Đổi mới, sáng tạo để phát triển xứng tầm vị thế, vì một nền báo chí hiện đại, nhân văn
Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam khóa X Hồ Quang Lợi phát biểu Báo cáo chính trị trình Đại hội XI của Ban Chấp hành khóa X |
"Trái ngọt" trong hành trình đổi mới
Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Hồ Quang Lợi nhận định: Có thể khẳng định, vai trò, vị thế của Hội Nhà báo Việt Nam không ngừng được nâng cao. Đó cũng chính là “trái ngọt” của hành trình đổi mới không ngừng nghỉ suốt nhiệm kỳ 2015-2020 vừa qua.
Tinh thần đổi mới ấy được lan tỏa từ cấp hội Trung ương đến Hội Nhà báo các địa phương, các Liên chi hội, Chi hội... Sự đổi mới được thể hiện qua nhiều mặt, nhiều khía cạnh, từ việc chú trọng đổi mới công tác giáo dục, bồi dưỡng, nâng cao nhận thức chính trị, nâng cao nghiệp vụ, giáo dục đạo đức nghề nghiệp, bảo vệ quyền hành nghề hợp pháp cho hội viên, nhà báo tới việc tham gia vào nhiều quyết sách có ý nghĩa lớn tới hoạt động báo chí như: Triển khai thực hiện Luật Báo chí; Ban hành 10 điều quy định đạo đức Người làm báo; Quy tắc sử dụng mạng xã hội; thành lập Bảo tàng Báo chí Cách mạng Việt Nam; thực hiện Đề án Hội báo toàn quốc, hỗ trợ Báo chí chất lượng cao, tham gia xây dựng chính sách kinh tế báo chí...
Trên tất cả, sự đổi mới ấy biểu hiện rõ nét nhất qua việc hoạt động Hội ngày càng đi vào chiều sâu, ngày càng bám sát thực tế cũng như bắt nhịp với những xu hướng mới trong đời sống báo chí, ngày càng hướng mạnh tới cơ sở, ngày càng trở nên thiết thực thiết thân hơn với mỗi hội viên, người làm báo, vì thế tạo nên sức thu hút ngày càng mạnh mẽ đối với đông đảo hội viên cũng như công chúng báo chí...
Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Hồ Quang Lợi |
Tinh thần, đổi mới sáng tạo về nhiều mặt đã tạo cho hoạt động Hội một diện mạo mới, giàu sức sống, giàu sức hấp dẫn hơn, từ đó, nâng tầm vị thế và sức ảnh hưởng của Hội Nhà báo Việt Nam trong đời sống báo chí, đời sống xã hội.
Một trong những dấu ấn đặc biệt trong nhiệm kỳ X là việc Bảo tàng Báo chí Việt Nam chính thức mở cửa đón khách tham quan (ngày 19/6/2020 - đúng dịp kỷ niệm 95 năm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam). Đây là mong ước qua nhiều nhiệm kỳ, nay đã trở thành hiện thực, đáp ứng được sự kỳ vọng của các cấp Hội, các thế hệ làm báo.
Bảo tàng không chỉ là nơi lưu giữ và phát huy giá trị cao quý rất đáng tự hào của báo chí Việt Nam mà còn là dòng chảy của lịch sử, văn hoá, tinh thần dân tộc. Đây là nơi học tập, giao lưu hết sức hiệu quả với các nhà báo, cũng là nơi truyền lửa cho thế hệ trẻ khi bước vào nghề.
Cũng phải nói thêm rằng, trong nhiệm kỳ này, chúng ta đã xác lập, xây dựng bia tưởng niệm nơi ra đời trường dạy viết báo đầu tiên Huỳnh Thúc Kháng, làm được con đường bê tông kiên cố vào nơi ra đời Hội Nhà báo Việt Nam tại Thái Nguyên... Những hoạt động ấy là minh chứng cho sự tri ân các thế hệ tiền bối, coi trọng giáo dục chính trị, giáo dục truyền thống của Hội Nhà chúng ta.
