Trang bị “cần câu” cho sinh viên
Sinh viên được tài trợ kinh phí khởi nghiệp |
Lời khuyên dành cho sinh viên khởi nghiệp trong lĩnh vực truyền thông |
Hỗ trợ gần 120 tỷ đồng cho học sinh, sinh viên khởi nghiệp |
Dự án khởi nghiệp có được đánh giá cao và được rót vốn đầu tư hay không, phần lớn phụ thuộc vào niềm tin mà các start-up mang lại cho nhà đầu tư về dự án đó. Bởi vậy, kỹ năng viết dự án, phân tích năng lực thực hiện dự án và xây dựng chiến lược kêu gọi vốn đầu tư là ba kỹ năng vô cùng quan trọng mà bạn trẻ khởi nghiệp cần trau dồi.
Các chuyên gia tại lớp tập huấn online “Kỹ năng trình bày ý tưởng dự án khởi nghiệp cho sinh viên” năm 2021 đã chia sẻ với cán bộ, giảng viên và sinh viên trường Đại học Mở Hà Nội về tình hình khởi nghiệp sáng tạo trong và ngoài nước; Cách thức khởi nghiệp tinh gọn từ ý tưởng cùng tối ưu hoá nguồn lực và 3 kỹ năng quan trọng. Trọng tâm của chương trình là việc trang bị kiến thức, kỹ năng trình bày ý tưởng dự án khởi nghiệp cho sinh viên tham gia các cuộc thi khởi nghiệp; Thúc đẩy tinh thần và trang bị kiến thức, kỹ năng về khởi nghiệp cho học viên.
Chia sẻ với các bạn trẻ, Thạc sĩ Hoàng Sơn Công, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp và chuyển giao công nghệ ngành bán lẻ, Phó Viện trưởng Viện khoa học phát triển tài năng Việt Nam đề cập đến vấn đề khởi nghiệp - ý tưởng và những nguồn lực, cũng như những việc mà chúng ta cần làm để khởi nghiệp.
Theo anh Công, nhiều lĩnh vực công nghệ mà bạn trẻ có thể tiếp cận hơn người khác như: Công nghệ sinh học và nông nghiệp, chế biến, mỹ phẩm, dược phẩm; Công nghệ thông tin trong truyền thông, thương mại, quản lý; Công nghệ Media ở lĩnh vực giải trí, giáo dục; Công nghệ vật liệu kiến trúc, xây dựng, đồ chơi, nghề thủ công; Công nghệ dữ liệu và các thư viện tri thức…
Lớp tập huấn online “Kỹ năng trình bày ý tưởng dự án khởi nghiệp cho sinh viên” năm 2021 |
Ý tưởng khởi nghiệp có thể bắt đầu từ sự hỗ trợ của các chuyên gia, trung tâm khởi nghiệp… và chúng ta cần hành động bằng những việc làm cụ thể: Tham gia các khóa tập huấn, tư vấn về phân tích, đánh giá tính khả thi ý tưởng; Viết kế hoạch sơ bộ triển khai; Khảo sát ý tưởng trong cộng đồng.
Thạc sĩ Hoàng Sơn Công cho rằng, muốn khởi nghiệp tốt, chúng ta có thể làm ngay những việc căn bản như: Lập danh bạ các nguồn lực; Tạo lập cộng đồng mạng xã hội; Tiếp cận các mentor - người hướng dẫn; Đặt câu hỏi về những ý tưởng và khởi động quyết tâm.
Anh Trần Tuấn Linh, Giám đốc Sáng tạo tại ADDesign - Comunication & Application, chuyên gia huấn luyện khởi nghiệp, xây dựng thương hiệu giới thiệu về mô hình BMC “Ngôn ngữ kinh doanh toàn cầu” - Canvas.
Mô hình kinh doanh Canvas có tên tiếng Anh là Business Model Canvas, viết tắt là BMC, ra đời năm 2008, được phát triển bởi Tiến sĩ Alexander Osterwalder. Đây là một mô hình hiện đại, trực quan được nhiều nhà quản lý chiến lược sử dụng hiện nay để nhanh chóng và dễ dàng xác định, truyền đạt một ý tưởng kinh doanh hay khái niệm nào đó.
Chuyên gia chia sẻ tại chương trình |
Canvas cung cấp cấp nhìn toàn diện nhất cho doanh nghiệp và rất hữu ích trong việc thực hiện phân tích, so sánh về tác động có thể có của sự gia tăng đầu tư đối với bất kỳ một yếu tố ảnh hưởng nào.
Theo anh Linh, Canvas cho phép biểu diễn trực quan dễ dàng để người ra quyết định suy ngẫm. Công cụ này cung cấp một phân tích gọn gàng về những ảnh hưởng đến doanh nghiệp và cũng làm rõ định hướng mà công ty đang thực hiện thông qua mô hình kinh doanh của mình.
Mô hình cho phép nhóm điều hành hiểu 9 yếu tố liên quan mật thiết với nhau như thế nào. Một cơ hội hoặc sự đổi mới có thể được phát hiện thông qua việc sử dụng công cụ này.
Công cụ cho phép dễ dàng truy cập và chia sẻ. Hình ảnh của mô hình đã hoàn thành hoặc đơn giản là truyền tay nhau để mọi người có thể nắm bắt ý chính của nó cũng như thêm vào nó, nếu cần, có thể biến mô hình này thành một công cụ rất di động và tiện lợi.
Rất nhiều các ông lớn trên thế giới như Google, Apple, BMW đã và đang sử dụng mô hình kinh doanh Canvas. Điều đó cho thấy sự thành công khi áp dụng BMC trong quản trị chiến lược doanh nghiệp. Vì vậy, để khởi nghiệp thành công, các bạn trẻ hoàn toàn có thể chọn áp dụng nó bằng hiểu biết của bản thân để vận dụng triệt để 9 yếu tố trong mô hình này xây dựng doanh nghiệp. Công ty start-up cũng sẽ có nền tảng định hướng kinh doanh vững chắc như hàng trăm doanh nghiệp khác đã và đang sử dụng mô hình.
Với nhiều kiến thức, bài học kinh nghiệm, cũng như giới thiệu những mô hình kinh doanh, áp dụng cho khởi nghiệp, các chuyên gia tham gia lớp tập huấn “Kỹ năng trình bày ý tưởng dự án khởi nghiệp cho sinh viên” năm 2021 đã góp phần giúp các bạn trẻ nâng cao kiến thức, kỹ năng cần thiết về khởi nghiệp, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Từ đó, ngay trên ghế nhà trường, sinh viên cũng đã có những ý tưởng sáng tạo, thiết thực bắt nhịp với khởi nghiệp, lập nghiệp, sớm thành công trong tương lai.
Bài viết được hỗ trợ thực hiện bởi Đề án Hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2019-2025 do UBND thành phố Hà Nội ban hành tại Quyết định số 4889/QĐ-UBND ngày 9/9/2019. Chi tiết về các chính sách hỗ trợ trong Đề án tại đường link sau: https://hotrodoanhnghiep.hanoi.gov.vn/thu-vien/de-an-4889-ho-tro-doanh-nghiep-sang-tao-87dlrv51rg |