Triển lãm “Nhà báo vẽ nhà báo”: Trò chuyện với cố nhân và những người trẻ về nghề
Vẽ bằng cả trái tim
Là một trong những cây bút phóng sự kỳ cựu, với hơn 40 năm đi và viết, nhà báo Huỳnh Dũng Nhân vẫn luôn giữ cho mình một lối sống lạc quan, tràn đầy năng lượng và luôn tận tâm với nghề.
Ông vừa trải qua cơn tai biến đột ngột trong chuyến đi Hà Giang từ tháng 4/2021. Trong thời gian điều trị bệnh và bị cách ly do đại dịch COVID-19, nhà báo Huỳnh Dũng Nhân đã quyết tâm thực hiện chương trình hành động “Cách ly dịch nhưng không cách ly bút”.
Nhà báo Huỳnh Dũng Nhân (bên trái) trò chuyện cùng với nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên (bên phải) |
Chia sẻ tại buổi khai mạc triển lãm, nhà báo Huỳnh Dũng Nhân cho biết: “Tôi vẽ những người tôi có kỷ niệm, vẽ những người tôi có ấn tượng, vẽ những người tôi có tình cảm. Không gì hơn, đó là cách kết nối của một người đang bị bệnh cũng như là một người đang phải cách li bởi dịch Covid”. Có lẽ bởi vậy, mà mỗi bức chân dung của tác giả đều chất chứa trong đó những câu chuyện riêng, những tình cảm hết sức chân thành của nhà báo đối những người bạn, những người đồng nghiệp của mình.
Những bản vẽ chân dung đồng nghiệp được trưng bày ở triển lãm |
Triển lãm gồm 2 cụm tranh chính là 100 bức chân dung nhà báo, bộ sưu tập tranh áp phích chống dịch cùng mẫu áo dài thời trang họa tiết chống dịch của nhà báo Huỳnh Dũng Nhân và nhà thiết kế Minh Hạnh thực hiện trong năm 2021.
Đến tham dự buổi triển lãm, nhiều đồng nghiệp, bạn văn, bạn thơ của tác giả, cũng là những nguyên mẫu trong các bức chân dung đã bày tỏ niềm xúc động trước tài năng và nghị lực sống của nhà báo, nhà văn và giờ còn là “nhà vẽ” Huỳnh Dũng Nhân. Cùng giao lưu trò chuyện trong buổi khai mạc, Nghệ sĩ nhân dân Hà Bắc đã có những bày tỏ: “Tôi ngưỡng mộ anh Nhân bởi anh luôn luôn xúc động trước cuộc đời. Tranh của anh có nét hồn nhiên trong cách vẽ và tự tin trong cách nhìn”.
Nhà báo Huỳnh Dũng Nhân giao lưu, trò chuyện với Nghệ sĩ nhân dân Hà Bắc (bên phải). |
Truyền lửa những cây bút trẻ...
Song song với việc vẽ chân dung đồng nghiệp, trong thời gian này ông vẽ tranh áp phích tuyên truyền chống dịch. Những bức tranh áp phích của ông đã được một số báo đài và tạp chí in làm trang bìa và giới thiệu trân trọng. Nhà thiết kế Minh Hạnh đã đem các họa tiết chống dịch này in trên các mẫu áo dài thời trang và ra mắt công chúng giữa năm 2021
“Việc kết hợp triển lãm chân dung nhà báo và giới thiệu bộ sưu tập áp phích chống dịch Covid càng làm cho triển lãm có chiều sâu hơn, sau nhiều thời gian hoãn do dịch, hôm nay sự kiện được tổ chức thể hiện tinh thần quyết tâm chiến đấu và thắng dịch của cả nước. Đây cũng là sự kiện hoàn thành ước mơ của tôi, gồm ước mơ viết và vẽ, là hoạt động cực kỳ đáng nhớ đối với nghề và cuộc đời của tôi”, nhà báo Huỳnh Dũng Nhân bày tỏ.
Nhà báo Huỳnh Dũng Nhân nói về bức áp phích “Nếu cách li không được, cứ về với mẹ” in trên tà áo dài từ nhà thiết kế thời trang Minh Hạnh |
Đến với không gian của Bảo tàng Báo chí Việt Nam nơi diễn ra buổi triển lãm, người xem sẽ cảm nhận được sự giao thoa giữa nét đẹp hội hoạ và báo chí. Khi chúng ta được chiêm ngưỡng những bức chân dung của những nhà báo lão thành, những cây bút kì cựu... qua những nét vẽ thật tự nhiên, gần gũi của nhà vẽ Huỳnh Dũng Nhân.
Đến dự triển lãm, bạn Dương Thuý Quỳnh, sinh viên năm hai của Học viện Báo chí và Tuyên truyền đã có những chia sẻ về trải nghiệm quý giá tại buổi khai mạc: “Khi mình học trên trường được thầy cô hướng dẫn tận tình nhưng mình vẫn chưa khám phá được hết nội lực mà cây bút mình đang cầm. Nhưng sau khi nghe nhà báo Huỳnh Dũng Nhân trao dạy, chia sẻ mình cảm thấy như được tiếp thêm lửa, thổi làn gió mới để tiếp tục say nghề và có thêm động lực khám phá chất riêng trong từng con chữ”.
Nhà báo Huỳnh Dũng Nhân (SN 1955, nghỉ hưu năm 2015) nguyên Ủy viên Ban Chấp hành, Phó Ban Nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam (khóa 8-9), Phó Chủ tịch Hội Nhà báo TP HCM, Tổng Biên tập Tạp chí Nghề báo kiêm giảng viên báo chí của một số cơ sở đào tạo báo chí trong nước. Triển lãm của nhà báo Huỳnh Dũng Nhân mở cửa từ ngày 3 đến hết 15-3, tại Bảo tàng Báo chí Việt Nam. |