thay đổi, phóng viên đã tìm hiểu thêm với mong muốn góp phần giúp người dân ổn định cuộc sống.
Theo tìm hiểu, tại Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Tiền Giang có lưu Tờ trình số 664/TT-ĐC ngày 5/10/1998 (trước đây là Sở Địa chính) về việc xin giao đất cho Văn phòng Huyện ủy Cai Lây. Trong tờ trình có ghi: “Nguồn gốc đất: Đất trước đây của bà Nguyễn Thị Tươi, ngày 9/12/1985 công ty xuất khẩu huyện đã thống nhất trả tiền hoa lợi cho bà Tươi để lấy phần đất này làm nhà máy sấy chuối.
Sau khi công ty xuất khẩu giải thể, UBND huyện giao cho Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý.
Sau đó, UBND huyện thu hồi giao lại cho công ty thương nghiệp huyện. Nay công ty thương nghiệp huyện thống nhất bàn giao phần đất này cho Văn phòng Huyện ủy Cai Lậy (theo biên bản thỏa thuận ngày 21/9/1998).
Để giúp Văn phòng Huyện ủy Cai Lậy có đầy đủ cơ sở pháp lý về quyền sử dụng đất theo quy định của Luật Đất đai và sớm xây dựng công trình, Sở Địa chính kính đề nghị UBND tỉnh xem xét, quyết định”.
Đơn thư ông Lâm gửi báo Tuổi trẻ Thủ đô đề nghị giúp đỡ |
Tại Văn phòng Huyện ủy Cai Lậy còn lưu Bảng đề nghị số 70/BĐN/VP ngày 16/6/1999 về việc đo đạc và xác định lại ranh giới diện tích đất. Nguyên văn: “Trước đây, ngày 9/12/1985, đoàn thương lượng mua đất và công ty có đến thương lượng với gia đình ông Ngô Tấn Lâm để mua 4.000m2 đất làm nhà máy sấy chuối xuất khẩu.
Công việc thương lượng đạt kết quả và các bên có ký cam kết trong biên bản. Hiện tại, phần đất này do Văn phòng Huyện ủy quản lý sử dụng làm bến bãi theo Quyết định cấp đất số 1623-QĐ/UB ngày 5/10/1998 của UBND tỉnh Tiền Giang.
Tuy nhiên, qua xem xét hồ sơ mua đất do tổ quản lý ruộng đất đề xuất lúc đó thì không đúng với vị trí ranh đất nên việc sử dụng hiện nay có phần phức tạp (do chủ cũ tranh chấp)”.
Trao đổi với phóng viên về việc tranh chấp đất kéo dài đến nay mà chưa giải quyết được, đại diện Huyện ủy Cai Lậy cho hay, TAND tỉnh Tiền Giang đã yêu cầu cung cấp chứng cử về vấn đề này.
Huyện ủy Cai Lậy đã có Công văn số 776-CV/HU trả lời ngày 12/6/2023. Trong công văn ghi: “Qua trích lục hồ sơ, Huyện ủy Cai Lậy không còn bản chính biên bản về việc bồi thường hoa màu trên đất của gia đình ông Ngô Tấn Lâm vào ngày 9/12/1985 do Công ty Thương nghiệp Cai Lậy bồi hoàn thành quả lao động cho bà Nguyễn Thị Tươi (mẹ ruột của ông Ngô Tấn Lâm). Lý do mất bản chính là bàn giao qua nhiều cơ quan, nay “chỉ còn bản photocopy biên bản về việc bồi thường thành quả lao động đối với 4.000m2 của bà Nguyễn Thị Tươi vào ngày 9/12/1985”.
Đại diện Huyện ủy cũng bày tỏ, việc tranh chấp qua thời gian dài có nhiều biến động nên phức tạp, mong tòa án có phán quyết bảo vệ công lý để ổn định tình hình.