Tin tức trong ngày 2/4: Mặc trang phục hở hang, phản cảm tại lễ hội sẽ bị phạt tiền
Tháng 4/2021, Hà Nội sẽ tổ chức lễ hội kích cầu du lịch Lễ hội Xuân hồng - Biểu tượng của lòng nhân ái Hà Nội xem xét cho tổ chức các lễ hội, mở cửa các di tích vào đầu tháng 3 |
Từ 1/6, mặc trang phục hở hang, phản cảm tại lễ hội sẽ bị phạt tiền
Tại Nghị định 38 vừa được Chính phủ ban hành, từ 1/6, hành vi mặc các trang phục hở hang quá mức không phù hợp với thuần phong mỹ tục của dân tộc Việt Nam khi đi lễ hội, lễ chùa sẽ bị phạt tiền.
Cụ thể, Điều 14 Nghị định 38 quy định, phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200 - 500 nghìn đồng đối với một trong các hành vi: Thắp hương hoặc đốt vàng mã không đúng nơi quy định; Nói tục, chửi thề, xúc phạm tâm linh gây ảnh hưởng đến không khí trang nghiêm của lễ hội; Mặc trang phục không lịch sự hoặc không phù hợp với truyền thống văn hóa Việt Nam.
Mức phạt tiền sẽ tăng lên, từ 500.000 đồng -1 triệu đồng đối với một trong các hành vi: Không báo cáo bằng văn bản kết quả tổ chức lễ hội đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định; Chèo kéo người tham dự lễ hội sử dụng dịch vụ, hàng hóa của mình.
Từ 1/6, hành vi mặc các trang phục hở hang quá mức không phù hợp với thuần phong mỹ tục của dân tộc Việt Nam khi đi lễ hội, lễ chùa sẽ bị phạt tiền |
Nghị định còn quy định, phạt tiền từ 1-3 triệu đồng đối với tổ chức, cá nhân không thành lập Ban tổ chức lễ hội theo quy định; Bán vé, thu tiền tham dự lễ hội; Không có nhà vệ sinh hoặc có nhà vệ sinh nhưng không bảo đảm tiêu chuẩn theo quy định trong khu vực lễ hội, di tích; Không tuyên truyền, giới thiệu mục đích, ý nghĩa, giá trị của lễ hội trên hệ thống loa phát thanh hoặc bảng, biển và các hình thức tuyên truyền khác; Không thông báo số điện thoại đường dây nóng để tiếp nhận thông tin phản ánh của người tham gia lễ hội.
Mức phạt tiền lên tới 5 triệu đồng đối với hành vi lợi dụng hoạt động tổ chức lễ hội để trục lợi hoặc tham gia hoạt động mê tín dị doan trong lễ hội...
Tạm đình chỉ công tác Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Trung ương I
Sáng 1/4, Ban Cán sự đảng Bộ Y tế đã họp khẩn cấp xem xét vụ vi phạm pháp luật tại Bệnh viện Tâm thần Trung ương I sau khi Công an thành phố Hà Nội phát hiện đường dây buôn bán và sử dụng ma túy tại đây.
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, đây không chỉ là vụ vi phạm pháp luật nghiêm trọng mà còn là vi phạm quy trình quản lý bệnh viện và vi phạm quy chế, quy trình chuyên môn trong hoạt động khám, chữa bệnh.
Bộ Y tế đề nghị cơ quan chức năng điều tra làm rõ vụ việc, xử lý nghiêm đúng người, đúng tội không để oan sai cũng như không để lọt tội phạm.
