TP HCM: “Loạn” đào tạo nghề thẩm mỹ không phép - Bài 3: Lộ bất cập trong công tác quản lý
![]() |
Học viện thẩm mỹ quốc tế MIU, thuộc Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển giáo dục MIU Academy (địa chỉ đào tạo: 16D Nguyễn Văn Giai, phường Đa kao, Quận 1), vừa mới “khai sinh” chưa lâu, nhưng cũng tự xưng là “Học viện thẩm mỹ quốc tế”, và rầm rộ tuyển sinh, khai giảng các lớp kỹ thuật viên spa cơ bản; Kỹ thuật viên spa nâng cao; Chuyên viên phun xăm thẩm mỹ,…
Bài liên quan
Bài 2: Hệ lụy sau những tấm bằng đào tạo “siêu tốc”
TP HCM: Phát hiện cơ sở thẩm mỹ tiêm filler, botox không phép
TP HCM: Kiểm soát lạm dụng trong khám chữa bệnh BHYT
TP HCM: Sửa mũi tại Viện thẩm mỹ Vivian, một bệnh nhân nguy kịch
Siết chặt quản lý
Như báo Tuổi trẻ Thủ đô đã thông tin, thời gian vừa qua trên địa bàn TP HCM liên tiếp xảy ra nhiều sự cố y khoa làm chết người, gây hoang mang dư luận. Để chấn chỉnh tình trạng trên, ngày 29/10, UBND TP HCM đã có văn bản gửi Sở Y tế và các cơ quan ban ngành, quận, huyện về việc tăng cường công tác quản lý Nhà nước đối với hoạt động dịch vụ thẩm mỹ trên địa bàn thành phố.
Theo đó, UBND TP yêu cầu UBND các quận, huyện tập trung chỉ đạo tăng cường công tác quản lý, hậu kiểm sau cấp phép đối với các cơ sở đăng ký kinh doanh với các loại hình dịch vụ thẩm mỹ (thêu, phun, xăm trên da), cơ sở chăm sóc da (spa), cơ sở cắt tóc, gội đầu (hair salon)... Tăng cường công tác rà soát, kiểm tra, kiên quyết không để xảy ra tình trạng cơ sở dịch vụ thẩm mỹ không phép nhưng lại quảng cáo và thực hiện các dịch vụ, thủ thuật, phẫu thuật thẩm mỹ xâm lấn gây nguy hiểm cho sức khỏe người dân xảy ra trên địa bàn quản lý.
UBND TP HCM cũng đề nghị Sở Y tế phối hợp UBND quận, huyện kiểm tra, xử lý theo thẩm quyền các cơ sở có vi phạm trong lĩnh vực y tế, khám chữa bệnh, phẫu thuật thẩm mỹ. Phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông thường xuyên kiểm tra, xử lý các trang thông tin điện tử quảng cáo có vi phạm, đặc biệt vi phạm về quảng cáo trong lĩnh vực khám, chữa bệnh, dịch vụ thẩm mỹ. Phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) thanh tra, kiểm tra các cơ sở đào tạo ngành nghề liên quan dịch vụ khám chữa bệnh, dịch vụ thẩm mỹ, dịch vụ xoa bóp…
Trên tinh thần chỉ đạo đó, Sở Y tế cũng đã tiến hành kiểm tra, rà soát và siết chặt công tác quản lý liên quan đến lĩnh vực này. Tuy nhiên, tình trạng các cơ sở hoạt động không phép, vượt phép vẫn diễn biến phức tạp, khó kiểm soát.
![]() |
Nơi đây từng là cơ sở của Little Garden Spa (thuộc Công ty TNHH Little Garden, địa chỉ đào tạo: 91/14 Hòa Hưng, Phường 12, Quận 10) ngoài hoạt động spa chuyên về chăm sóc da, cơ sở này còn “kiêm” luôn nghiệp vụ sư phạm, thường xuyên quảng cáo chiêu sinh học viên tham gia các khóa học như: Khóa kỹ thuật viên spa chuyên nghiệp; Khóa tiêm filler; Khóa nối mi cơ bản đến nâng cao; Khóa massage chuyên nghiệp (massage bầu),... |
Riêng đối với hoạt động dạy nghề và đào tạo nghề liên quan đến thẩm mỹ, đặc biệt là ngành phun, xăm, thêu, điêu khắc, theo Sở Y tế cho biết: Hiện nay chỉ có 8 cơ sở dịch vụ thẩm mỹ xăm, phun, thêu thuộc diện không cần xin giấy phép hoạt động gửi thông báo đủ điều kiện hoạt động về Sở Y tế theo quy định và chưa có cơ sở dạy nghề nào về xăm, phun, thêu được Sở LĐ-TB&XH cấp phép hoạt động. (?!)
Trong khi đó, ghi nhận thực tế của phóng viên cho thấy, tình trạng đào tạo nghề liên quan đến thẩm mỹ, đặc biệt là ngành phun, xăm, thêu vẫn diễn ra thường xuyên. Chỉ cần vài thao tác trên công cụ tìm kiếm Google hoặc Facebook, khách hàng có thể dễ dàng tìm thấy hàng loạt các thông tin đăng tuyển, chiêu sinh học viên công khai trên các website, fanpage với những lời mời gọi thu hút đến từ các nhà tuyển dụng.
![]() |
Các phiếu thu tiền học viên tại Little Garden Spa được người của cơ sở này gửi cho khách hàng (PV) |
Không có giá trị sử dụng đối với chứng chỉ nghề không hợp pháp?
Có rất nhiều học viên đã phải tự bỏ ra số tiền khá lớn để mong muốn có được tấm bằng hay chứng chỉ khi ra trường. Thế nhưng, những bằng cấp và chứng chỉ mà họ nhận được liệu có giá trị pháp lý để sau này có thể hành nghề hay không?
Về vấn đề này, Sở Y tế TP HCM cho biết, hiện nay có 2 hình thức hoạt động đối với cơ sở thẩm mỹ: Một là có giấy phép hoạt động và một loại không cần xin giấy phép hoạt động. Nhưng, dù là theo hình thức nào thì người thực hiện hoạt động thẩm mỹ phải có chứng nhận hoặc chứng chỉ đào tạo, dạy nghề do cơ sở đào tạo hoặc dạy nghề hợp pháp cấp.
![]() |
Thông tin học viên và khoản tiền học phí 25.000.000đ của Học viện thẩm mỹ quốc tế MIU, thuộc Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển giáo dục MIU Academy |
“Ngoài các cơ sở đào tạo nghề của Nhà nước theo quy định pháp luật, các cá nhân, tổ chức muốn được đào tạo nghề, dạy nghề hợp pháp thì các tổ chức, cá nhân phải tiến hành đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp. Các trường hợp đào tạo học nghề, cấp chứng chỉ học nghề đối với các doanh nghiệp hay cụ thể ở đây là trung tâm thẩm mỹ (không có chức năng đào tạo, dạy nghề hợp pháp) chưa tiến hành đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp thì các chứng chỉ đã được cấp không có giá trị sử dụng.
Doanh nghiệp phải có đủ điều kiện về cơ sở vật chất, thiết bị đào tạo, chương trình, giáo viên đã được cơ quan chức năng thẩm định cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp thì mới có thể tuyển sinh, tham gia đào tạo và cấp chứng chỉ, chứng nhận cho học viên”, Sở Y tế cho biết.
Do đó, việc tăng cường giám sát và phát hiện các cơ sở hành nghề, cơ sở dạy nghề thẩm mỹ xăm, phun, thêu quảng cáo hoạt động không tuân thủ quy định pháp luật trên địa bàn quận, huyện rất cần cơ quan chức năng cương quyết xử lý nghiêm. Ngoài việc các Phòng Y tế quận, huyện chịu trách nhiệm tham mưu cho UBND quận, huyện triển khai các giải pháp quyết liệt hơn trong quản lý hành nghề và dạy nghề trái phép trên địa bàn, cần phối hợp chặt chẽ với Thanh tra Sở Y tế và các Sở khác có liên quan để xử lý.
Cũng theo Sở Y tế, ngành Y tế mong người dân và các cơ quan báo, đài tiếp tục cung cấp các thông tin phản ánh liên quan đến các cơ sở hành nghề và quảng cáo trái phép để cương quyết xử lý nghiêm theo quy định.
Lộ bất cập
Trước thông tin cho rằng: “Chưa có cơ sở dạy nghề nào về xăm, phun, thêu được Sở Lao động – Thương binh và Xã hội cấp phép hoạt động”, ngày 4/11, phóng viên đã có cuộc trao đổi qua điện thoại với bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh Văn phòng Sở Y tế TP HCM về vấn đề này.
Bà Mai cho biết: Qua trao đổi với phòng chức năng của Sở LĐ-TB&XH được biết, hiện nay Bộ LĐ-TB&XH chưa cấp phép (chưa cấp mã ngành) cho Sở LĐ-TB&XH để đơn vị này cấp phép. Phía Sở LĐ-TB&XH cũng khẳng định họ chưa cấp phép đào tạo cho bất kỳ một cơ sở nào trên địa bàn TP HCM liên quan đến ngành dịch vụ thẩm mỹ này (ngành phun, xăm, thêu trên da).
Cũng theo bà Mai đánh giá, đây là một vấn đề nhức nhối của đơn vị quản lý, vì hiện nay trên mạng có rất nhiều thông tin về các cơ sở đào tạo này. Đồng thời cho rằng, việc đào tạo và quản lý đào tạo vẫn đang là một bất cập. Nếu dẹp tốt các cơ sở thẩm mỹ gây tai biến hoặc các cơ sở thẩm mỹ không phép thì phải đi từ vấn đề đào tạo này.
Tuy nhiên, trái ngược với những gì đại diện Sở Y tế đã thông tin, theo ghi nhận của phóng viên được biết, hiện có rất nhiều đơn vị (bao gồm các trường Trung cấp, Trung tâm đào tạo, doanh nghiệp…) đã được Sở LĐ-TB&XH cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp đối với ngành nghề thêu, phun, xăm trên da.
Rất nhiều giấy chứng nhận này được ký bởi ông Nguyễn Văn Lâm, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH. Thời điểm cấp phép cũng dao động từ tháng 8, tháng 9/2019. Loại hình đào tạo là sơ cấp hoặc thường xuyên, quy mô đào tạo từ khoảng 50, 90 đến 200 học viên/năm.
![]() |
Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp cho một cơ sở dạy nghề phun, xăm, thêu tại TP HCM do Sở LĐ-TB&XH TP HCM cấp |
Trước thông tin trên, ngày 14/11, phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Đặng Minh Sự, Trưởng Phòng Giáo dục nghề nghiệp – Sở LĐ-TB&XH TP HCM. Ông Sự cho biết, tất cả danh sách liên quan đến đào tạo nghề đã được đơn vị công bố trên cổng thông tin điện tử của Sở. Những đơn vị nào ngoài danh sách đó tức là chưa được cấp phép.
Cũng theo ông Sự, hiện Sở LĐ-TB&XH đang làm báo cáo tổng hợp để trình Ủy ban theo văn bản chỉ đạo của UBND TP HCM. Theo chỉ đạo là trước 15/12 sẽ phải hoàn thành việc báo cáo.
Còn liên quan đến thông tin Sở Y tế đưa ra rằng: “Chưa có cơ sở dạy nghề nào về xăm, phun, thêu được Sở LĐ-TB&XH cấp phép hoạt động”, ông Sự khẳng định: “Sở Y tế chưa hề qua đây trao đổi với anh. Tới nay anh chưa có một văn bản trả lời với Sở Y tế về phun, xăm hay gì cả”.
Báo Tuổi trẻ Thủ đô sẽ tiếp tục thông tin.
Tin liên quan
Cùng chuyên mục
Đọc thêm

Hủy bỏ Quyết định giao đất sai quy định tại xã Phước Hòa

Công ty Thang máy Hitachi Việt Nam bị phạt

Công ty Cổ phần Sao Thái Dương lên tiếng về lô sản phẩm Dầu gội dược liệu sạch chấy Aladin

Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng phê bình đoàn kiểm tra liên ngành số 3

Đẩy mạnh phòng ngừa, xử lý hoạt động sử dụng công nghệ cao trên không gian mạng để lừa đảo

Gian lận trong đấu thầu, một doanh nghiệp bị phạt 200 triệu đồng

Chuyển đất rừng phòng hộ để làm Cảng thủy nội địa Đông Phong

Nhiều sai phạm tại Khu công nghiệp chuyên sâu Phú Mỹ III

Hải Dương: Hàng loạt trạm trộn bê tông, asphalt hoạt động không phép
