TP HCM chăm lo cho người dân có hoàn cảnh khó khăn vì dịch bệnh
Quang cảnh cuộc họp báo cung cấp thông tin về tình hình dịch bệnh Covid-19 |
Chăm lo theo đối tượng không theo số lượng
Trả lời các công hỏi về việc chăm lo cho người lao động khó khăn vì dịch bệnh, ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TP HCM cho biết, vừa qua công tác chăm lo cho người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 đã và đang được triển khai khẩn trương, nhanh chóng đến những người dân có hoàn cảnh khó khăn.
Trong đợt này, thành phố tiếp tục hỗ trợ cho người lao động theo đối tượng chứ không theo số lượng. Cụ thể thành phố chăm lo lao động không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc làm do bị ảnh hưởng bởi Covid-19 theo khoản 4 điều 2, Nghị quyết 09 của Hội đồng nhân dân TP HCM. Theo đó, Thành phố sẽ hỗ trợ một lần 1,5 triệu đồng cho 334.192 người trong đối tượng này với kinh phí hơn 501 tỷ đồng với nguồn kinh phí hỗ trợ từ ngân sách thành phố.
Đối với chính sách hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ lao động nghèo đang sinh sống trong khu nhà trọ, khu lưu trú công nhân, khu vực phong tỏa, Thành phố sẽ hỗ trợ 1 lần từ 1 - 1,5 triệu /hộ, trong đó nguồn ngân sách Nhà nước là 1 triệu đồng/ hộ, nguồn vận động từ kênh Mặt trận Tổ quốc là 500 nghìn/hộ. TP HCM có 90.585 hộ được hưởng chính sách với 52.561 hộ nghèo và 38.024 hộ cận nghèo.
Ngoài ra, TP HCM cũng sẽ hỗ trợ cho các lao động ngoại tỉnh đang sống trong khu nhà trọ, khu lưu trú công nhân, khu lao động nghèo, khu bị phong tỏa với mức 1 triệu đồng/hộ, dự kiến là 170 nghìn hộ. Dự báo kinh phí cho các đối tượng này là 390 tỷ 877 triệu đồng từ hai nguồn là ngân sách thành phố và xã hội hóa.
Liên quan đến các gói hỗ trợ trên, ông Lê Minh Tấn, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP HCM cho biết, hiện nay TP HCM đang có chủ trương “ai ở đâu, ở yên đó” nên TP HCM sẽ bổ sung một gói hỗ trợ cho người lao động nghèo ở nhà trọ, xóm lao động nghèo ngoại tỉnh với mức hỗ trợ dự kiến sẽ nhận 1 triệu đồng. Ngoài ra, tùy vào gia cảnh của người dân, những hộ có khó khăn hơn, nhiều nhân khẩu, địa phương cần linh động hỗ trợ thêm bằng nguồn vận động.
“Tính đến nay, người lao động nghèo, ai có mặt ở thành phố thì được hỗ trợ, không phân biệt tạm trú hay thường trú do đây là cứu trợ đột xuất ngắn hạn vì dịch bệnh. Đây là những nhóm đối tượng cần hỗ trợ ngay, rất cần thiết để bà con vượt qua dịch bệnh”, ông Lê Minh Tấn nói.
Cẩn thận khi mua test nhanh trên mạng
Tại cuộc họp này, nhiều phóng viên cũng đặt câu hỏi làm sao để kiểm soát tình trạng người dân đổ xô đi mua test nhanh trên mạng. Trả lời vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND TP HCM Dương Anh Đức cho biết, test nhanh dùng để chẩn đoán mắc Covid-19 có hai loại: Test nhanh kháng thể (thường lấy mẫu bệnh phẩm là máu) và test nhanh kháng nguyên (dịch tỵ hầu). Loại thường được biết đến là loại test nhanh kháng nguyên.
Phó Chủ tịch UBND TP Dương Anh Đức thông tin về tình trạng đua nhau mua test nhanh Covid-19 |
Đối với test nhanh kháng nguyên, trong nước có 1 sản phẩm hàng Việt Nam và nhiều loại nước ngoài. Cách sử dụng khá đơn giản và người dân hoàn toàn có thể tự thực hiện theo hướng dẫn đi kèm, hoặc được ai đó hướng dẫn trong vòng vài phút. Độ chính xác của test nhanh phụ thuộc vào kỹ thuật lấy mẫu và cách thực hiện, tất nhiên là cũng có sai số nhất định so với thể trạng của từng người. Vì thế, người thực hiện cần thực hiện kỹ theo hướng dẫn.
“Test nhanh được xếp vào nhóm trang thiết bị y tế, có được bán tại tiệm bán trang thiết bị y tế, hoặc các nhà thuốc có bán trang thiết bị y tế. Hiện nay, có nhiều loại test nhanh được rao bán trên mạng. Người dân nên thận trọng khi mua test nhanh trên mạng, chỉ nên mua các loại test nhanh nằm trong danh mục Bộ Y tế đã cấp phép lưu hành và mua tại cửa hàng bán trang thiết bị y tế và các nhà thuốc”, đồng chí Dương Anh Đức khuyến cáo.
Theo đồng chí Dương Anh Đức, khi thực hiện test nhanh bằng kháng nguyên, nếu có kết quả nghi ngờ kết quả dương tính thì người dân cần bình tĩnh, liên hệ cơ sở y tế gần nhất (trạm y tế, trung tâm y tế, bệnh viện) để được hỗ trợ. Trong trường hợp test nhanh cho kết quả âm tính, thì người dân cũng không nên chủ quan, bởi vì vẫn có một xác suất nhất định có sai số trong test nhanh - cả trường hợp dương tính hoặc âm tính.
Vì vậy, khi dương tính thì cần bình tĩnh, và khi âm tính thì không chủ quan mà luôn cần tuân thủ 5K. Nếu như người dân thấy bản thân có các triệu chứng như ho, sốt, khó thở, mất vị giác ngay cả khi test nhanh có kết quả âm tính, thì cũng nên liên hệ ngay cơ sở y tế để được hỗ trợ.
Phát biểu kết thúc cuộ họp, ông Phan Văn Mãi, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP HCM cho biết, hiện nay thành phố đang tập trung thực hiện tốt công tác an sinh xã hội cung cấp lương thực thực phẩm cho người dân thành phố. Tất cả người dân đang ở thành phố nếu khó khăn về lương thực thực phẩm thì thành phố phải bảo đảm cung cấp cho bà con, không chỉ trong một tuần mà trong nhiều tuần, nhiều tháng sắp tới nếu tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp.
Thành phố sẵn sàng trích các quỹ dự trữ về gạo,lương thực thực phẩm, cũng như từ các nguồn bà con thành phố góp với nhau, nguồn hỗ trợ của người dân cả nước, nguồn ngân sách để hỗ trợ bà con khi cần thiết.
Từ các nguồn này, đồng chí Phan Văn Mãi tin rằng việc chăm lo đời sống bà còn dù có khó khăn hơn vẫn thực hiện được. Đồng chí cũng lưu ý, những trường hợp khó khăn chưa nhận hỗ trợ thì bà con nên có phản ánh đến địa phương để có thể được chăm lo chu đáo.