Trung Quốc vẫn là thị trường chủ yếu cung cấp phân bón cho Việt Nam
Năm 2022 dự báo giá phân bón sẽ hạ nhiệt Nhiều yếu tố gây áp lực lên mặt bằng giá năm 2022 |
Theo Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương Mại - Bộ Công Thương (VITIC), năm 2021, nhập khẩu phân bón của cả nước đạt 4,54 triệu tấn, kim ngạch 1,45 tỷ USD, giá trung bình 319,7 USD/tấn, tăng 19,4% về khối lượng, tăng 52,6% về kim ngạch và tăng 27,8% về giá so với năm 2020.
Xét theo thị trường, Trung Quốc là quốc gia chủ đạo cung cấp phân bón các loại cho Việt Nam, chiếm 44,5% trong tổng lượng và chiếm 42% trong tổng kim ngạch nhập khẩu phân bón của cả nước, đạt 2,02 triệu tấn, trị giá 610,29 triệu USD; Giá trung bình 302 USD/tấn, tăng cả lượng, kim ngạch và giá so với năm 2020, với mức tăng tương ứng 27,3%, 65,6% và 30%.
Trung Quốc là quốc gia chủ đạo cung cấp phân bón các loại cho Việt Nam |
Xếp sau thị trường chủ đạo Trung Quốc là thị trường Đông Nam Á. Trong năm 2021 nhập khẩu từ thị trường này tăng rất mạnh 37,2% về lượng, tăng 117,4% về kim ngạch, tăng 58,4% về giá so với năm 2020, đạt 504.838 tấn, trị giá 190,44 triệu USD, giá trung bình 377,2 USD/tấn.
Ở chiều ngược lại, năm 2021, cả nước xuất khẩu trên 1,35 triệu tấn phân bón, thu về 559,35 triệu USD, giá trung bình đạt 413,4 USD/tấn, tăng 16,4% về khối lượng, tăng 64,2% về kim ngạch và giá tăng 41,2% so với năm 2020.
Trong đó, Campuchia là thị trường tiêu thụ phân bón của Việt Nam nhiều nhất, chiếm tới 40,2% trong tổng lượng và chiếm 37,4% trong tổng kim ngạch xuất khẩu phân bón của cả nước, đạt 544.443 tấn, tương đương trên 209,18 triệu USD; Giá trung bình 384,2 USD/tấn, tăng 29,2% về lượng, tăng 59% về kim ngạch và tăng 23,2% về giá so với năm 2020.
Ngoài thị trường chủ đạo Campuchia, Việt Nam còn xuất khẩu phân bón sang thị trường Hàn Quốc 97.789 tấn, tương đương 70,84 triệu USD; Giá trung bình 724,4 USD/tấn, tăng mạnh 379% về lượng, tăng 2.001% về kim ngạch và tăng 338,7% về giá so với năm 2020.