Từ vụ đánh ghen tại Bình Dương…
Ảnh minh họa |
Nguyên nhân vụ việc khác nhau nhưng cả hai đều là nạn nhân của trò làm nhục giữa chốn đông người: Họ bị khống chế, bị đánh đập, lột sạch quần áo… Những hình ảnh ấy, trong thời đại 4.0 này, luôn được lan truyền với tốc độ chóng mặt.
Người quay clip, người xem clip sẽ nhanh chóng quên đi, rồi lại cuốn vào những thứ ồn ào khác liên tục xảy ra trên mạng xã hội. Tuy nhiên, người trong cuộc, họ phải sống với ám ảnh vì cơ thể lõa lồ của mình bị đăng tải trên mạng xã hội. Không ít trường hợp rơi vào trầm cảm, bị sang chấn tâm lý, thậm chí tìm đến cái chết như muốn giải thoát những thương tổn về mặt tâm lý.
Trở lại clip cô gái bị đánh ghen tại Bình Dương, rất nhiều người dân có mặt tại thời điểm xảy ra vụ việc. Tiếc là ai cũng giơ điện thoại lên để quay phim, chụp hình mà gần như không có người bày tỏ thái độ, can ngăn đám người đang làm nhục nạn nhân. Cho đến khi cô gái bị cắt tóc, bị lột sạch đồ trên phố thì vài người mới tất tả báo công an - việc mà lẽ ra họ nên làm từ sớm hơn.
Trong lúc ấy, số đông vẫn tiếp tục chĩa camera điện thoại về phía hiện trường mà tuyệt nhiên không có hành động nào phản đối hành vi vi phạm pháp luật đang xảy ra trước mắt.
Có thể ai đó bảo rằng không nên dây vào vì không phải chuyện của mình. Điều này có thể thông cảm được nhưng làm ơn đừng quay những clip có hình ảnh nhạy cảm để kiếm view.
Có thể ai đó sẽ bảo rằng cần quay clip để làm bằng chứng. Điều này cũng có thể thông cảm được nhưng có nhất thiết phải nhiều như vậy hay không? Thành ra rất vô cảm!
Số đông có thể phản ứng bằng cách “điều tiết” hành vi của mình, rằng người này quay phim thì những người khác sẽ ngăn cản việc làm nhục này… Hãy thử đặt mình vào vị trí là nạn nhân để thấy mình cần sự can ngăn của đám đông hay là cần họ quay phim chụp hình?
Tôi vẫn luôn tin rằng một tiếng nói, một con người, một hành động có thể không làm chùn tay đám người đang làm nhục người khác nhưng khi có nhiều hơn một tiếng nói như thế, nhiều hơn một con người như thế, nhiều hơn một hành động như thế… thì sự vụ đã không đi quá xa.
Một lãnh đạo Công an tỉnh Bình Dương nhắn với tôi rằng, với những sự vụ diễn ra tại công cộng như vừa rồi, số đông người dân nên bảo vệ người yếu thế chứ không nên quay clip, đăng lên mạng, phát tán hình ảnh khỏa thân của nạn nhân. Vì điều này dễ gây sang chấn tâm lý cho nạn nhân nặng nề.
Trên thực tế, từ vụ đánh ghen tại Bình Dương vừa rồi, gợi nhớ các vụ việc xảy ra trước đó, có rất nhiều nạn nhân đã bị chấn thương tâm lý vì hình ảnh khỏa thân của mình lan tràn trên mạng.
Đã đến lúc chúng ta nên thay đổi nhận thức, thay đổi hành vi của mình vì một xã hội thượng tôn pháp luật cũng là để bảo vệ mình...