Trở thành những “con nợ” vì thẻ tín dụng
Văn hóa xăm mình trong giới trẻ hiện đại Xu hướng “bỏ trốn” khỏi nơi làm việc hậu đại dịch của giới trẻ Người trẻ hiện đại đang làm việc đến kiệt sức |
Sau khi tốt nghiệp một trường đại học tại Hà Nội, Minh Quang (25 tuổi) vật lộn nhiều tháng trời tìm kiếm một công việc có mức lương khá để có thể tự lo cho bản thân. Cuối cùng, mệt mỏi vì những nỗi lo của mình, chàng trai trẻ tìm được một cách khác để cải thiện mức chi tiêu cho bản thân, đó là sử dụng thẻ tín dụng.
"Sử dụng thẻ tín dụng không giống như việc dùng tiền mặt, mình có thể thanh toán mà không phải quá lo lắng về việc đã đủ hay chưa đủ khả năng chi trả chưa. Nhờ vào đó, mình cũng nhanh chóng có được những thứ mình thích hơn”, Minh Quang cho biết.
Phụ thuộc vào thẻ tín dụng khi không có khả năng chi trả đang khiến nhiều người trẻ "ngập" trong nợ nần (Ảnh tư liệu) |
Dù việc mua sắm đã thoải mái hơn nhưng nhìn lại, chàng trai trẻ với mức thu nhập 7 triệu một tháng, mức thu nhập vốn chỉ đủ để trả tiền thuê nhà mỗi tháng và mua sắm các đồ dùng cần thiết dần dần “lún sâu” và phụ thuộc quá nhiều vào việc vay tiền thông qua thẻ tín dụng.
Để thanh toán thẻ tín dụng và tiếp tục tiêu xài, Minh Quang tiếp tục nợ nhiều hơn và hiện tại đã vay hơn 100 triệu đồng thông qua bốn chiếc thẻ tín dụng. Cứ thế, lấy tiền của thẻ này thanh toán phí trả góp cho thẻ kia và bỗng nhiên trở thành “con nợ” của thẻ tín dụng.
Thực tế, mỗi người dùng thẻ tín dụng theo một cách khác nhau và sẽ phát huy tác dụng hoàn toàn trái ngược nhau. Đối với những người không có tiền, đó có thể là một thảm họa. Một trong những nguyên nhân lớn nhất dẫn đến điều này là vì người không có tiền thường không hiểu mục đích thực sự của thẻ tín dụng mà chỉ biết cách sử dụng nó như một khoản vay tiêu dùng.
Đối với một số người, đặc biệt là giới trẻ hiện tại, việc làm được thẻ tín dụng giống như việc họ vừa tìm được kho báu. Đây cũng chính là bước đầu tiên khiến người không có tiền lâm vào cảnh nợ nần chồng chất, bởi lẽ thẻ tín dụng đã làm sai lệch quan điểm tiêu dùng của họ. Điều này thực sự rất đáng sợ vì khi đó, thẻ tín dụng về cơ bản đã trở thành một món nợ bắt buộc phải trả, chỉ là vấn đề thời gian.
Thẻ tín dụng đang giống như một loại thuốc "thần thánh" khiến ai cũng khao khát phải có được |
Đa phần giới trẻ ngày nay ai cũng có cho mình ít nhất một chiếc thẻ tín dụng. Với văn hóa chi tiêu và tận hưởng cuộc sống của nhiều người, khi gặp khó khăn về kinh tế, thẻ tín dụng như một cọng rơm cứu mạng nhưng đồng thời, chúng ta cũng đã vô tình gieo xuống một quả bom vô hình.
Xuất thân trong một gia đình bình thường, việc chi tiêu cho cuộc sống hàng ngày của Thu Hương (25 tuổi, nhân viên hành chính) dù không khó khăn nhưng cũng không mấy dư dả. Dù vậy, để “bằng bạn bằng bè” cũng như thích được mọi người chú ý, đầu năm 2021, Thu Hương tự sắm cho mình một chiếc xe máy có giá hơn 70 triệu với hợp đồng trả góp qua thẻ tín dụng trong 12 tháng.
Nhưng chỉ đến tháng 5/2021, công việc du lịch Thu Hương đang làm bị ảnh hưởng nặng nề do dịch Covid-19 khiến bản thân cô không còn khả năng chi trả trong khi gia đình cũng gặp nhiều khó khăn. Để có tiền trả theo đúng hạn cho thẻ tín dụng, cô gái trẻ tiếc nuối đành phải mang xe vào tiệm cầm đồ cầm với giá 40 triệu đồng.
"Số tiền đó một nửa mình để ra cho phí trả góp, còn lại là tiền nhà trọ rồi chi phí sinh hoạt. Mình chẳng dám ăn tiêu mà tiền cũng hết sạch. Chưa biết bao giờ mình mới có thể chuộc lại chiếc xe. Thật sự rất buồn khi vừa mua chưa được bao lâu mà phải tạm biệt nó", Thu Hương nói.
Thẻ tín dụng cần được hiểu và sử dụng một cách hợp lý (Ảnh tư liệu) |
Câu chuyện bỗng nhiên trở thành “con nợ” thẻ tín dụng như Minh Quang hay Thu Hương không hiếm trong giới trẻ hiện tại. Khi “mức thu” không đáp ứng được “mức chi”, nhiều bạn trẻ đang rơi vào vòng xoáy nợ nần do chính mình tạo ra khi sử dụng sai mục đích thẻ tín dụng.
Nhiều bạn trẻ hiện tại đang sống với quan điểm “Ai cũng chỉ sống một lần” và “Có nợ mới có động lực làm việc để trả nợ”. Về cơ bản, những quan điểm này chỉ đúng với một số ít người trẻ. Còn nhiều người, do quá phụ thuộc cũng như mù quáng, không làm chủ được mình, họ đang gánh trên vai những khoản nợ mà rất có thể, nếu không có sự xuất hiện của thẻ tín dụng thì điều đó đã không xảy ra.
Thẻ tín dụng chỉ là tài sản khi nó nằm trong tay một người hiểu nó, có thể dùng nó để tạo ra giá trị cho bản thân. Còn nếu nằm trong tay những người không hiểu nó, thẻ tín dụng nhất định sẽ trở thành một món nợ. Đáng buồn là vẫn có rất nhiều người đang “mù quáng” và để thẻ tín dụng trở thành “chủ” của mình, thậm chí con số còn đang tăng lên từng ngày.
Làm việc chăm chỉ vốn không hề dễ dàng, bản trẻ hãy suy nghĩ thật kỹ khi quyết định sử dụng thẻ tín dụng và đừng khiến cuộc sống của mình thêm túng quẫn vì sự thiếu hiểu biết. Hãy là chủ của tấm thẻ tín dụng và đừng trở thành “nô lệ” của nó.