Tri thức bản địa – Mạch sinh nguồn sống
Một tiết mục biểu diễn tại Fesstival
“Tôi Tin Tôi Có Thể“ là chuỗi sự kiện thường niên được khởi xướng từ năm 2015. Trong năm 2015, nhóm đã tổ chức được ba sự kiện tôn vinh văn hóa các dân tộc tại Hà Nội và Lào Cai, thu hút sự quan tâm của đông đảo công chúng, giới chuyên gia nghiên cứu về văn hóa các dân tộc, cũng như các tổ chức quan tâm tới bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc Việt Nam.
Tiếp tục với thông điệp “Không có văn hóa cao hơn hay thấp hơn, mà tất thảy là sự đa sắc hòa hợp”, “Tôi Tin Tôi Có Thể“ năm 2016 với chủ đề ”Tri thức bản địa – Mạch sinh nguồn sống”hướng tới việc tôn vinh các giá trị tri thức địa phương, tăng cường sự thấu hiểu về văn hóa giữa các dân tộc Việt Nam thông qua các tiết mục nghệ thuật.
Mười sáu tiết mục ca múa nhạc được trình diễn tại Nhạc viện Hà Nội vào tối thứ ba, 13/12/2016, do đồng bào từ mười một dân tộc trên khắp đất nước Việt Nam mang lại cho khán giả màu sắc và cảm nhận về sự đa dạng văn hóa trong cuộc sống cũng như tôn vinh giá trị tri thức bản địa của đồng bào dân tộc thiểu số. Mục đích là tạo dựng đoàn kết xã hội trong cộng đồng và hướng tới quản lý và sử dụng nguồn tài nguyên của cộng đồng một cách hiệu quả.
Các hoạt động thường ngày của đồng bào dân tộc được tái hiện trên sân khấu như Múa đi lấy nước của người Thái, cuộc sống tình cảm giàu màu sắc thơ ca như Hát đối đáp trai gái của người Gia Rai, Hát tỏ tình của người H’mông, hay Hát lượn để giao duyên của người Tày mỗi dịp Xuân về. Câu chuyện tình của dân tộc Thái và dân tộc Pa Kô cũng được trình diễn lần này. Chương trình cũng mang đến các tiết mục kể về các nghi lễ quan trọng như Múa xì dăm của người Khmer để dâng áo cà sa và dâng bông cho các nhà sư, hay Lễ cúng cầu người già sống lâu của dân tộc Giáy.
Múa cồng chiêng mừng lúa mới của người M’nông hay điệu múa Gông của người Dao để tái hiện hoạt động bảo vệ rừng được trình diễn là những minh chứng điển hình cho tầm quan trọng của văn hóa bản địa trong cuộc sống sản xuất và tinh thần của người dân tộc. Tri thức bản địa của người dân tộc là những kiến thức được tích luỹ qua thời gian và là nền tảng cho các quyết định của cộng đồng. Đây là những tri thức được chắt lọc rất kỹ lưỡng qua nhiều đời do vậy mang tính thực tế cao và là nguồn thông tin rất quý giá đối với người dân tộc thiểu số, giúp họ chủ động sử dụng các nguồn lực có sẵn, giảm phụ thuộc vào nguồn cung cấp từ bên ngoài.
Với khả năng trình diễn xuất sắc và niềm tự hào về cộng đồng mình, những người dân bình thường - chủ nhân các nền văn hóa đã chứng minh tri thức bản địa là một tài sản vô giá của các tộc người cả thiểu số và đa số, và là mạch nguồn giúp con người ứng phó tốt với những bối cảnh tự nhiên đầy thử thách. Họ cũng đã chứng tỏ văn hóa không có cao thấp mà chỉ có đa dạng và khác biệt, tất cả các nền văn hóa đều bình đẳng và đều có giá trị riêng, tạo thành vẻ đẹp chung của văn hóa Việt Nam.
H’Him, cô gái M’nông đến từ huyện Đắk Glong, tỉnh Đắc Nông chia sẻ: “Em rất tự hào về văn hóa và tập quán của người dân tộc M’nông. Chúng em có văn hóa cồng chiêng, uống rượu cần, nhảy múa ca hát quanh đống lửa mỗi dịp thu hoạch xong”.