Các đồng chí lãnh đạo thăm Bảo tàng báo chí Việt Nam 19/6/2020 (Ảnh: Sơn Hải) |
Một minh chứng nữa cho sự đổi mới, sáng tạo trong hoạt động Hội là sự chuyển đổi từ mô hình Hội báo Xuân, vốn được tổ chức 5 năm một lần sang Hội báo toàn quốc được tổ chức thường niên, thực sự đã là cuộc biểu dương sức mạnh của báo chí trong thời đại công nghệ số, thể hiện vai trò, sứ mệnh quan trọng không thể thay thế của báo chí, đồng thời cũng là dịp để các nhà báo nhận thức rõ hơn trách nhiệm của mình, sự kỳ vọng của xã hội đối với báo chí; Từ đó tăng cường sự gắn kết giữa báo chí với xã hội, với Nhân dân.
Có thể khẳng định, Hội báo toàn quốc là sự kiện đặc sắc, làm nổi bật thương hiệu của Hội Nhà báo Việt Nam, có sức ảnh hưởng lớn, lan tỏa sâu sắc từ Trung ương đến địa phương.
Ngoài ra, Hội đã tổ chức được rất nhiều hoạt động về văn hóa, thể thao, tạo môi trường sinh hoạt lành mạnh cho các hội viên. Sau rất nhiều năm không tổ chức được giải bóng bàn truyền thống thì nhiệm kỳ này đã khôi phục lại, tổ chức được thường niên suốt 4 năm qua. Liên hoan Tiếng hát người làm báo 2 năm/lần cũng diễn ra sôi nổi, thu hút được các cấp Hội tham dự.
Mỗi năm Hội Nhà báo Việt Nam đã tổ chức được từ 8 đến 10 chương trình nghệ thuật, được truyền hình trực tiếp nhân dịp các ngày lễ lớn, các sự kiện quan trọng của đất nước và báo chí. Các hoạt động xã hội từ thiện cũng được chú trọng.
Hoạt động đối ngoại của Hội cũng để lại nhiều dấu ấn tốt đẹp, nổi bật nhất là chúng ta đã hoàn thành xuất sắc nhiệm kỳ Chủ tịch Liên đoàn các nhà báo ASEAN (CAJ) mà đồng chí Thuận Hữu là Chủ tịch và tôi là Tổng thư ký Liên đoàn.
Trong hành trình của 5 năm đầy sôi động, ngoài việc củng cố tổ chức Hội, Hội Nhà báo Việt Nam đã xác định đúng những nhiệm vụ trọng tâm để tập trung thực hiện. Một trong những nhiệm vụ trọng tâm ấy chính là việc phải làm cho hoạt động Hội ngày càng trở nên thiết thực, hiệu quả. Chúng tôi quan niệm, mọi hoạt động, mọi phong trào của Hội đều phải hướng đến mục tiêu thu hút được đông đảo hội viên tham gia.
Hội viên là người thụ hưởng nhưng cũng chính là yếu tố làm nên hiệu quả cho phong trào đó, hoạt động đó. Chỉ khi nào hội viên cảm thấy những hoạt động, phong trào đó thiết thân, phù hợp với họ thì khi ấy hoạt động Hội, các phong trào của Hội mới thực sự được xem là hiệu quả, thiết thực, khiến hội viên, nhà báo tham gia tổ chức Hội một cách nhiệt thành và tự nguyện. Từ đó, tạo sức hấp dẫn một cách tự nhiên nhất và cũng bền vững nhất cho hoạt động Hội.
Nói cách khác, sự thiết thực, hiệu quả chính là chìa khóa để thu hút, quy tụ hội viên, nhà báo, làm cho họ cảm thấy gắn bó, gần gũi hơn với tổ chức Hội Nhà báo, xem đó là “mái nhà chung” làm điểm tựa không thể thiếu trong quá trình làm nghề.
"Rèn nghề" đi đôi với "rèn đức"
Trong những năm qua, công tác đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ luôn được các cấp Hội Nhà báo Việt Nam chú trọng. Để thu hút được hội viên, các chương trình, nội dung và phương pháp đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí ngày càng được cải tiến, đa dạng hóa và nâng cao chất lượng.
Từ năm 2015-2020, Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí đã tổ chức được 510 lớp học cho 15.020 lượt học viên, dưới sự giảng dạy của các giảng viên uy tín ở trong nước và nước ngoài, chương trình học luôn cập nhật những nội dung mới, bắt nhịp xu hướng thời đại truyền thông số.