Bộ Y tế đã đình chỉ công tác một số cán bộ của Bệnh viện Tâm thần Trung ương I sau vụ triệt phá đường dây mua bán ma túy tại đây |
Bộ Y tế quyết định tạm đình chỉ công tác chuyên môn để kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm và hợp tác với cơ quan điều tra đối với bác sĩ Vương Văn Tịnh, Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Trung ương I; Chỉ đạo Bệnh viện tạm đình chỉ công tác chuyên môn để hợp tác với cơ quan điều tra đối với các cá nhân liên quan, bao gồm: Bác sĩ Đỗ Thị Lưu, Trưởng khoa Phục hồi chức năng và Y học cổ truyền; Điều dưỡng Tạ Thị Thêm, Điều dưỡng trưởng Khoa Phục hồi chức năng và Y học cổ truyền - nơi trực tiếp điều trị cho bệnh nhân Nguyễn Xuân Quý - người đã bị Công an thành phố Hà Nội bắt vì hành vi mua bán trái phép chất ma túy, tàng trữ trái phép chất ma túy và tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy tại phòng bệnh nội trú Bệnh viện Tâm thần Trung ương I.
Trước đó, ngày 31/3, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an thành phố Hà Nội đã triệt phá thành công đường dây mua bán ma túy với số lượng lớn tại Bệnh viện Tâm thần Trung ương I, khởi tố 6 bị can, trong đó có 1 cán bộ bệnh viện.
Đường dây này do Nguyễn Xuân Quý, 38 tuổi, trú tại huyện Thanh Trì, Hà Nội cầm đầu. Đối tượng này từng có 4 tiền án, tiền sự về cưỡng đoạt tài sản, gây rối trật tự công cộng, buôn bán trái phép ma túy. Quý vào bệnh viện điều trị từ cuối năm 2018, nhiều lần ra, vào viện.
Ngay tại phòng điều trị, đối tượng này đã cải tạo thành một phòng có cách âm, lắp dàn loa lớn, đèn để phục vụ việc sử dụng và buôn bán trái phép chất ma túy. Căn phòng này được biến thành "động bay lắc" không chỉ dành cho bạn bè của Quý, mà còn có cả một số cán bộ bệnh viện.
Nâng mức hỗ trợ học nghề cho lao động thất nghiệp lên 1,5 triệu đồng/tháng
Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý nâng mức hỗ trợ học nghề mới dành cho người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp lên 1,5 triệu đồng/tháng. Quy định có hiệu lực từ ngày 15/5/2021.
Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 17/2021/QĐ-TTg quy định mức hỗ trợ học nghề đối với người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp.
Quyết định 17/2021/QĐ-TTg nêu rõ, đối với người tham gia khóa đào tạo nghề đến 3 tháng: Mức hỗ trợ tính theo mức thu học phí của cơ sở đào tạo nghề nghiệp và thời gian học nghề thực tế nhưng tối đa không quá 4.500.000 đồng/người/khóa đào tạo.
Đối với người tham gia khóa đào tạo nghề trên 3 tháng: Mức hỗ trợ tính theo tháng, mức thu học phí và thời gian học nghề thực tế nhưng tối đa không quá 1.500.000 đồng/người/tháng.
Ảnh minh họa |
Trường hợp người lao động tham gia khóa đào tạo nghề có những ngày lẻ không đủ tháng theo quy định của cơ sở đào tạo nghề nghiệp thì số ngày lẻ được tính theo nguyên tắc: Từ 14 ngày trở xuống tính là 1/2 tháng và từ 15 ngày trở lên được tính là 1 tháng.
Quyết định cũng nêu rõ: Hồ sơ đề nghị học nghề và giải quyết hỗ trợ học nghề được thực hiện theo quy định tại Điều 24 và Điều 25 Nghị định 28/2015/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 61/2020/NĐ-CP).
Hằng tháng, cơ sở đào tạo nghề nghiệp thực hiện các thủ tục thanh, quyết toán kinh phí hỗ trợ học nghề theo quy định tại Điều 25 Nghị định 28/2015/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 61/2020/NĐ-CP).
Đối với người lao động đã nộp hồ sơ đề nghị hỗ trợ học nghề trước ngày Quyết định này có hiệu lực thi hành nhưng chưa có quyết định hỗ trợ học nghề thì được áp dụng mức hỗ trợ học nghề theo các quy định tại Quyết định này.
Nguồn kinh phí thực hiện hỗ trợ học nghề do cơ quan bảo hiểm xã hội chi trả từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp.