“Trượt dốc không phanh” vì ăn chơi đua đòi
![]() |
Nhiều người trẻ lên bar để “chơi tới bến” (ảnh minh họa)
Bài liên quan
Xây dựng nhiệt huyết, bản lĩnh, trí tuệ cống hiến cho đất nước
Lan tỏa tinh thần đoàn kết, hữu nghị
Lên bar hút shisha và uống rượu mạnh
Về khuya, các quán bar tại Hà Nội thường đông kín người trẻ. Dễ thấy ở đây là vũ nữ ăn mặc cũn cỡn, uốn éo múa, những cậu ấm, cô chiêu quay cuồng dưới ánh đèn mờ ảo lẫn trong làn khói thuốc shisha và tiếng nhạc chát chúa đinh tai. Gần 9 giờ tối, chúng tôi có mặt tại bar ở quận Đống Đa, Hà Nội, giờ này chỉ một vài bàn có người. Một nhân viên phục vụ tại đây cho biết, về khuya bar mới đông nhưng giờ này, chỗ gần như đã có người đặt trước.
Một tiếng sau, bar chật kín. Những vị khách rất trẻ xuất hiện, một số bạn còn mặc áo đồng phục học sinh. Các tiết mục đặc sắc được bắt đầu, 4 vũ nữ lên sàn nhảy nghệ thuật, dần dần lột những khăn che thân chỉ còn lại bộ bikini, uốn éo đến nhũn người, khi cuồng nhiệt, bốc lửa theo tiếng nhạc xập xình phát ra từ cặp loa đại và dàn nhạc DJ khủng.
Càng về đêm, các quán bar càng nhộn nhịp. 12 rưỡi đêm, chúng tôi rời Đống Đa, Hà Nội lên một quán bar ở quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, vẫn trông thấy từng tốp người trẻ dắt díu nhau lên sàn. Dường như khi mọi người chìm vào giấc ngủ thì các tay chơi mới bắt đầu vào bar giải sầu. Có tốp trẻ đi ra sau khi đã nạp rượu mạnh hay những thức uống đặc biệt khác.
Thông thường quán bar lớn chốn Hà Thành đều có sàn dành cho các vũ công biểu diễn và bên dưới, hàng trăm người trẻ nâng ly reo hò, nhảy nhót, bay lắc phiêu diêu trong làn khói mờ ảo của shisha. Cứ sau mỗi lần rít thuốc, họ lại túa ra sàn như những con thiêu thân.
Lê Hoàng Minh (sinh năm 1997), nhân viên phục vụ bar cho biết, nếu không có các vũ nữ múa khêu gợi, không có rượu mạnh, nhạc bốc và shisha thì chắc chắn các vị khách, nhất là các cậu ấm, cô chiêu Hà Thành sẽ ít hào hứng hoặc không chọn đến bar để thưởng ngoạn. “Phần lớn khách đến bar thường uống rượu mạnh, ngắm các vũ nữ chân dài, nóng bỏng, hút shisha và bóng cười”, Minh nói.
Cùng thời điểm thưởng thức những màn múa trên sàn nhảy cũng là lúc nhân viên phục vụ mang dụng cụ hút thuốc shisha, bóng cười cho khách chơi thưởng lãm. Trong tiếng nhạc liên tục không ngừng nghỉ, những người trẻ túm tụm bên bình shisha, rít những hơi dài sảng khoái, nhả khói bay mù mịt, cười như nắc nẻ trong chếnh choáng men say.
Hoàng Ngân Hà (sinh năm 2000) hít một hơi shisha, nhả khói, nghiêng ngả rồi lắc lư nhảy múa. Bên cạnh bàn của Hà, vài cô cậu tóc xanh tóc đỏ cũng nhâm nhi rượu, hít shisha một cách chuyên nghiệp. Mỗi nhóm từ ba, bốn đến chục người ngồi vây quanh bàn đèn shisha vừa hút vừa trêu chọc nhau. Người rít, người nhiệt tình cổ vũ, cười hả hê. Từng làn khói trắng phả ra, không ít người đờ đẫn “phê”.
![]() |
Trong vũ trường, quán bar, sàn nhảy ở Hà Nội, giá của một đĩa trái cây loại thường cũng tính bằng tiền trăm nghìn đồng chứ chưa nói đến rượu mạnh hay những thú chơi độc. Vì vậy, đối tượng ăn chơi tại đây thường là thanh niên đua đòi, các cậu ấm, cô chiêu, gia đình điều kiện.
Thể hiện “đẳng cấp”?
Dạo qua một vài bar tại quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, ở giờ sắp “giới nghiêm” hoạt động ở các quán bar, những “cú đêm” mặt mũi non choẹt, các cậu trai nhuộm tóc xanh đỏ, bù xù đi cùng mấy cô nàng váy áo ngắn, hở hang vẫn nhộn nhịp phóng xe, rồ ga, kéo nhau ra vào mặc cho đồng hồ đã báo sang ngày mới.
Thường xuyên đi bar vào những ngày cuối tuần, Nguyễn Ngọc Thanh (sinh năm 2001) cho biết, nhóm của cậu vào bar lần nào cùng phải làm một chầu shisha để giải trí. Thanh kể: “Bữa trước sinh nhật đứa bạn. Thằng này thích thể hiện nên bao cả nhóm thử shisha. Bây giờ, lần nào vào bar cũng thèm, cả nhóm lại gọi hút”.
Mải mê lên bar để ăn chơi, tụ tập, bù khú với những cuộc vui, Nguyễn Ngọc Thanh xao nhãng việc học hành và thi trượt đại học. Bố mẹ khuyên cậu chăm chỉ học hành để năm nay tiếp tục thi lại nhưng Thanh nằng nặc đòi đi du học tự túc giống như nhóm bạn. Vì cưng chiều con, bố mẹ cậu đã tìm mọi cách cho chàng quý tử sang nước ngoài mặc dù trong lòng phấp phỏng lo âu, không dám chắc chắn con trai mình sang đó có học tập được gì hay chỉ đi chơi cho thỏa tính hiếu kì và đua đòi với bạn bè.
Không đi bar nhưng ở lớp 11, Doãn Ngọc Mai (Hai Bà Trưng, Hà Nội) đã học thói đua đòi. Cô học sinh yêu cầu bố mẹ mua xe máy riêng và điện thoại di động xịn để thể hiện “đẳng cấp” con nhà giàu. Trong khi bạn bè cùng lớp đi học bằng xe đạp điện hoặc người nhà đưa đón. Bố mẹ không đồng ý cho mua xe máy, Mai bỏ nhà đi gần một tuần, đến khi gia đình nhắn tin sẽ mua xe thì mới chịu về.
Chân dài, da trắng, khuôn mặt xinh xắn được nhiều bạn trai để ý, Mai biết yêu từ khi học lớp 8. Tiêu chuẩn chọn bạn trai của Mai là các cậu ấm nhà giàu, có đủ tiền để đưa cô đến những điểm ăn chơi, mua sắm. Lao vào những cuộc ăn chơi trác táng, càng ngày kết quả học tập của cô càng đi xuống. Mai nhận được những cái nhìn ái ngại từ bạn bè.
Hậu quả khôn lường
Để có tiền ăn chơi với bạn bè hay thỏa mãn thói đua đòi, nhiều bạn ăn cắp tiền của bố mẹ, có bạn gái còn tìm cách “cặp” với những người đáng tuổi cha, chú. Sau một thời gian quan hệ qua lại với đại gia, nhiều cô bị vợ người tình phát hiện và đánh ghen. Giống như trường hợp của Nguyễn Ngọc Mỹ, 18 tuổi, sinh viên năm thứ nhất của một trường Đại học tại Hà Nội, vì sợ hãi trước ánh mắt của mọi người, trong khi người tình không quan tâm đến nữa, cô gái trẻ rơi vào trạng thái hoảng loạn.
Trên thực tế, trong các vụ án về đường dây gái gọi, mại dâm, ma túy, có khá nhiều người trẻ còn ở lứa tuổi sinh viên, học sinh mới lớn vướng vào. Mặc dù mỗi đối tượng đến từ nhiều địa phương, hoàn cảnh khác nhau nhưng cùng chung đặc điểm là thích đua đòi, ăn chơi. Hậu quả của căn bệnh này, nhẹ thì teen bỏ bê học hành, tiêu tốn tiền của gia đình; nặng thì tự đánh mất bản thân, vi phạm pháp luật.
Một chuyên gia tư vấn tâm lý cho biết, phần lớn các bạn trẻ trong lứa tuổi này bắt đầu suy nghĩ độc lập và luôn muốn thể hiện cái tôi cá nhân của mình. Vì thế, hơn bao giờ hết, các bạn trẻ cần đến sự quan tâm và cảm thông của cha mẹ. Dù gia đình có điều kiện về kinh tế nhưng nếu cha mẹ cứ bận rộn công việc làm ăn thì con cái sẽ dễ lơ là việc học, thường xuyên tụ tập bạn bè để ăn chơi.
Chuyên gia tư vấn tâm lý Vũ Thị Lan Anh (Hà Nội) cho rằng: “Nguyên nhân đầu tiên dẫn đến trẻ đua đòi phải kể đến sự nuông chiều con của các bậc phụ huynh. Do đó, muốn ngăn chặn bệnh ăn chơi, đua đòi, trước hết, người lớn trong gia đình cần giáo dục, cho trẻ tham gia các phong trào Đoàn, Hội, sinh hoạt tập thể lành mạnh để tiếp thu, trau dồi thêm lí tưởng sống và rèn luyện bản lĩnh vững vàng không bị lôi kéo, đua đòi theo những thói hư, tính xấu”.
Tin liên quan
Cùng chuyên mục
Đọc thêm

“Hội tiền bối” giúp 2K10 gỡ rối trước kỳ thi vào lớp 10

“Khoác áo mới” cho nhà tạm, nhà dột nát

Tạm biệt tháng Tư, giới trẻ hướng về Hà Nội mùa thu lịch sử

Tuổi trẻ yêu nước từ những điều dù rất nhỏ

Chàng trai “tô màu kí ức”

Cơ hội, thách thức và những trăn trở thầm lặng

Gen Z làm freelance không nghỉ lễ, miệt mài "chạy deadline"

Tuổi trẻ Thủ đô thắp nến tri ân Anh hùng liệt sĩ

“Giải phóng tư duy” để vươn mình bứt phá
