Tin tức trong ngày 11/4: Ông Đoàn Ngọc Hải đòi lại tiền hỗ trợ, tự xây nhà cho người nghèo
Vietcombank dành 30 tỷ đồng hỗ trợ xây nhà cho hộ nghèo, khó khăn về nhà ở Thanh Hóa Xây nhà nhân ái tặng gia đình đội viên nghèo Xây nhà nhân ái mừng ngày thành lập Đoàn |
Ông Đoàn Ngọc Hải đòi lại 106 triệu đồng tiền hỗ trợ, tự xây nhà cho người nghèo
Trên Facebook cá nhân, ông Đoàn Ngọc Hải đã đăng bức thư gửi Bí thư Tỉnh uỷ Quảng Nam, Bí thư Tỉnh ủy An Giang, Chủ tịch Uỷ ban MTTQ huyện Nam Trà My (Quảng Nam), Chủ tịch Uỷ ban MTTQ TP Châu Đốc (An Giang) liên quan số tiền 106 triệu đồng đã chuyển cho các địa phương này để xây nhà tình thương.
Trong thư, ông Hải cho biết ngày 2/3 đã chuyển cho huyện Nam Trà My và TP Châu Đốc mỗi địa phương 106 triệu đồng và đề nghị các địa phương khẩn trương xây nhà cho người nghèo và báo tình hình cho ông biết. Đến nay, đã 1 tháng 8 ngày kể từ ngày nhận tiền nhưng các địa phương vẫn chưa phản hồi thông tin cho ông.
Cũng tại bức "tâm thư" này, ông Hải cho biết, 5 thị xã, huyện khác sau khi nhận tiền cùng lần với TP Châu Đốc và huyện Nam Trà My nhưng đã thi công nhà tình thương cho người nghèo và nhắn tin báo cho ông từ 20 ngày trước.
Ông Hải cho rằng 2 địa phương nêu trên "thiếu trách nhiệm, vô cảm" và yêu cầu các địa phương này trả lại số tiền nêu trên để ông chuyển cho các địa phương khác hỗ trợ người nghèo.
Ông Đoàn Ngọc Hải thăm bà con vùng sâu vùng xa |
Liên quan vấn đề trên, bà Nguyễn Thị Huệ, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Nam Trà My cho biết hết sức bất ngờ với quyết định của ông Đoàn Ngọc Hải.
Theo bà Huệ, sau khi ông Hải chuyển tiền vào số tài khoản của Ban Cứu trợ huyện Nam Trà My, bà gọi điện cho ông Hải ý định gửi lời cảm ơn, đồng thời thông báo kế hoạch sử dụng số tiền này nhưng ông Hải không nghe máy.
Cũng theo bà Huệ, số tiền ông Hải gửi đã được huyện đưa vào quỹ chung và thực hiện theo quy chế chi tiêu của ban cứu trợ từ Trung ương đến địa phương. Số tiền này sẽ dùng để hỗ trợ bốn hộ dân bị thiệt hại với kinh phí mỗi hộ 40 triệu đồng.
Chủ tịch Uỷ ban MTTQ Việt Nam huyện Nam Trà My cho biết, bà không kết bạn Facebook với ông Hải nên không biết về thông tin ông đăng tải, thông báo.
Bà Huệ cho biết thêm, sau khi đọc thư bà đã nhắn tin giải thích cho ông Hải biết. Bà Huệ gửi lời xin lỗi vì huyện đã có sơ suất, tạo sự hiểu lầm không đáng có.
Sau hồi âm từ MTTQ huyện Trà My, ông Hải tiếp tục đăng tải thông tin cho rằng 2 bên thống nhất xây 2 căn nhà tình thương và ông Hải tiếp tục bỏ thêm 14 triệu tiền túi cho đủ 120 triệu đồng để xây 2 căn nhà tình thương.
Ông Hải cho rằng ông không ngờ huyện lại phân bổ 40 triệu đồng/1 hộ không đúng với tinh thần ban đầu và không đúng với những quy định về xây nhà tình thương là 60 triệu đồng/1 căn. Thậm chí nhà tình thương nếu cần phải tăng lên 70-80 triệu đồng mới đúng với tình hình tăng giá vật liệu xây dựng của thị trường.
"Tôi nghĩ mọi chuyện nên kết thúc ở đây, đọc bài báo này xong tôi quyết định sẽ không chuyển tiếp 14 triệu đồng cho Nam Trà My nữa và tôi mong nhận lại ngay 106 triệu đồng từ Nam Trà My càng sớm càng tốt để tôi tiến hành xây dựng 1 căn nhà 120 triệu ở thành phố Hội An-Quảng Nam cho 3 người bị tâm thần tại nơi đây", ông Hải viết.
Người "vô hình" ở Hà Nội đã được "định danh" ở tuổi 30
Anh Lê Quốc Dũng (30 tuổi, trú tại phường Bồ Đề, quận Long Biên, Hà Nội) vừa được Cơ quan Công an quận Long Biên hoàn tất thủ tục, trả kết quả đăng ký thường trú. Hiện tại, anh Dũng đã được đồng ý giải quyết đăng ký thường trú về phường Việt Hưng (quận Long Biên).
Trước đó, ngày 15/3/2021, anh Dũng đã được cấp giấy khai sinh sau 30 năm chào đời. Suốt 30 năm qua, Anh Dũng được mệnh danh là người "vô hình" ở Hà Nội vì không giấy khai sinh, không hộ khẩu, không căn cước công dân.
Được biết, anh Nguyễn Thái Bình (45 tuổi, trú phường Việt Hưng) đã chủ động đề nghị cho anh Dũng nhập khẩu vào gia đình mình khi biết được câu chuyện của người "vô hình". Anh Bình cũng chính là người đã nhận anh Dũng vào làm bảo vệ chung cư từ năm 2017 - 2020.
Anh Lê Quốc Dũng được đăng ký hộ khẩu về phường Việt Hưng, quận Long Biên |
30 năm trước, anh Dũng bị bỏ rơi trên phố Cửa Bắc, phường Trúc Bạch, quận Ba Đình, Hà Nội khi vừa được 1 ngày tuổi. Anh Dũng được gia đình bà M (trú tại phường Trúc Bạch) nhận về nuôi. Thời điểm đó, anh không được làm giấy khai sinh. Khi hỏi gia đình về giấy tờ tùy thân, họ chỉ nói với anh rằng không thể làm được.
Năm 2012, bà M mất vì bệnh tật. Hai năm sau, anh cũng rời đi khỏi gia đình, trên người không có bất kỳ giấy tờ tùy thân nào.
Do đó, 30 năm qua, anh Dũng sống trong cảnh không có bất cứ giấy tờ tuỳ thân gì, không được đi học, không công việc chính thống và cũng không thể mua được bất cứ tài sản gì cho mình.
Trong 6 năm, từ 2014 - 2020, anh đã cố gắng tự tìm mọi cách để xin được cấp giấy khai sinh, căn cước công dân, tuy nhiên đều không có kết quả.
Sau khi vụ việc được báo chí phản ánh, Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực (Bộ Tư pháp) đã có văn bản hướng dẫn để chính quyền sở tại cấp giấy khai sinh cho anh Dũng.