Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng dự gặp mặt kỷ niệm 75 năm ngày Tổng tuyển cử đầu tiên
Vẹn nguyên giá trị của ngày Tổng tuyển cử đầu tiên Bài viết của Chủ tịch Quốc hội kỷ niệm ngày Tổng tuyển cử đầu tiên |
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng dự gặp mặt kỷ niệm 75 năm ngày Tổng tuyển cử đầu tiên |
Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định, sau thành công vĩ đại của Cách mạng tháng Tám, khắc phục muôn vàn khó khăn của đất nước trong bối cảnh thù trong giặc ngoài, cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên ngày 6/1/1946 đã thắng lợi, khẳng định quyền làm chủ của người dân Việt Nam trong việc tự tổ chức ra nhà nước của mình - nhà nước công nông đầu tiên của khu vực Đông Nam Á.
Suốt chặng đường 75 năm phát triển, Quốc hội luôn hiện diện cùng dân tộc, là biểu tượng quyền làm chủ của nhân dân, là cơ quan quyền lực cao nhất của nhà nước, đóng góp quan trọng cho từng bước phát triển của đất nước, của dân tộc. 14 khoá Quốc hội là sự kế thừa và phát triển liên tục. Kinh nghiệm thực tiễn của Quốc hội khoá trước luôn là bài học để củng cố hoạt động của Quốc hội khóa sau.
Điểm lại tiến trình hoạt động của Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đặc biệt nhấn mạnh sự kiện Quốc hội khoá I, thông qua bản Hiến pháp đầu tiên năm 1946 với tinh thần dân chủ, tiến bộ, đặt thể chế cho việc xây dựng nhà nước XHCN. Quốc hội khoá I cũng làm nên bản Hiến pháp năm 1959, là căn cứ pháp lý để cả nước đồng lòng tiến hành cuộc đấu tranh giành độc lập, thống nhất nước nhà.
Quốc hội các khoá II, III, IV, V hoạt động trên cơ sở bản Hiến pháp 1959, để thực hiện nhiệm vụ thống nhất đất nước. Quốc hội khoá VI đổi tên nước thành nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam; quy định quốc kỳ, quốc huy; thông qua bản Hiến pháp 1980, mở đầu cho thời kỳ cả nước thống nhất đi lên XHCN. Hiến pháp 1980 đưa đất nước qua nhiều khó khăn của thời kỳ cấm vận, bước vào thời kỳ đổi mới.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại buổi lễ. Ảnh: VGP/Quang Hiếu |
Bản Hiến pháp 1992 tạo hành lang pháp lý, tạo điều kiện cho việc quá độ, xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng cho việc tiếp tục đổi mới bộ máy, nâng cao hiệu lực hiệu quả của nhà nước trong thời kỳ đổi mới.
Nói về hoạt động của Quốc hội các khoá gần đây (khoá XI, XII, XIII), Chủ tịch Quốc hội đánh giá, đây là Quốc hội của thời kỳ đổi mới, hội nhập quốc tế sâu rộng. Các hoạt động lập pháp, quyết định vấn đề quan trọng và giám sát đều được đổi mới toàn diện, sâu sắc. Trong đó, Quốc hội XIII đã ban hành Hiến pháp 2013 cụ thể hoá cương lĩnh xây dựng đất nước thời kỳ quá độ lên CNXH.
Kế thừa thành tựu của 13 khoá Quốc hội, Quốc hội khoá XIV đã đạt được những bước phát triển quan trọng trên các lĩnh vực hoạt động, đóng góp vào những thành tựu của đất nước 35 năm đổi mới, đi sâu vào những khâu đột phá của quá trình phát triển, đi sâu vào nhiều vấn đề lớn, gai góc, bất cập, bao trùm của đời sống xã hội. Hoạt động ngoại giao nghị viện trong khoá XIV cũng được đẩy mạnh, góp phần khẳng định vai trò, vị thế của Việt Nam, là thành viên chủ động, tích cực của cộng đồng quốc tế.
Phương thức hoạt động của Quốc hội cũng thay đổi, từ Quốc hội tham luận sang tranh luận, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin. Trong năm 2019, đại dịch Covid-19 ảnh hưởng tiêu cực đến mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Quốc hội đã cùng cả nước nỗ lực khắc phục khó khăn để đạt được những kết quả lớn, như thực hiện thành công công tác chống dịch, duy trì tăng trưởng tích cực. Trong năm, Quốc hội cùng các cơ quan nhà nước tổ chức 3 hoạt động đối ngoại lớn, trên vai trò Chủ tịch AIPA, Chủ tịch ASEAN và thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc.
Những bài học xuyên suốt, cốt lõi về sức mạnh đoàn kết, tư tưởng trọng dân, gần dân, thân dân, phát huy quyền làm chủ của dân, không ngừng đổi mới sáng tạo, biến nguy thành cơ đã được vận dụng để tạo nên thành quả to lớn của năm 2020.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh: "Trong không khí vui mừng, xúc động và đầy tự hào hôm nay càng nhắc chúng ta mãi khắc sâu công lao của Bác Hồ kính yêu cùng sự hy sinh to lớn của các bậc tiền bối và bao chiến sĩ cách mạng, đồng bào, đồng chí cho thắng lợi của cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên.
Chúng ta mãi biết ơn những vị đại biểu Quốc hội các khóa đã đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân, cùng toàn dân tộc đấu tranh giành độc lập tự do, thống nhất, chung sức, đồng lòng xây dựng và phát triển đất nước ngày càng phồn vinh, hạnh phúc. Với những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của 76 năm ra đời, xây dựng và phát triển, gần 35 năm đổi mới, đất nước ta đang vững tin bước vào một giai đoạn phát triển mới. Đại hội lần thứ XIII của Đảng tới đây sẽ thông qua nhiều văn kiện quan trọng, có ý nghĩa chiến lược, đề ra những mục tiêu, nhiệm vụ gắn với từng dấu mốc quan trọng của đất nước".
Vì thế, nhiệm vụ trước mắt và lâu dài của đất nước nói chung và của Quốc hội nói riêng là rất nặng nề, đòi hỏi hoạt động của Quốc hội cần tiếp tục được đổi mới, cải tiến để nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả, đóng góp nhiều hơn vào công cuộc đổi mới, hội nhập quốc tế, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và tổ chức thành công cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị, với sự hợp tác, giúp đỡ của bạn bè quốc tế và sự ủng hộ, chia sẻ, giám sát của cử tri, Nhân dân cả nước, Quốc hội sẽ tiếp tục phát huy truyền thống hào hùng; Không ngừng lớn mạnh, có nhiều đổi mới, thực sự là cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, phấn đấu cùng toàn Đảng, toàn quân, toàn dân thực hiện thắng lợi mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” như tâm nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu và khát vọng về một Việt Nam hùng cường, thịnh vượng của toàn dân tộc