Triệt phá băng nhóm buôn người, hé lộ cuộc sống của những người di cư tại Anh
Những người di cư bị bọn buôn người lừa sang làm những công việc chân tay vất vả. Ảnh: Guardian
Thay vì môt viễn cảnh một cuộc sống tốt đẹp hơn, chính quyền Anh cho biết những người nhập cư đã bị bọn buôn người lừa. Chúng bỏ đói họ, cho họ ở tại những ngồi nhà tồi tàn và buộc họ phải làm việc như những nô lệ tại các nông trại và trung tâm tái chế rác thải…Họ chỉ được trả khoảng 12 USD (khoảng 280 ngàn đồng) một tuần.
Băng nhóm buôn người gồm 8 tên và đều là người Ba Lan. Cảnh sát Anh cho biết đây là băng nhóm buôn người bất hợp pháp lớn nhất trong lịch sử nước này.
Cho đến nay các nhà chức trách Anh cho biết họ mới chính thức xác nhận 88 trường hợp là nạn nhân của băng nhóm này. Tuy nhiên, con số trên thực tế có thể lên đến gần 350 trường hợp bởi nhiều nạn nhân vẫn chưa dám đứng ra tố cáo bọn chúng.
Ông Mark Paul, người đứng đầu Cơ quan Công tố Hoàng gia Anh, chia sẻ: “Quy mô của đường dây buôn người này thật sự khiến người ta kinh ngạc. Chúng kiếm lời hàng triệu bảng Anh từ đường dây buôn người và bóc lột không thương tiếc sức lao động của họ”.
Những kẻ buôn người đã sử dụng các chiến thuật quen thuộc. Chúng nhắm vào đối tượng là những người dễ bị tổn thương nhất, lừa họ sang Anh với lời hứa hẹn về cuộc sống tốt đẹp hơn. Tuy nhiên, ngay khi sang Anh, họ bị chúng đẩy vào đường cùng và buộc phải phụ thuộc vào chúng vì họ không biết phải đi đâu và làm gì. Thậm chí, các nạn nhân còn bị đe doạ và tấn công nếu không nghe lời bọn chúng.
Băng nhóm buôn người bị cảnh sát Anh bắt giữ. Ảnh:NYT |
Các công tố viên cho biết băng đảng buôn người này đã thu về 3 triệu đô la. Số tiền bóc lột của các nạn nhân được chúng sử dụng để mua xe hơi sang trọng và các hàng hóa xa xỉ khác.
Anh Mariusz Rycaczewksi, một trong những nạn nhân của băng đảng buôn người đã mô tả các điều kiện bị giam cầm của anh ta với BBC. Khi còn ở Anh, Rycaczewksi bị giam giữ trong những ngôi nhà tồi tàn ở West Bromwich và Birmingham, nơi mà không có nhà vệ sinh hay vòi sen trong nhà tắm. Hàng ngày Rycaczewksi phải làm việc ở một nông trại cách nơi ở 90 phút đi xe. Bất kể thời tiết nắng mưa, Rycaczewksi phải làm việc công việc của một nông dân thực thụ.
Một nạn nhân khác được đưa đến Anh vào năm 2014. Các thành viên băng đảng đã tiếp cận Mirosław Lehmann, 38 tuổi, ở Poznan (Ba Lan) tại một trạm xe buýt với lời hứa làm việc ở Anh sau khi anh ta vừa ra tù. Lúc đó Lehmann cho biết anh không còn nơi nào để đi và muốn bắt đầu một cuộc sống mới. Sau khi sang tới Anh, Lehmann phải sống trong điều kiện vô cùng tồi tàn, có tới bốn người cùng chen chúc trong một ngôi nhà West Midlands.
Anh đã trải qua các công việc từ thợ xây, sơn tường, dọn vườn, cắt cỏ,… và bị bắt làm việc 13 tiếng đồng hồ mỗi ngày. Tuy nhiên, bất kỳ khoản tiến nào mà anh kiếm được đều bị bọn buôn người đút túi. Chúng nói đây là số tiền mà Lehmann phải trả công cho chúng vì đã đưa anh sang Anh thành công.
Lao động cưỡng bức là một vấn đề dai dẳng trên khắp thế giới. Hiện tại quy mô của hoạt động này đã gây sốc cho nhiều người. Một báo cáo được ủy quyền của chính phủ Anh công bố năm 2017 cho thấy hàng chục ngàn người trên khắp xứ sở sương mù đang bị buộc lao động bất hợp pháp với điều kiện vô cùng cực khổ trong các tiệm nail, rửa xe hay các trang trại,…
Bài liên quan
Giải cứu 19 phụ nữ khỏi “nhà máy sản xuất trẻ em” ở Lagos
Hành trình nguy hiểm của những người di cư
Vụ 39 thi thể: Cảnh sát Anh thông báo có công dân Việt Nam
Vụ 39 thi thể trong container: Đại sứ quán Việt Nam phối hợp cùng cảnh sát Anh