Trang sách "chữa lành" cô gái mang trọng bệnh
Mở cổng bình chọn cuộc thi “Cuốn sách thay đổi cuộc đời” |
Đó là chia sẻ của bạn trẻ Nguyễn Thị Thanh Hiền (huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An) - người giành giải nhất cuộc thi viết “Trang sách thay đổi đời tôi”, do Trung ương Hội LHTN Việt Nam tổ chức năm 2023.
Thay đổi tích cực từ đọc sách
Hiền cho biết, cô thay đổi nhiều nhờ vào việc đọc sách. Từ nhỏ, cô đã được bố mẹ gieo cho thói quen này. Mặc dù lúc đó Hiền chưa ý thức nhiều nhưng vì cả nể nên mỗi lần được yêu cầu, cô đều cố gắng đọc. Thế rồi thói quen ấy đã “nảy mầm”.
Cô kể, 9 năm về trước, bố đưa cho cô cuốn sách có bìa màu xanh với lời nhắn: “Bố nghĩ sẽ không phí thời gian và công sức của con đâu”. Cầm trên tay cuốn sách, Hiền đã bị thu hút ngay từ tựa đề “Tôi không đi qua tôi. Để lại gì?”, của tiến sĩ tâm lý Trần Thị Giồng. Cứ thế, cô gái đọc hết cuốn sách, không sót chữ nào và càng đọc, càng bị cuốn vào “cám dỗ” ngọt ngào của chữ nghĩa văn chương.
Thanh Hiền chia sẻ về trang sách thay đổi cuộc đời |
Có những trang sách không chỉ để trau dồi về kiến thức kỹ năng hay mang đến bài học quý giá từ các bậc vĩ nhân, uyên thâm tri thức đi trước để lại, mà còn giúp cho người đọc tự ý thức chỉnh đốn lại tâm tính và cả con người. Nó có thể tạo nên bước ngoặt mới trong cuộc đời. Hiền cho rằng “Tôi không đi qua tôi. Để lại gì?” là một trong những trang sách như thế.
Theo cô, mỗi sự vật trước khi trở về với mẹ thiên nhiên, về với vạch xuất phát, luôn để lại dấu ấn kỷ niệm, để chứng tỏ đã từng tồn tại. Con người cũng thế, hãy dặn lòng đừng đánh mất cuộc sống quý giá tươi đẹp mà không làm gì để ghi lại dấu ấn của mình. Chúng ta không chỉ đi qua cuộc đời như con thuyền đủ để lại sóng, như con tàu đủ để lại tiếng, hay như đoàn người chỉ để lại bóng, mà đi qua chính bản thân là để lắng nghe, cảm nhận, đánh giá, sàng lọc, rung cảm với chính mình mới mong để lại những giá trị cho đời.
Hiền chia sẻ, càng lật giở những trang sách, cô “bị nhột” vì cứ ngỡ tác giả đã biết rõ quá khứ với những điểm yếu tồn tại trong cô, để rồi Hiền tự định hướng sống tốt hơn với một tư duy tích cực, thái độ đúng, tâm lý ổn định cân bằng và hài hoà cảm xúc.
Khổ đau, mất mát càng trân trọng điều mình có
Trước đây, Hiền không dám cởi mở với người khác chỉ vì sợ họ thấy những khiếm khuyết. Cô nhút nhát, tự ti về bản thân, không cam tâm đón nhận căn bệnh tử thần mà bản thân đang mang trong mình. Bởi thế, Hiền không dám sống là chính mình và tự cho phép bản thân chìm đắm trong sự mặc cảm. Vì thế, cô suy diễn, so sánh với người khác, để rồi tự cho mình là người thất bại, thua cuộc.
Cô gái trẻ giành giải nhất cuộc thi viết “Trang sách thay đổi đời tôi”, do Trung ương Hội LHTN Việt Nam tổ chức |
“Khi căn bệnh ung thư máu xảy đến, tôi bi quan, lòng nặng trĩu với nỗi ưu tư sầu muộn, chán ghét mọi thứ xung quanh. Thậm chí, tôi ác cảm với những người khỏe mạnh và thành công. Tệ hơn đã có lúc tôi cho rằng tạo hoá đang quay lưng, đang cố loại tôi ra khỏi cuộc sống.
Tuy nhiên, đọc từng trang sách của tiến sĩ Trần Thị Giồng, đã khích lệ, hay đúng hơn là tác giả đã “tặng” tôi một tấm vé trên chuyến tàu trở về, để tôi có cơ hội được gột rửa hết bụi bặm trong lối tư duy bế tắc. “Tôi là tôi, tôi không phải là ai khác, chỉ có thế thôi!”. Dòng chữ ấy giúp tôi hiểu được giá trị thật về cái tôi của bản thân, dám sống thật với mình và không bị môi trường xung quanh chi phối”, Hiền bày tỏ.
Tác giả cuốn sách như nhắc cô gái trẻ rằng, khi đối diện với chính mình, chắc không ai tránh được những đau buồn tê tái, tâm can nhức nhối giằng co nhưng có buồn đau chúng ta mới nhận được hạnh phúc trong đời, có bóng tối thì mới quý ánh sáng. Có khổ đau và mất mát chúng ta càng biết trân trọng điều mình đang có. Chính những lời này đã giúp Hiền lạc quan hơn, biết trân quý sức khỏe, thời gian, để tiếp tục mơ ước và thực hiện với sự cố gắng nỗ lực mỗi ngày.
“Có lẽ, nhờ như thế mà căn bệnh ung thư máu trong tôi cũng đang từng ngày tiến triển theo chiều hướng tích cực hơn, đến nỗi bác sĩ cũng “không thể hiểu nổi”. Bởi tôi vẫn làm việc hằng ngày bên máy tính, tham gia các buổi thiện nguyện khi nhiều người vật vã chống chọi trên giường bệnh”, Hiền chia sẻ.
Cô gái trẻ bày tỏ, cô chưa bao giờ thấy lãng phí thời gian dành cho việc đọc sách, dù có những trang Hiền chẳng nhớ gì về nội dung của nó. Cô tâm đắc với nhận định rằng: “Những cuốn sách bạn từng đọc, cho dù không còn nhớ nữa thì nó vẫn tồn tại nguyên vẹn trong cách nói chuyện, trong phong thái ứng xử của bạn, trong tấm lòng rộng lượng không tính toán và ở đáy sâu tâm hồn”.