Tuyên dương 100 trẻ em gái tiêu biểu chăm ngoan, học giỏi
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Trần Thanh Long, quyền Chủ tịch UBND quận, Trưởng Ban chỉ đạo Công tác Dân số và Phát triển quận Nam Từ Liêm cho biết: "Những năm qua, công tác dân số và phát triển trên địa bàn quận Nam Từ Liêm đã dành được nhiều thành tựu đáng kể.
Mức sinh được ổn định, tỷ lệ sinh con thứ 3 được kiểm soát. Tốc độ gia tăng dân số đã chậm lại. Chất lượng dân số từng bước được nâng cao, tỷ số giới tính khi sinh trong 10 năm trở lại đây đã giảm mạnh (từ 116 bé trai/100 bé gái năm 2011 - giảm xuống còn 110 bé trai/100 bé gái (năm 2022).
9 tháng đầu năm 2023, tỷ số giới tính là 109 bé trai/100 bé gái, giảm hơn so với cùng kỳ năm trước. Mặc dù tỷ số giới tính khi sinh của toàn quận đang có xu hướng giảm nhưng vẫn ở mức cao hơn so với mức cho phép (mức cho phép là từ 103-107 bé trai/100 bé gái)".
Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Văn Chung và lãnh đạo quận Nam Từ Liêm trao quà cho các trẻ em gái chăm ngoan, học giỏi |
Tại hội nghị, 100 trẻ em gái chăm ngoan, học giỏi tại quận Nam Từ Liêm đã được biểu dương, kịp thời động viên khích lệ các trẻ em gái chăm ngoan học giỏi trong các gia đình tiêu biểu thực hiện tốt chính sách dân số trên địa bàn quận.
Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Văn Chung cho biết, hiện nay, Hà Nội đã đạt mức sinh thay thế, công tác Dân số - Kế hoạch hoá gia đình (DS-KHHGĐ) chuyển hướng sang Dân số và phát triển.
KHHGĐ không những góp phần làm giảm tỷ lệ sinh, tỷ lệ sinh con thứ ba trở lên mà còn có ảnh hưởng rất lớn đến việc giảm tỷ lệ mang thai ngoài ý muốn, nạo phá thai không an toàn, đồng thời giảm số ca tử vong mẹ và tử vong trẻ em.
Tỷ số giới tính khi sinh của Hà Nội đã giảm dần từ 117,6 trẻ trai/100 trẻ gái năm 2008 xuống còn 110,8 trẻ trai/100 trẻ gái năm 2022. Mặc dù tỷ số giới tính khi sinh của toàn thành phố đang có xu hướng giảm nhưng vẫn mức cao.
Nếu không có những can thiệp mạnh mẽ và kịp thời, có hiệu quả, mất cân bằng giới tính khi sinh sẽ dẫn đến phá vỡ cấu trúc gia đình, ảnh hưởng tới chất lượng dân số trong tương lai và những hệ lụy khó lường về trật tự xã hội.
Để thực hiện thúc đẩy bình đẳng giới, giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh cần đầu tư chăm sóc, giáo dục, yêu thương chia sẻ, giúp đỡ trẻ em gái có hoàn cảnh khó khăn, thành phố Hà Nội đã triển khai nhiều hoạt động như: Triển khai nhiều mô hình Mô hình tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân; Mô hình chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên, thanh niên...
Thành phố tổ chức truyền thông kiến thức sức khỏe sinh sản cho các đối tượng là trẻ em gái vị thành niên, thanh niên, tổ chức truyền thông chăm sóc sức khỏe sinh sản/KHHGĐ và các bệnh lây truyền qua đường tình dục cho các đoàn viên, thanh niên; Truyền truyền thông về bình đẳng giới cho học sinh các trường THCS, PTTH...
Đặc biệt, trong đợt cao điểm hưởng ứng Ngày quốc tế trẻ em gái 11/10 năm nay, Hà Nội phát động tổ chức kỷ niệm rộng khắp trên địa bàn Thủ đô; Tổ chức điểm truyền thông hưởng ứng Ngày quốc tế trẻ em gái 11/10 tại các trường học, truyền thông bình đẳng giới, phòng chống bạo lực gia đình, nâng cao vai trò, vị thế của phụ nữ và trẻ em gái.
Qua đó, các quận huyện đã có nhiều tấm gương bé gái chăm ngoan học giỏi, rất nhiều các gia đình đã thực hiện tốt chính sách dân số.
Tuyên dương 100 trẻ em gái tiêu biểu chăm ngoan, học giỏi tại Nam Từ Liêm |
Tuy nhiên, công tác dân số ở Thủ đô vẫn đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức: Quy mô dân số lớn, địa bàn dân cư rộng, dân trí không đồng đều, nhận thức và tâm lý muốn có nhiều con và thích có con trai vẫn đang là nguyên nhân dẫn đến tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh.
Theo cơ cấu dân số, hàng năm số phụ nữ bước vào độ tuổi sinh đẻ vẫn ở mức cao cùng với tốc độ gia tăng dân số cơ học, góp phần làm tăng số sinh và tăng quy mô dân số.
Để làm tốt hơn công tác dân số và phát triển của thành phố, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Văn Chung đề nghị các cấp, ngành tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW của Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII “Về công tác dân số trong tình hình mới”.
Các đơn vị tiếp tục tăng cường công tác phối hợp, điều phối giữa các ban ngành, đoàn thể, tổ chức trong việc nâng cao nhận thức của lãnh đạo và truyền thông lồng ghép với các nội dung chuyên đề tại cộng đồng và thực thi chính sách giảm thiểu về mất cân bằng giới tính khi sinh; Tăng cường tổ chức các hoạt động nhằm nâng cao vị thế, vai trò của phụ nữ, trẻ em gái, vận động từng bước làm thay đổi nhận thức và tư tưởng lạc hậu về trọng con trai hơn con gái. Tạo sự đồng thuận gia đình và của toàn xã hội góp phần thúc đẩy bình đẳng giới góp phần làm giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh.