TP Hồ Chí Minh: Tập trung giải quyết tồn tại, vướng mắc của doanh nghiệp
Sáng 3/3, đồng chí Phan Văn Mãi, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh, chủ trì phiên họp về tình hình kinh tế - xã hội TP tháng 2 và nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm tháng 3.
Quang cảnh phiên họp |
Tại phiên họp, Giám đốc Sở Kế hoạch Đầu tư (KH-ĐT) Lê Thị Huỳnh Mai thông tin, trong tháng 2 và 2 tháng đầu năm, tình hình kinh tế - xã hội TP đạt nhiều kết quả tích cực. Chỉ số sản xuất toàn ngành Công nghiệp (IIP) tăng 12,7%; Doanh thu du lịch tăng 115,8% so với cùng kỳ. Khách du lịch quốc tế đến TP đạt hơn 319 ngàn lượt, tăng 100% so với cùng kỳ (đầu năm 2022 còn bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 nên không có khách du lịch quốc tế). Số doanh nhiệp thành lập mới tăng 13,1%.
Tổng thu ngân sách 2 tháng đầu năm ước đạt hơn 93.000 tỷ đồng, đạt 19,83% dự toán năm và tăng 5,95% so cùng kỳ. Trong 2 tháng đầu năm, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 6,1% so với cùng kỳ; Khối lượng vận tải hành khách tăng 57,7%; Số lượng hành khách đi và đến TP Hồ Chí Minh bằng đường sắt tăng 158%, bằng đường hàng không tăng 94% so với cùng kỳ. Thành phố thu hút được khoảng 369,1 triệu USD, tăng 59% so với cùng kỳ; Kim ngạch xuất khẩu tăng 3% so với cùng kỳ…
Bên cạnh các mặt đạt được còn có những khó khăn, mặc dù số lượng doanh nghiệp thành lập mới tăng lên nhưng so với cùng kỳ lại giảm. Số doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động tăng 20,1% so với cùng kỳ. Thị trường bất động sản gặp khó khăn, doanh nghiệp khó tiếp cận nguồn vốn tín dụng. Nợ xấu nhiều ngân hàng tăng mạnh trong năm 2022...
Ông Nguyễn Khắc Hoàng, Cục trưởng Cục Thống kê TP Hồ Chí Minh cho rằng, trong 2 tháng đầu năm có một số dấu hiệu phải nhìn nhận và đánh giá lại thật kỹ. Đó là chỉ số sản xuất công nghiệp vẫn âm trong bối cảnh chỉ số này của cả nước cũng âm sâu - điều chưa từng có trong 20 năm qua.
Trong thương mại dịch vụ có tăng trưởng nhưng vẫn rất chậm vì tốc độ phục hồi du lịch và hoạt động vui chơi giải trí chưa như kỳ vọng, bất động sản giảm sâu 13%. Sản xuất khó khăn sẽ ảnh hưởng đến tiêu dùng...
Phát biểu kết luận phiên họp, đồng chí Phan Văn Mãi nhìn nhận, kết quả kinh tế xã hội tháng 2 cho thấy tình hình kinh tế - xã hội đạt khá tốt so với dự báo và chỉ tiêu đề ra. Đây là điều đáng mừng, cần cố gắng tiếp tục phát huy trong tháng 3 để kết thúc Quý I như kế hoạch.
Đồng chí Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh phát biểu kết luận phiên họp |
Theo đồng chí Phan Văn Mãi, một số kết quả nổi bật như TP Hồ Chí Minh đã tổ chức nhiều cuộc gặp gỡ lắng nghe, ghi nhận khó khăn, vướng mắc và kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp. Trong tháng 3, TP sẽ tập trung giải quyết vấn đề trên thực tế, để mang lại niềm tin, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh.
Chủ tịch UBND TP nhấn mạnh, một điểm sáng khác là diễn biến tích cực trong đầu tư công, năm nay phân bổ vốn đầu tư công sớm hơn. Cuối tháng 3 này, dự kiến HĐND TP Hồ Chí Minh sẽ họp chuyên đề để phân bổ vốn cho 8 dự án lớn. TP cũng đã khởi công được các dự án đầu tư công lớn, đã có sự chuyển biến, cần tiếp tục.
Đồng chí Phan Văn Mãi cũng đề cập đến những khó khăn trong 2 tháng đầu năm, như sản xuất công nghiệp vẫn còn giảm, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường cao gấp 3 lần doanh nghiệp thành lập mới. Trong 81 nhiệm vụ cần hoàn thành của tháng 2, có tới 12 nhiệm vụ trễ hạn.
Về tháng 3, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cho biết, các chuyên gia, Sở ngành đã đánh giá rằng đà giảm từ quý IV/2022 vẫn còn tiếp tục ảnh hưởng cho đến hết quý I và cho đến hết quý II. Tuy nhiên, hiện nay đã thấy có một số tín hiệu tích cực từ kinh tế thế giới. Trong nước, Chính phủ và thành phố cũng tập trung tháo gỡ khó khăn.
Với tình hình thiếu thuốc, thiết bị y tế, đồng chí Phan Văn Mãi đề nghị sớm có thông báo chính thức đến Nhân dân thành phố tình trạng rõ ràng, không để người dân hoang mang. Với tình hình người lao động bị mất việc, giảm việc, đồng chí đề nghị Sở Lao động - Thương binh và Xã hội ghi nhận đầy đủ, đánh giá chân thực để giải quyết đúng tầm mức vấn đề…