Việc bồi dưỡng nghiệp vụ cho hội viên còn được thực hiện thông qua rất nhiều chương trình tọa đàm, hội thảo về nghiệp vụ, gắn kết các hội viên, nhà báo giao lưu chia sẻ các vấn đề nóng, cấp thiết trong nghề. Trong 5 năm (2015-2020), Ban Nghiệp vụ đã chủ trì và phối hợp chủ trì tổ chức hơn 50 hội thảo, tọa đàm nghiệp vụ, diễn đàn, cuộc thi báo chí…
Hội Nhà báo Việt Nam kết hợp với một số địa phương, tạo nguồn để Viện Báo chí và Truyền thông (Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội) mở một số lớp cao học, đại học báo chí tại chức, góp phần chuẩn hóa đội ngũ làm báo.
Đồng chí Hồ Quang Lợi - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam trao giải nhất cho đôi nam lãnh đạo tại Giải Bóng bàn HNBVN lần thứ XII, năm 2018 |
Không chỉ Trung ương Hội mà các Hội Nhà báo địa phương, các cơ quan báo chí lớn cũng rất tích cực trong nhiệm vụ này. Các cấp Hội trong cả nước cũng đã chủ động tổ chức hàng trăm lớp ngắn hạn bồi dưỡng nghiệp vụ tại chỗ cho hội viên, với những nội dung thiết thực, cập nhật, nhất là về các kỹ năng làm báo hiện đại.
Nhờ đổi mới về nội dung, phương pháp giảng dạy nên chất lượng, hiệu quả của các lớp học nghiệp vụ ngày càng được nâng cao, khơi dậy tinh thần ham học hỏi, nghiên cứu của người làm báo; Đặc biệt là giúp Hội có thêm sức thu hút với các hội viên, khiến họ nhận ra rằng việc tham gia hoạt động Hội đồng nghĩa có thêm cơ hội được rèn nghề, được nâng cao trình độ nghiệp vụ.
Trong nhiệm kỳ qua, với Hội Nhà báo Việt Nam, việc tu dưỡng, nêu cao đạo đức người làm báo được xem là nhiệm vụ hàng đầu. “10 điều quy định đạo đức nghề nghiệp của người làm báo” đã được Hội xây dựng, ban hành và tổ chức học tập rộng rãi trong các cấp Hội, các cơ quan báo chí từ ngày 1/1/2017. Các quy định này đã trở thành nguyên tắc làm nghề, lời cam kết thiêng liêng, giúp người làm báo luôn ý thức được một cách sâu sắc trách nhiệm với xã hội, với đất nước.
Ngoài ra, các vấn đề nảy sinh cũng như những hệ lụy tiêu cực từ mạng xã hội đối với các hội viên, nhà báo cũng được Hội Nhà báo Việt Nam nắm bắt và ngăn chặn kịp thời với việc nhanh chóng cụ thể hóa điều 5 trong “10 điều quy định đạo đức nghề nghiệp của người làm báo”, quy định nhà báo phải chuẩn mực và trách nhiệm khi tham gia mạng xã hội.
Ngay tiếp đó, Hội Nhà báo Việt Nam đã nghiên cứu và ban hành thêm bản “Quy tắc về sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam” được giới báo chí và dư luận rất hoan nghênh.
Để giữ vững kỷ cương trong hoạt động nghề nghiệp, Hội đã tăng cường công tác kiểm tra, giám sát; Đã thành lập và đi vào hoạt động có nề nếp gần 300 hội đồng xử lý vi phạm đạo đức nghề nghiệp từ Trung ương xuống cơ sở, phát hiện và xử lý kịp thời, nghiêm minh nhiều trường hợp vi phạm.
Hội cũng đã ban hành Quyết định 979/QĐ- HNBVN về việc sinh hoạt hội viên là phóng viên thường trú của các cơ quan báo chí tại địa phương để đảm bảo quản lý chặt chẽ hội viên hoạt động xa tòa soạn; Đưa vào sử dụng phần mềm theo dõi việc đăng, sửa bài trên báo điện tử, về cơ bản đã ngăn chặn được hiện tượng “sáng đăng, trưa gặp, chiều gỡ” và phần mềm này đã phát huy tác dụng ngay lập tức.
Hằng năm, Hội cũng đều tăng cường công tác kiểm tra giám sát, tổ chức hàng trăm cuộc kiểm tra, giám sát ở các cấp Hội... trong nhiệm kỳ.
