Từng bước đưa công nghệ, chuyển đổi số, thương mại điện tử vào nông thôn
Báo cáo kết quả thực hiện chương trình Nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, ông Ngô Trường Sơn, Chánh văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương cho biết: Tính đến tháng 1/2025, cả nước đã có 6.250/8.014 xã (78%) đạt chuẩn Nông thôn mới (tăng 9,8% so với cuối năm 2021 và đạt 97,5% mục tiêu giai đoạn 2021 - 2025).
Trong đó, có 2.275 xã (36,4%) đạt chuẩn Nông thôn mới nâng cao (tăng 1.172 xã so với cuối năm 2021, đạt 91% mục tiêu giai đoạn 2021-2025) và 550 xã (8,8%) đạt chuẩn Nông thôn mới kiểu mẫu (tăng 507 xã so với cuối năm 2021, đạt 88% mục tiêu giai đoạn 2021 - 2025).
Đặc biệt, 5 tỉnh: Nam Định, Đồng Nai, Hà Nam, Hưng Yên và Hải Dương được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng Nông thôn mới.
![]() |
Ông Lê Minh Hoan, Phó Chủ tịch Quốc hội, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT phát biểu tại hội thảo |
Theo Văn phòng Điều phối Nông thôn mới trung ương, bước sang giai đoạn 2026 - 2030, Bộ tiêu chí Nông thôn mới tiếp tục được hoàn thiện theo hướng nâng cao chất lượng, phù hợp với điều kiện từng vùng. Các tiêu chí tập trung vào phát triển kinh tế xanh, chuyển đổi số trong nông nghiệp, cải thiện môi trường và nâng cao chất lượng sống cho người dân nông thôn.
Đặc biệt, chương trình hướng đến mục tiêu 90% số xã đạt chuẩn Nông thôn mới, trong đó 50% số xã đạt chuẩn nâng cao và 35% số huyện đạt chuẩn Nông thôn mới nâng cao. Chính quyền các cấp tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, tạo sự linh hoạt trong việc áp dụng tiêu chí để phù hợp với đặc điểm từng địa phương.
Nhìn lại chặng đường 15 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới (giai đoạn 2010 - 2025)ông Cao Đức Phát, nguyên Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nguyên Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương đã có những định hướng tâm huyết về chiến lược trong xây dựng Nông thôn mới giai đoạn 2026 - 2030.
![]() |
Hội thảo tham vấn lấy ý kiến góp ý định hướng Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới giai đoạn 2026-2030. |
Theo ông Cao Đức Phát, nông thôn Việt Nam cần phát triển theo hướng hiện đại, phồn vinh, bền vững. Để xây dựng nông thôn hiện đại cần đẩy mạnh phát triển kinh tế nông thôn theo hướng chuyển đổi xanh, chuyển đổi số đủ sức tạo việc làm và nâng cao nhanh thu nhập tại chỗ cho dân cư nông thôn, ngang bằng với thu nhập ở khu vực đô thị.
Đồng thời giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; bảo vệ và cải thiện môi trường, nâng cao khả năng thích ứng và chống chịu trước biến đổi khí hậu. Tiếp tục nâng cấp cơ sở hạ tầng, dịch vụ nông thôn đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế và đời sống hiện đại gắn với đô thị hóa.
Ông Lê Minh Hoan, Phó Chủ tịch Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng: Nông thôn mới không có nghĩa là đô thị hóa nông thôn. Chúng ta cần giữ gìn bản sắc văn hóa, cảnh quan thiên nhiên nhưng đồng thời phải đưa công nghệ, chuyển đổi số, thương mại điện tử vào nông thôn, để người dân nông thôn không bị bỏ lại phía sau trong kỷ nguyên số hoá.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kêu gọi các địa phương xây dựng “Tủ sách nông thôn”, tạo điều kiện để người dân có cơ hội tiếp cận tri thức. Không chỉ là những cuốn sách về kỹ thuật nông nghiệp, mà còn là những câu chuyện khởi nghiệp, những bài học về thị trường, hợp tác xã, kinh tế tuần hoàn.
![]() |
Toàn cảnh Hội thảo tham vấn lấy ý kiến góp ý định hướng Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới giai đoạn 2026 - 2030. |
Bên cạnh đó, cần có các chương trình đào tạo, huấn luyện, huy động lực lượng chuyên gia, nhà khoa học, doanh nhân về nông thôn để hướng dẫn, chuyển giao công nghệ, tạo ra những nghề mới phù hợp với điều kiện của từng địa phương.
Tại hội thảo, các đại biểu cũng tập trung vào một một số nội dung, như: Ưu tiên hỗ trợ từ ngân sách nhà nước để các xã còn lại đạt tiêu chí Nông thôn mới gắn với giảm nghèo bền vững. Quy hoạch, định hướng, hỗ trợ xây dựng nông thôn hiện đại ở các vùng thuần nông trên cơ sở phát triển nông nghiệp theo hướng sinh thái gắn với phát triển công nghiệp, dịch vụ, ngành nghề nông thôn.
Cùng với đó, kết hợp giữa sự hỗ trợ của Nhà nước với thu hút đầu tư tư nhân và phong trào quần chúng. Rà soát, phân công, phối hợp phù hợp giữa Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới với Chương trình giảm nghèo bền vững và Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030.
Tin liên quan
Cùng chuyên mục
Đọc thêm

Phong tặng danh hiệu cho 151 nghệ nhân và 3 bảng vàng gia tộc làng nghề

Hà Nội đủ điều kiện trình Thủ tướng công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng Nông thôn mới

Huyện Sóc Sơn có thêm 7 xã đạt chuẩn Nông thôn mới nâng cao

Trao bằng công nhận danh hiệu làng nghề, chứng nhận OCOP cấp thành phố

Phát triển du lịch cộng đồng nông nghiệp, nông thôn trong xây dựng Nông thôn mới

Hà Nội tăng cường quản lý khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản

Trang bị kiến thức sản xuất nông nghiệp cho bà con nông dân Sóc Sơn

Vụ mới bắt đầu trên “cánh đồng đạm tự nhiên” ở Cư Jút

Nâng cao giá trị làng nghề làm sáo diều Bá Dương Nội
