“Trung thu yêu thương” sẻ chia với người dân vùng lũ
“Trung thu lan tỏa yêu thương” sẻ chia với đồng bào vùng lũ Tết Trung thu “đặc biệt” của thiếu nhi Thủ đô Công đoàn Thủ đô mang Trung thu đến trẻ em khó khăn |
Chiều 16/9, trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam đã tổ chức chương trình “Trung thu yêu thương” kết hợp hoạt động giáo dục trải nghiệm, giáo dục địa phương, giao lưu văn hoá và gây quỹ ủng hộ đồng bào chịu ảnh hưởng của cơn bão số 3.
Ông Trịnh đại Vĩ - Tham tán Giáo dục Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam tham gia chương trình và ủng hộ người dân vùng lũ (Ảnh: Thanh Tùng) |
Chương trình “Trung thu yêu thương” được trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam tổ chức chiều 16/9 với sự tham gia của ông Trịnh đại Vĩ - Tham tán Giáo dục Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam; ông Vương Đình Quán - Bí thư thứ nhất Đại sứ quán Trung Quốc, cùng giáo viên và hơn 30 học sinh trường Quốc tế Nga tại Hà Nội.
Nhà giáo Trần Thùy Dương - Hiệu trưởng trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam ủng hộ người dân vùng lũ (Ảnh Thanh Tùng) |
Chia sẻ về ý nghĩa của chương trình, nhà giáo Trần Thùy Dương - Hiệu trưởng trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam bày tỏ: “Trung thu là thời điểm theo lịch xưa đã kết thúc một mùa vụ, công việc nhà nông đỡ bận, có nhiều sản vật dồi dào.
Trung thu còn có ý nghĩa nữa là Tết của thiếu nhi, với những hoạt động của con trẻ như rước đèn, phá cỗ. Năm nay, chúng tôi cũng muốn giới thiệu với các vị khách về những tập tục vào dịp Trung thu. Chúng tôi cũng muốn giới thiệu cả sự thay đổi trong từng tập tục đó theo thời gian, theo thời đại”.
Các em học sinh trường Ams chia sẻ với người dân chịu ảnh hưởng nặng nề do mưa lũ gây ra (Ảnh: Thanh Tùng) |
Theo đó, nhắc đến Trung thu, không thể thiếu được hình ảnh của ông tiến sĩ giấy - biểu tượng của người học hành giỏi giang, được làm quan trong triều đình. Đó còn là hình ảnh của chiếc đèn ông sao, của nghệ thuật nặn tò he bằng bột.
Trong khi đó, mâm cỗ Trung thu truyền thống được tạo nên từ nhiều loại quả, bánh như biểu tượng của sự sung túc, no đủ. Điều này thể hiện tính cộng đồng, mang tới đa dạng văn hóa mà các dân tộc, các quốc gia đều mong muốn có được.
"Ngài tham tán chia sẻ về nét văn hóa tương đồng trong Tết Trung thu giữa Việt Nam và Trung Quốc (Ảnh: Thanh Tùng) |
“Chương trình là cơ hội để học sinh nhà trường được trải nghiệm sâu sắc văn hoá dân tộc, đồng thời nâng cao ý thức trách nhiệm chia sẻ với cộng đồng thông qua những hoạt động khởi nghiệp sáng tạo quy mô nhỏ.
Giáo dục những công dân Việt Nam mang trí tuệ và trái tim dân tộc để hội nhập quốc tế. Đó cũng là mục tiêu bền vững, nhân văn mà nhà trường luôn hướng tới”, Nhà giáo Trần Thùy Dương nhấn mạnh.
Các bạn nhỏ trường Quốc tế Nga tham gia hoạt động trải nghiệm làm bánh nướng, bánh dẻo cùng học sinh trường Ams (Ảnh: Thanh Tùng) |
Học sinh trường Quốc tế Nga trải nghiệm làm tò he (Ảnh: Thanh Tùng) |
Tại chương trình, các em học sinh nhà trường cùng học sinh trường Quốc tế Nga đã cùng giao lưu văn hóa, tìm hiểu về Tết Trung thu, trải nghiệm làm tò he, bánh dẻo, đèn lồng, viết chữ thư pháp, thi bày mâm cỗ Trung thu.
Học sinh trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam hiểu hơn về Tết Trung thu qua hoạt động trải nghiệm bày mâm ngũ quả (Ảnh: Thanh Tùng) |
Đặc biệt hơn, dịp này, trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam đã phát động cán bộ, giáo viên, nhân viên, phụ huynh và học sinh toàn trường ủng hộ đồng bào chịu thiệt hại nặng nề do bão số 3 gây ra.
Các khối lớp tổ chức bán hàng gây quỹ. Chỉ trong 1 ngày tổ chức, trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam hội thu được số tiền trên 760 triệu đồng, 1 tấn gạo, 100 thùng mỳ cùng nhiều sách vở, quần áo, đồ dùng học tập.
Được biết, nhà trường sẽ dùng số tiền này để hỗ trợ xây điểm trường ở các vùng khó khăn bị thiệt hại nặng nề do bão gây ra.