Có thể nói, với đồng loạt nhiều biện pháp, các công cụ để kiểm soát, giám sát vi phạm đạo đức nghề nghiệp được áp dụng, báo chí càng ngày càng phát triển đúng hướng hơn và các hành vi sai trái vi phạm cả pháp luật và đạo đức người làm báo đều giảm đi rõ rệt.
Đồng hành cùng hành trình chuyển đổi số các cơ quan báo chí
Phó Chủ tịch Thường trực HNBVN Hồ Quang Lợi cho biết: Với Hội Nhà báo Việt Nam, trong dòng chảy của thời cuộc, tôi tin rằng, hành trình đổi mới, sáng tạo của Hội Nhà báo Việt Nam chắc chắn sẽ tiếp tục được nối dài, chúng ta chắc chắn sẽ tiếp tục giữ gìn được truyền thống, tiếp tục đổi mới, sáng tạo hơn nữa trong hoạt động.
Đó sẽ là việc Học tập, quán triệt, thực hiện Nghị quyết Đại hội XI Hội Nhà báo Việt Nam, xây dựng hệ thống tổ chức Hội Nhà báo Việt Nam vững mạnh toàn diện từ Trung ương đến địa phương, thống nhất, chặt chẽ theo Điều lệ Hội; Đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các cấp Hội bằng nhiều hình thức, biện pháp; Phối hợp thực hiện tốt Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025; Nâng cao phẩm chất, năng lực của cán bộ Hội từ Trung ương đến các cơ sở; Đẩy mạnh hoạt động đối ngoại, nâng cao uy tín của Hội Nhà báo Việt Nam trên trường quốc tế, đặc biệt trong Cộng đồng ASEAN; Phối hợp với các bộ, ngành có liên quan và các cơ quan báo chí xây dựng các mô hình báo chí tự chủ về tài chính, các mô hình kinh tế báo chí…
Bên cạnh đó, một trong những “đầu việc” trọng tâm, gắn chặt với tinh thần sáng tạo, đổi mới của Hội là sự tham gia của Hội Nhà báo Việt Nam trong công cuộc chuyển đổi số (CĐS) nền báo chí nước nhà. Là một ngành nghề luôn phản ứng nhanh nhạy với mọi biến động xã hội, báo chí chịu tác động trực tiếp của CĐS. Vì thế, báo chí tất nhiên phải là lĩnh vực đi đầu trong công cuộc này. Thậm chí, để có thể tiếp tục tồn tại, phát triển, thu hút độc giả, CĐS phải là xu thế tất yếu của các báo chí hiện nay.
Các cơ quan báo chí Việt Nam có những lợi thế nhất định trong công cuộc CĐS. Ngày 3/6/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 749/QĐ-TTg phê duyệt “Chương trình CĐS quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng cho báo chí CĐS.
Bộ TT&TT mới đây cũng đã xây dựng hồ sơ “Chiến lược Chuyển đổi số báo chí đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030” trình Thủ tướng Chính phủ…
Hội Nhà báo Việt Nam khuyến khích các cơ quan báo chí chủ động, bắt nhịp, xây dựng các đề án để mau chóng đưa công cuộc CĐS vào hoạt động nghiệp vụ. Bản thân Hội Nhà báo Việt Nam đang xây dựng đề án công nghệ thông tin để phục vụ hoạt động điều hành hệ thống Hội từ Trung ương đến cơ sở. Đề án đó sẽ hiện thực hóa chủ trương CĐS.
Đồng hành cùng báo giới cả nước trong tiến trình công nghệ hóa nói chung, CĐS nói riêng, đó cũng chính là phương thức hiệu quả để tiếp tục nâng tầm vị thế của Hội Nhà báo Việt Nam trong hoạt động báo chí và đời sống xã hội, góp phần xây dựng nền báo chí cách mạng Việt Nam giàu tính chiến đấu, nhân văn, chuyên nghiệp, hiện đại vì lợi ích của đất nước và Nhân dân.
Ông Lê Quốc Minh tái đắc cử Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam |
Xây dựng đội ngũ nhà báo hiện đại, nhân văn và chất lượng |
Hội Nhà báo sẽ là nơi tập hợp, thảo luận dân chủ, khách quan về các vấn đề mới |