Tranh cãi về văn hóa “nằm yên” của giới trẻ Trung Quốc
Một cặp vợ chồng ở Trung Quốc đã quyết định nghỉ hưu sớm để tham gia phong trào “nằm yên” hay còn gọi là “tang ping” gây nhiều tranh cãi ở đất nước tỷ dân này.
Về cơ bản xu hướng này ám chỉ lối sống chỉ nằm một chỗ mà không làm việc và lao động nâng cao năng suất của cải xã hội. Thay vì cố gắng hướng tới học hành chăm chỉ, mua nhà hoặc lập gia đình, lối sống này cổ súy cho việc từ bỏ hết các mục tiêu và đơn giản là nằm yên một chỗ.
Tiêu biểu cho trào lưu này là một phụ nữ họ Trần 33 tuổi và chồng cô 43 tuổi sống ở Thượng Hải. Trước đây, cô là nhà thiết kế trò chơi và chồng làm việc trong lĩnh vực bất động sản.
Một cặp vợ chồng ở Trung Quốc đã quyết định về hưu sớm và tham gia phong trào “nằm yên”, sống bằng tiền tiết kiệm (Ảnh: Shutterstock) |
Theo tờ The Paper, cả hai đều mất việc làm vào năm ngoái. Sau vài tháng tìm việc làm không thành công, họ quyết định nghỉ hưu sớm và sống nhờ số tiền tiết kiệm 3 triệu nhân dân tệ (khoảng 43.000 USD). Hai vợ chồng sống cùng 2 chú mèo và không có kế hoạch sinh con.
Họ cũng không quá lo lắng về bố mẹ già vì đã có lương hưu và bảo hiểm y tế từ Chính phủ.
Cặp vợ chồng cho biết, mặc dù lối sống mới phải tiết kiệm nhưng họ đã tìm thấy sự bình yên và không còn phải chịu đựng những lo lắng đeo bám họ trước đây khi còn đi làm.
Vợ chồng cô Trần có một căn hộ trong thành phố, một chiếc xe hơi và không có khoản nợ nào. Họ nhận khoảng 10.000 nhân dân tệ (khoảng 1.455 USD) thu nhập hàng tháng từ tiền lãi tiết kiệm ngân hàng.
Cặp vợ chồng đã quen dần với lối sống “nằm yên” bằng cách tự nấu ăn ở nhà và không đi đến nhà hàng, cắt giảm tất cả chi tiêu không cần thiết. Mỗi tháng, cặp vợ chồng chỉ tiêu tốn khoảng 6.000 nhân dân tệ. Cặp đôi cho biết, ước tính số tiền tiết kiệm ngân hàng sẽ đủ để trang trải cuộc sống trong vòng 30 năm.
“Tôi không phải là người thích mang trách nhiệm, vì vậy không muốn có con. Tôi chỉ muốn ăn uống vui vẻ và tận hưởng cuộc sống”, cô Trần cho biết.
Mặc dù phải sống tiết kiệm, cặp đôi cho biết họ cảm thấy bình yên (Ảnh: Shutterstock) |
Cô Trần cũng chia sẻ sau khi đổi sang lối sống “nằm yên” không còn gặp căng thẳng như trước nữa. Cô không bị đánh thức bởi tiếng đồng hồ báo thức, cũng chẳng cần quan tâm đến bất kỳ tin nhắn nào của khách hàng hay sếp.
“Tôi ngủ cho đến khi thức dậy tự nhiên mỗi ngày. Tôi phân bổ thời gian một cách tự do. Cơ thể và linh hồn của tôi đã được giải phóng. Chúng tôi tự do và cảm thấy thoải mái mỗi ngày. Sức khỏe tâm lý có thể làm tăng sức khỏe thể chất”, cô tâm sự.
Cha mẹ hai bên đều ủng hộ quyết định không sinh con và con đường sống mà cặp đôi này lựa chọn.
Trào lưu “nằm yên” đã trở nên phổ biến ở thế hệ trẻ Trung Quốc trong những năm gần đây. Lý do vì nhiều người đã trở nên mệt mỏi với việc phải liên tục đối phó áp lực cạnh tranh của nền giáo dục và văn hóa chốn công sở tại Trung Quốc.
“Một số người hỏi chúng tôi: Khi 70 tuổi thì sẽ ra sao? Tôi trả lời đến lúc đó hãy nghĩ về nó; Hãy hạnh phúc trong mọi khoảnh khắc. Nếu cuối cùng, phải sống cuộc sống khó khăn thì đó là sự lựa chọn của tôi”, cô Trần nói.
Để thích nghi với lối sống mới, cặp đôi không bao giờ đi ăn ngoài và cắt giảm mọi khoản tiêu dùng không thiết yếu (Ảnh: Shutterstock) |
Tuy nhiên, lối sống này gặp nhiều ý kiến trái chiều. “Tôi ghen tị với cách sống của họ. Tôi cũng muốn làm như vậy nhưng không có đủ tiền để làm điều đó”, một người bình luận.
Một người khác nói: “Tôi 43 tuổi, cùng tuổi với chồng cô ấy. Con tôi mới 2 tuổi. Nhìn lại cuộc đời mình, tôi hiểu được quyết định này. “Nằm yên” là một cách sống khá tốt”.
Tuy vậy, một số người lại cảm thấy cặp đôi ngây thơ và tự tin về tương lai của họ. “Họ rất can đảm để đưa ra quyết định này. 3 triệu nhân dân tệ không phải là một con số lớn. Vẫn chưa thể lường trước được các rủi ro lớn nào. Thứ nhất, không sản phẩm tài chính nào có thể đảm bảo cung cấp cho họ 10.000 nhân dân tệ một tháng. Thứ hai, họ không coi lạm phát là một yếu tố phải cân nhắc.
Cuối cùng, kế hoạch của họ chỉ có thể diễn ra trơn tru với điều kiện quan trọng là không bị bệnh nặng. Dựa vào 3 triệu nhân dân tệ để sống trong 3 thập kỷ cho thấy sự thiếu hiểu biết chung về kinh tế của cặp vợ chồng này”, một người nêu quan điểm phản đối.
Một người khác thì bình luận: “Cảm giác an toàn không bắt nguồn từ số tiền bạn đang có mà từ số tiền bạn sẽ làm ra trong tương lai từ một công việc ổn định. Nếu chỉ tiêu tiền mà không có nguồn thu nhập thì chẳng mấy chốc tiền tiết kiệm cũng không còn”…
Hàng triệu người trẻ Trung Quốc đang phải trải qua văn hóa lao động 996, tức là làm từ 9h sáng tới 9h tối trong 6 ngày mỗi tuần. Tuy nhiên, dù họ làm chăm chỉ cỡ nào, tương lai mua nhà vẫn xa vời với nhiều người. Bên cạnh đó, họ không thể đạt được sự cân bằng giữa cuộc sống và công việc, dẫn tới cảm giác chán nản. Từ nhóm lao động trí thức ở các thành phố lớn cho tới các sinh viên mới ra trường, không ít người trẻ ở Trung Quốc thời gian qua đã lên mạng xã hội tuyên bố rằng họ là những người theo triết lý “nằm yên, mặc kệ đời”. Chính quyền đã nỗ lực ngăn chặn tác động của trào lưu này, vì lo ngại nó có thể thách thức trật tự xã hội và kinh tế. Các chuyên gia cảnh báo, về lâu dài, xu hướng này không chỉ ảnh hưởng đến tiêu dùng và tăng trưởng của Trung Quốc mà còn làm giảm tỷ lệ sinh và đe dọa hệ thống phúc lợi xã hội. |