Tuyên truyền, phòng ngừa tình trạng bắt cóc trẻ em
Nguy cơ mất an toàn với trẻ em luôn hiện hữu
Tháng 8 vừa qua, vụ bắt cóc cháu bé 7 tuổi xảy ra ở phường Việt Hưng, quận Long Biên, Hà Nội. Cháu bé đạp xe đi quanh đường nội đô dãy biệt thự liền kề, khi cháu dừng xe thì chiếc ô tô Kia Morning đỗ bên cạnh, tài xế - người đàn ông đeo khẩu trang hỏi chuyện vài câu rồi bước xuống bế cháu bé vào xe chạy đi.
Phòng chống bắt cóc trẻ em cần nhiều kỹ năng của cả người lớn và trẻ em |
Đối tượng bắt cóc đòi gia đình cháu bé trả 15 tỷ đồng tiền chuộc. Lực lượng Công an trắng đêm truy đuổi kẻ bắt cóc ở nhiều địa phương và đến 5 giờ ngày 15/8 thì bắt giữ được đối tượng.
Khi vụ bắt cóc bé trai 7 tuổi chưa lắng xuống thì đến ngày 19/9, Công an TP Hà Nội nhận đơn trình báo của chị M.T.H (33 tuổi, trú xã Đa Tốn, huyện Gia Lâm, Hà Nội) về việc con ruột mình là bé N.H.T (21 tháng tuổi) bị Giáp Thị Huyền Trang (27 tuổi, trú xã Việt Ngọc, huyện Tân Yên, Bắc Giang; là người đưa đón cháu T) bắt cóc, đòi tiền chuộc 1,5 tỷ đồng, nếu không sẽ giết cháu T.
Vào cuộc điều tra, Công an TP Hà Nội xác định chiều 19/9, sau khi đón bé T từ trường mầm non, Trang chở nạn nhân xuống thẳng địa phận tỉnh Hưng Yên và liên tục di chuyển lòng vòng qua các huyện Văn Giang, Khoái Châu, Yên Mỹ, Mỹ Hào.
Trên đường đi, bé T mệt, quấy khóc, Trang sợ lộ, sợ bị công an bắt nên đã ra tay sát hại nạn nhân để xóa dấu vết và bịt đầu mối. Sau khi gây án, biết không thể trốn thoát, Trang đã nhảy cầu tự tử.
Dù nghi phạm đã tự tử, song Công an TP Hà Nội vẫn mở rộng điều tra vụ án xem có dấu hiệu đồng phạm hay không. Tiếp đến, chiều 2/10, tại tỉnh Long An đã xảy ra vụ việc bé gái 3 tuổi bị bắt cóc tại trường mầm non khu dân cư Kiến Phát, phường 6, TP Tân An.
Chưa hết, một học sinh lớp 3 (Mỹ Đức, Hà Nội) trên đường đi học về bị 2 kẻ lạ mặt theo sát phía sau. Tới khi vào lối rẽ nhỏ trong thôn để về nhà, một người tiến gần đến và định đưa khăn mặt bịt vào miệng em thì học sinh này nhanh chóng né người sang một bên.
Khi bị kẻ xấu túm áo định bế đi, em đã cắn mạnh vào tay, giật tóc khiến kẻ xấu buông tay, đồng thời chạy được vào nhà dân gần đó và hét lớn khiến đối tượng bắt cóc bỏ cuộc.
Sự việc này sau đó được chia sẻ rộng rãi để cảnh báo rằng, kẻ xấu có thể xuất hiện bất cứ đâu. Đồng thời, kỹ năng của em bé lớp 3 chính là bài học cho nhiều trẻ em khác về cách xử lý tình huống khẩn cấp.
Tiếp tục gắn kết để chăm sóc, bảo vệ trẻ em tốt hơn
Nhằm thiết thực tổ chức các hoạt động hưởng ứng phong trào thi đua đặc biệt kỷ niệm 50 năm Ngày truyền thống lực lượng Cảnh sát cơ động (CSCĐ) (15/4/1974 - 15/4/2024), ngày 30/10, Đoàn Thanh niên Trung đoàn Cảnh sát cơ động phối hợp với Đoàn Thanh niên Công an quận Thanh Xuân và Liên đội trường Tiểu học Phương Liệt tổ chức chương trình tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật với chủ đề “Kỹ năng phòng chống bắt cóc và xâm hại trẻ em” cho học sinh trường Tiểu học Phương Liệt.
Chiến sĩ Cảnh sát cơ động phổ biến giáo dục pháp luật về Kỹ năng phòng chống bắt cóc và xâm hại trẻ em” cho học sinh trường Tiểu học Phương Liệt |
Bám sát những vấn đề của tình hình trẻ em bị xâm hại và bắt cóc, báo cáo viên của Trung đoàn CSCĐ đã tập trung truyền đạt những vấn đề “nóng” có ảnh hưởng tới sự an toàn cho trẻ em nói chung và học sinh nói riêng. Trong đó, giúp học sinh hiểu rõ hơn về các tình huống trẻ em hay bị các đối tượng xấu lợi dung để bắt cóc, xâm hại thường gặp trong cuộc sống như khi đi học, đi chơi, đi bơi… Từ đó, giúp các em hoàn thiện các kỹ năng xử trí như bình tĩnh, lựa chọn các phương án xử lý, trong tình huống xấu nhất thì tìm mọi cách bảo toàn tính mạng cho bản thân…
Cô Bùi Thị Thu Phương - Tổng phụ trách trường Tiểu học Phương Liệt cho biết: “Đây là năm thứ hai, trường phối hợp với Trung đoàn CSCĐ tổ chức một chương trình tuyên truyền pháp luật rất thiết thực và ý nghĩa cho các em học sinh. Chúng tôi rất vui mừng vì qua thời gian, các em đã nắm rõ hơn các kiến thức và đặc biệt là tự tin, mạnh dạn trong cách xử lý các tình huống mà báo cáo viên là các chiến sỹ Công an Thủ đô đưa ra”.
“Sức hấp dẫn của buổi tuyên truyền có lẽ là việc tổ chức, xây dựng bài giảng bằng những hình ảnh, video clip và nhập vai đóng giả với các chiến sỹ Công an trong những tình huống có nguy cơ bị xâm hại. Những lựa chọn và hành động xử trí hợp lý của các bạn học sinh đã khiến chúng tôi rất vui mừng vì thông qua đó, các em đã nâng cao ý thức, kiến thức và kỹ năng bảo vệ bản thân tốt hơn”, Trung úy Lê Văn Ba - Bí thư Đoàn Thanh niên Trung đoàn, báo cáo viên của chương trình cho biết.
Phấn khởi trước hiệu quả của buổi tuyên truyền, cô Phạm Thanh Huyền - Hiệu trưởng nhà trường mong muốn: “Thời gian tới, nhà trường sẽ tiếp tục nhận được sự phối hợp, hỗ trợ của các chiến sỹ Công an Thủ đô. Chúng tôi nhận thức rõ việc nâng cao hiệu quả phối hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội trong đó có lực lượng Công an Nhân dân là yếu tố quan trọng quyết định để chúng ta chăm sóc, bảo vệ trẻ em tốt hơn”.