Tọa đàm trực tuyến nâng cao văn hóa cơ sở, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh
Tọa đàm "Kiều trong cuộc sống hôm nay" và ra mắt bộ sách Kiều đặc biệt |
Chủ trì tọa đàm có các đồng chí: Bùi Thị Thu Hiền, Thành ủy viên, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội; Nguyễn Hoàng Long, Bí thư Đảng ủy, Tổng Biên tập Báo Hànộimới. Cùng dự có PGS.TS Nguyễn Hữu Thức, nguyên Vụ trưởng Vụ Văn hóa văn nghệ, Ban Tuyên giáo Trung ương; Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo thành phố Hà Nội Kiều Thanh Hùng và các đồng chí trong Ban Biên tập Báo Hànộimới, lãnh đạo Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội.
Đặc biệt, tham gia tọa đàm có đại biểu đến từ 30 quận, huyện, thị xã của Thủ đô Hà Nội.
Tọa đàm nhằm nhìn lại kết quả thực hiện Chương trình số 04-CTr/TU ngày 26/4/2016 của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển văn hóa - xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2016-2020”, từ đó rút ra những bài học kinh nghiệm, đề xuất giải pháp để tiếp tục triển khai có hiệu quả Chương trình số 06-CTr/TU của Thành ủy về “Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021-2025" nhằm nâng cao chất lượng đời sống văn hóa cơ sở và cuộc vận động xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh.
Tổng Biên tập Báo Hànộimới Nguyễn Hoàng Long phát biểu đề dẫn tại tọa đàm. |
Phát biểu đề dẫn tại Tọa đàm trực tuyến “Nâng cao hiệu quả hoạt động đời sống văn hóa cơ sở, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh”, Tổng Biên tập Báo Hànộimới Nguyễn Hoàng Long cho biết, nâng cao hiệu quả đời sống văn hóa cơ sở, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh là nội dung quan trọng của một trong tám chương trình công tác của Thành ủy nhiệm kỳ 2015-2020, với mục đích phấn đấu xây dựng Hà Nội trở thành thành phố tiêu biểu về lối sống và phong cách ứng xử văn hóa.
5 năm qua có thể thấy, Hà Nội đã đạt được những kết quả đáng khích lệ trong thực hiện nội dung này. Đến nay, thành phố cũng đã phát hành hơn 40.000 sổ tay quy tắc ứng xử. Các quy tắc ứng xử đã từng bước đi vào cuộc sống, có những tác động tích cực, được dư luận đồng tình, hưởng ứng, tự giác thực hiện.
Tuy đạt được những thành tựu trên, song do tốc độ đô thị hóa và dân số cơ học của Thủ đô tăng nhanh nên nếp sống văn hóa, văn minh đô thị chuyển biến còn chậm, văn hóa ứng xử và sinh hoạt nơi công cộng vẫn còn không ít hạn chế cần khắc phục. Kế thừa 8 chương trình công tác lớn nhiệm kỳ 2015-2020, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố khóa XVII, nhiệm kỳ 2020-2025 đã xây dựng 10 chương trình công tác để cụ thể hóa và tổ chức thực hiện Nghị quyết, trong đó có Chương trình 06 với nội dung “Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2020-2025”.
Phó Giám đốc Sở Văn hoá và Thể thao Hà Nội Bùi Thị Thu Hiền phát biểu tại buổi tọa đàm. |
Phát biểu tại buổi tọa đàm, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Bùi Thị Thu Hiền tổng kết những việc đã làm được và còn tồn tại trong quá trình thực hiện Chương trình 04/Ctr-TU nhiệm kỳ 2015-2020. Bà Bùi Thị Thu Hiền đánh giá, chất lượng thực hiện đời sống văn hoá cơ sở, xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh ngày càng đáp ứng được nhu cầu của xã hội, đời sống của nhân dân. Cụ thể, hoạt động khoa học kỹ thuật đạt được kết quả đáng khích lệ; công tác y tế khắc phục được tình trạng quá tải; các chỉ tiêu đều đạt được so với kế hoạch đề ra, có chỉ tiêu vượt kế hoạch.
Liên quan đến vấn đề đời sống văn hóa cơ sở, bà Bùi Thị Thu Hiền cho biết, xây dựng đời sống văn hoá cơ sở, người Hà Nội thanh lịch văn minh là nội dung then chốt trong chương trình phát triển văn hóa của Thủ đô; cũng là nội dung cốt lõi trong Chương trình 04 giai đoạn 2011-2015, 2016-2020.
Vấn đề xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh là 1 trong 5 nhiệm vụ trọng tâm, 3 khâu đột phá của Nghị quyết Đại hội lần thứ XVI Đảng bộ thành phố Hà Nội. Đây cũng được coi là nội dung quan trọng đặt thành một trong những nhiệm vụ trọng yếu của tiến trình đổi mới Thủ đô, đất nước và chỉ đạo triển khai bằng nhiều giải pháp thiết thực, bám sát thực tiễn đời sống.
Định hướng có tính bao trùm nhất phải kể đến Chương trình số 04 với nhiệm vụ được coi là khâu đột phá. Trong đó thành phố đã ban hành hai Bộ Quy tắc ứng xử: Quy tắc ứng xử trong cơ quan của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan thuộc thành phố Hà Nội và Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn Thành phố. Những quy tắc này đã làm thay đổi căn bản nhận thức, thái độ, hành vi ứng xử của không chỉ công chức, viên chức mà cả với người dân Thủ đô và du khách khi đến Hà Nội. Việc thực hiện quy tắc ứng xử đã góp phần khơi dậy ý thức, trách nhiệm, niềm tự hào của người Hà Nội, qua đó đề cao, vun đắp nếp sống văn minh.
Sau 3 năm triển khai thực hiện, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, từ thành phố; quận, huyện, thị xã; các xã, phường, thị trấn; thôn, làng, tổ dân phố; đến từng gia đình, được tổ chức bằng nhiều hình thức tuyên truyền, vận động phong phú, đa dạng đã tạo sự chuyển biến rõ nét trong cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và đông đảo quần chúng nhân dân Thủ đô trên các lĩnh vực. Bên cạnh đó, bà Bùi Thị Thu Hiền cũng chỉ ra một số tồn tại, hạn chế trong việc thực hiện Chương trình 04 đó là: Một số cấp ủy đảng, chính quyền chưa nhận thức đầy đủ thực hiện phong trào cơ sở cũng như việc xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh; việc kiểm tra đôn đốc chưa thường xuyên liên tục; việc giáo dục tầng lớp thanh thiếu niên chưa được quan tâm, chú trọng đúng mức…
Từ những phân tích trên, bà Bùi Thị Thu Hiền đề nghị buổi tọa đàm tập trung thảo luận 4 vấn đề: Thứ nhất, tác động của việc thực hiện quy tắc ứng xử trong xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh. Thứ hai, những giải pháp để thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội. Thứ ba, xây dựng và nâng cao chất lượng các danh hiệu văn hóa ở cơ sở; trao đổi kinh nghiệm trong việc xây dựng các mô hình mới để nâng cao chất lượng đời sống văn hóa cơ sở. Thứ tư, giải pháp hoàn thiện và nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở.
Các đại biểu tham gia buổi tọa đàm |
Trên cơ sở đó, các đại biểu đã tập trung trả lời những câu hỏi đặt ra, tập trung vào việc thảo luận để nêu bật những kết quả và thành tựu cũng như tồn tại, hạn chế của việc xây dựng văn hóa Hà Nội trong những năm qua.
Ông Trần Quang Huy, Bí thư Chi bộ, Trưởng ban Công tác Mặt trận thôn An Vọng, xã Hoàng Diệu, huyện Chương Mỹ cho biết: Nếu như Chương trình 02 của Thành ủy mang về cho nông thôn Hà Nội một bộ mặt mới thì Chương trình 04 làm thay đổi diện mạo văn hoá ở cơ sở, tô điểm, làm đẹp thêm hình ảnh người nông dân Hà Nội trong bức tranh nông thôn mới.
Hai bộ quy tắc ứng xử của thành phố Hà Nội cụ thể hoá một phần Chương trình 04. Người dân thôn An Vọng, xã Hoàng Diệu, huyện Chương Mỹ đón nhận quy tắc với tinh thần phấn khởi. Các bộ quy tắc đã có tác động rõ nét đến đời sống văn hóa của cơ sở. Người dân sáng tác ca khúc, tiểu phẩm… để tuyên truyền các nội dung của các quy tắc trong cộng đồng dân cư.
Từ việc tuyên truyền tốt, diện mạo văn hóa cơ sở thay đổi trên mọi lĩnh vực, kể cả văn hoá truyền thống và văn hóa hiện đại, hòa quyện và tạo nên chất keo kết dính tình người. Năm năm gần đây, ở thôn An Vọng, tỷ lệ đạt gia đình văn hoá luôn đạt từ 96% đến 98%.
Ở thôn An Vọng, cuộc sống người dân hết sức yên bình, đó là nhờ có văn hóa. Mỗi người dân đều xác định bản thân là chủ thể của việc xây dựng văn hóa, từ đó có nhiều đóng góp thiết thực để xây dựng quê hương, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, góp phần phát triển văn hóa truyền thống, để mỗi một miền quê là một miền quê đáng sống như nội dung của Chương trình 04.
Ông Đinh Sỹ Đạt, Phó Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin quận Hoàn Kiếm phát biểu tại buổi tọa đàm |
Ông Đinh Sỹ Đạt, Phó Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin quận Hoàn Kiếm nhấn mạnh: "Chúng tôi đã xây dựng đề án nhằm phát huy truyền thống, văn hóa ứng xử của người dân phố cổ với 5 tiêu chí, trong đó tập trung vào 2 tiêu chí chính là giao tiếp văn hóa và giữ gìn vệ sinh môi trường. Từ 2009 đến nay, việc thực hiện đề án gắn với thực hiện 2 bộ quy tắc ứng xử đã nhận được sự ủng hộ của người dân, tạo phong trào sâu rộng thu hút đông đảo người dân tham gia và ghi nhận nhiều chuyển biến tích cực.
Quận Hoàn Kiếm cũng duy trì tốt hoạt động của Ban Chỉ đạo Chương trình 04. Hằng tuần, Ban Chỉ đạo tiến hành kiểm tra trên địa bàn 18 phường, nhắc nhở các vấn đề còn tồn tại cả về văn hóa và vệ sinh môi trường, thông tin tới lãnh đạo quận để khắc phục ngay các vấn đề còn tồn tại. Năm 2020, quận Hoàn Kiếm cũng làm tốt về việc xóa bỏ bếp than tổ ong. 18/18 phường đã vận động người dân chuyển đổi sang các loại bếp thân thiện với môi trường.
Chúng tôi cho rằng việc thực hiện đề án đã đi vào đời sống của người dân. Điều này có thể nhận thấy rõ trong đợt dịch Covid-19, khi Chính phủ yêu cầu người dân thực hiện cách ly xã hội, dừng toàn bộ kinh doanh trên địa bàn quận Hoàn Kiếm, người dân đã chấp hành rất tốt. Người dân cũng thể hiện tinh thần tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau với nhiều nghĩa cử tốt đẹp".