Tin tức trong ngày 20/6: Từ ngày 1/7 không cần giấy xác nhận CMND cũ khi giao dịch
Mua thuốc cho con, cha mẹ phải khai CMND Đổi CMND, thẻ căn cước phải kê khai với cơ quan thuế |
Từ 1/7 sẽ không cần cấp giấy xác nhận số CMND cũ
Bộ Công an vừa ban hành Thông tư 59/2021 quy định chi tiết thi hành Luật Căn cước công dân và Nghị định số 137/2015 (được sửa đổi bằng Nghị định 37/2021). Thông tư có hiệu lực kể từ 1/7 tới đây.
Theo thông tư, các trường hợp đã được cấp thẻ Căn cước công dân (CCCD), giấy khai sinh đã có số định danh cá nhân thì có thể sử dụng thông tin về số CCCD, số định danh cá nhân để tiến hành giao dịch với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.
Đặc biệt, mã QR code trên thẻ CCCD (loại gắn chip điện tử) có lưu thông tin về số CCCD, số chứng minh thư Nhân dân (CMND). Cơ quan, tổ chức, cá nhân kiểm tra thông tin về số CCCD, số CMND của công dân thông qua việc quét mã QR code, không yêu cầu công dân phải cung cấp giấy xác nhận số CMND, CCCD.
Công an thực hiện các thủ tục cấp căn cước công dân |
Với những trường hợp trong mã QR code trên thẻ CCCD không có thông tin về số CMND hoặc CCCD cũ, Bộ Công an yêu cầu cơ quan công an nơi tiếp nhận đề nghị cấp CCCD có trách nhiệm cấp giấy xác nhận số CMND, CCCD cũ cho công dân khi có yêu cầu.
Trường hợp thông tin số CMND, CCCD cũ của công dân không có trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thì công an sẽ đề nghị công dân cung cấp bản chính hoặc bản sao thẻ CCCD, CMND (nếu có). Tiếp đó, công an sẽ tiến hành tra cứu, xác minh qua tàng thư CCCD, giấy tờ hợp pháp do cơ quan có thẩm quyền cấp có thể hiện thông tin số CMND, CCCD để xác định chính xác nội dung thông tin.
Nếu có đủ căn cứ, công an sẽ cấp giấy xác nhận số CMND, CCCD cho công dân; Nếu không có căn cứ để xác nhận thì trả lời công dân bằng văn bản và nêu rõ lý do.
Bệnh viện Đa khoa Đức Giang (Hà Nội) mở cửa trở lại từ 20/6
Sau 5 ngày tạm dừng hoạt động để phòng dịch Covid-19, lúc 0h ngày 20/6, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang dỡ bỏ phong tỏa, tổ chức hoạt động khám, chữa bệnh trở lại.
Trước đó, sau khi phát hiện 2 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 là Đội trưởng Đội vệ sĩ (BN10672) và nhân viên kế toán (BN10959), Bệnh viện Đa khoa Đức Giang dừng tiếp nhận bệnh nhân khám, chữa bệnh thông thường từ 0h ngày 15/6.
Ông Nguyễn Văn Thường, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đức Giang cho biết, trong ngày 18/6, bệnh viện đã xét nghiệm cho 1.558 trường hợp, trong đó xét nghiệm lần 2 cho toàn bộ nhân viên y tế, bảo vệ, vệ sĩ, tạp vụ, lái xe, bệnh nhân, người nhà bệnh nhân hiện có tại bệnh viện và xét nghiệm lần 3 cho khoảng 70 trường hợp F1, F2, những người liên quan đến 2 ca dương tính. Kết quả, 100% trường hợp nêu trên đều âm tính với SARS-CoV-2.
Từ 0h ngày 20/6, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang dỡ bỏ phong tỏa, tổ chức hoạt động khám, chữa bệnh trở lại. |
"Dù hiện vẫn chưa phát hiện được nguồn lây nhưng những trường hợp F1 và F2 của 2 ca dương tính nêu trên đã có 3 lần xét nghiệm âm tính nên chúng tôi thực sự yên tâm. Bệnh viện cũng tiến hành phun khử khuẩn lần 2 toàn bộ bệnh viện", ông Nguyễn Văn Thường nói.
Bệnh viện Đa khoa Đức Giang đang điều trị cho 130 bệnh nhân Covid-19. Bệnh viện cũng đã rà soát lại toàn bộ công tác phòng, chống dịch theo Bộ tiêu chí bệnh viện an toàn phòng, chống dịch Covid-19 và đạt số điểm 88% đủ điều kiện an toàn để hoạt động khám, chữa bệnh trở lại.
Ngay trong chiều nay, 19/6, những bệnh nhân mắc các bệnh thông thường đang điều trị tại bệnh viện sẽ được xuất viện sau khi sức khỏe đã ổn định.
Bác bỏ thông tin Thành phố Hồ Chí Minh áp dụng Chỉ thị 16 về phòng, chống dịch
Theo ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh, từ chiều ngày 18/6, trên mạng xã hội đã lan truyền thông tin "Thành phố Hồ Chí Minh sẽ áp dụng Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19 kể từ ngày 19/6". Tuy nhiên, đây là thông tin sai sự thật.
Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 Thành phố Hồ Chí Minh, mặc dù dịch bệnh diễn biến phức tạp nhưng chưa đến mức phải áp dụng theo Chỉ thị 16 của Chính phủ trong thời điểm này |
Theo Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 Thành phố Hồ Chí Minh, mặc dù dịch bệnh trên địa bàn diễn biến rất phức tạp nhưng vẫn đang trong tầm kiểm soát của thành phố. Vì vậy, chưa đến mức phải áp dụng theo Chỉ thị 16 của Chính phủ trong thời điểm này.
Tại cuộc họp trực tuyến với Thành phố Hồ Chí Minh về công tác phòng, chống dịch Covid-19 trước đó, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng đã nhận định, thành phố Hồ Chí Minh là trung tâm kinh tế rất lớn và đã trải qua một số đợt dịch phức tạp. Chính quyền thành phố và người dân đã có những thực tiễn trải nghiệm trong quá trình chống dịch. Vì vậy, lãnh đạo thành phố Hồ Chí Minh cần quyết định các vấn đề giãn cách, cách ly trên tinh thần cố gắng khoanh vùng hẹp.
Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 thành phố đề nghị người dân cần tỉnh táo trước những thông tin sai sự thật và bình tĩnh thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống dịch theo hướng dẫn từ các cơ quan chức năng. Ngoài ra, người dân khi tiếp nhận thông tin, cần chọn lọc từ các nguồn chính thức, không lan truyền những thông tin chưa được xác thực, thông tin sai sự thật, gây khó khăn cho công tác phòng, chống dịch của thành phố.
Đến nay, Thành phố Hồ Chí Minh khẳng định vẫn đảm bảo cung ứng nhu yếu phẩm, đồ tiêu dùng thiết yếu cho người dân. Vì vậy, việc tích trữ là không cần thiết trong tình hình dịch bệnh để tránh tụ tập đông người, vi phạm quy định phòng dịch.