Giàng A Thông người H’mông đến từ huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai, bày tỏ sự sung sướng khi lần đầu tiên được biểu diễn ở Hà Nội. “Em rất phấn khởi vì được biểu diễn các tiết mục của người H’mông, những tiết mục từ đời cụ của em để lại. Em thấy tiết mục của của các bạn ở dân tộc khác cũng rất hay. Chắc các bạn dân tộc khác cũng thấy tiết mục của dân tộc H’mông chúng em rất hay. Lần này đến Hà Nội, em được học hỏi và hiểu biết hơn về văn hóa và hoạt động của các dân tộc khác.”
Hai anh em Bàn Thừa An và Bàn Thị An, người dân tộc Dao, đến từ huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái rất tự hào về văn hóa của người Dao: “Chúng em muốn quảng bá văn hóa truyền thống, phong tục tập quán của người Dao đến bạn bè trong nước và quốc tế. Chúng em biểu diễn các tiết mục của người Dao trong các lễ hội, dạy truyền miệng cho con em ở địa phương về các tập quán địa phương để con em chúng em được tiếp xúc với văn hóa và các tập tục của người Dao từ nhỏ, không để mai một các tập tục lâu đời”.
“Là một người dân tộc thiểu số, tôi rất xúc động khi được xem những buổi biểu diễn thế này. Đây là một dịp tuyệt vời để bà con dân tộc thiểu số có thể giới thiệu những nét văn hóa đặc sắc và các tri thưc, tập tục lâu đời đến cho đồng bào thủ đô. Không văn hóa nào là thấp, văn hóa nào là cao mà tất cả các văn hóa đều có nét đặc sắc riêng, đều bình đẳng với nhau. Các nền văn hóa đều nên được có cơ hội bình đẳng để giới thiệu, chia sẻ và giao lưu,” bà Bế Hồng Vân, Phó vụ trưởng, Vụ Chính sách Dân tộc của Ủy ban Dân tộc cho biết.
“Ủy ban Dân tộc, trong vai trò là cơ quan quản lý về công tác dân tộc, sẽ tiếp tục hỗ trợ để văn hóa của người dân tộc thiểu số được tiếp cận, giới thiệu rộng rãi hơn. Đồng thời, Ủy ban cũng tích cực tiếp thu các ý kiến, kiến thức của người dân tộc thiểu số để xây dựng và hoạch định các chính sách phù hợp. Chúng tôi cũng sẽ đẩy mạnh các hoạt động phối kết hợp giữa các tổ chức như “Tôi Tin Tôi Có Thể“ để sự tham gia của người dân tộc thiểu số vào các hoạt động văn hóa, kinh tế, chính trị sẽ tiếp tục được phát huy”.
Trước buổi trình diễn, triển lãm về người dân tộc thiểu số và các trò chơi và các hoạt động tương tác cũng được diễn ra tại cùng địa điểm để cung cấp nhiều thông tin hơn và giúp người xem hiểu hơn về các nét văn hóa và tập tục của các dân tộc.
Vào sáng chủ nhật ngày 11/12/2016, chương trình biểu diễn nghệ thuật giới thiệu một số tiết mục của bà con dân tộc thiểu số cũng đã diễn tại Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục.
Sự kiện được hỗ trợ thực hiện bởi Viện Nghiên cứu Xã hội Kinh tế và Môi trường (iSEE), Trung tâm Nâng cao Năng lực Cộng đồng (CECEM), Trung tâm vì sự Phát triển Bền vững Miền núi (CSDM), Tổ chức Oxfam, Tổ chức CARE Quốc tế tại Việt Nam, cơ quan Viện trợ Ai-rơ-len Irish Aid, Trường Đại học Khoa học và Xã hội Nhân văn và tổ chức CUCA Việt Nam cùng với sự đồng hành và hỗ trợ của các nhóm, mạng lưới dân tộc thiểu số như VTIK, Tiên Phong và AHD.