Ứng dụng khoa học công nghệ nâng cao hiệu quả hoạt động HTX
Phát triển kinh tế tập thể gắn với ứng dụng khoa học công nghệ
Hà Nội có 2.538 HTX, trong đó 1.483 HTX nông nghiệp, 322 HTX công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, và 328 HTX thương mại - dịch vụ. Doanh thu bình quân mỗi HTX đạt 2,5 tỷ đồng, với lãi bình quân 150 triệu đồng. Tổng số thành viên HTX và liên hiệp HTX lên tới 609.400 người.
Năm qua, Liên minh HTX Hà Nội đã phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành và UBND các quận, huyện để thúc đẩy kinh tế tập thể. Họ đã tư vấn thành lập 100 HTX mới, vận động phát triển 72 đơn vị thành viên, và tổ chức nhiều chương trình hỗ trợ xúc tiến thương mại. Đặc biệt, Liên minh đã củng cố 75 HTX tại các xã xây dựng nông thôn mới nâng cao.
HTX Đan Hoài (Đan Phượng, Hà Nội) tiên phong trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao |
Trong 6 tháng đầu năm 2024, Liên minh HTX Hà Nội đã xây dựng và triển khai các chương trình, kế hoạch và phong trào thi đua chào mừng các ngày lễ lớn của đất nước và Thủ đô. Phong trào thi đua này nhằm khuyến khích cán bộ, viên chức, người lao động và các đơn vị thành viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Tháng 4/2024, nhân lễ kỷ niệm ngày Hợp tác xã Việt Nam (11/4), Liên minh HTX TP Hà Nội đã phối hợp với các đơn vị tổ chức các hội nghị phổ biến, hướng dẫn hoạt động vay vốn Quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã, các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ quản lý HTX, tổ chức để các thành viên tham gia hội chợ xúc tiến thương mại của Liên minh HTX Việt Nam…
Thời gian vừa qua thành phố Hà Nội cũng đã tích cực triển khai các mô hình khuyến nông ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ vào sản xuất, góp phần nâng cao năng suất và giá trị sản phẩm nông nghiệp.
Các địa phương cũng đẩy mạnh chuyển giao khoa học công nghệ, ứng dụng kỹ thuật cao trong sản xuất; tiếp tục triển khai có hiệu quả công tác tập huấn, đào tạo nghề cho lao động nông thôn; từng bước nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho các HTX, đáp ứng yêu cầu đổi mới sản xuất; thường xuyên quan tâm, hỗ trợ các HTX đầu tư nguồn lực để từng bước nâng cao hàm lượng khoa học kỹ thuật trong các công đoạn sản xuất.
Thực tế triển khai cho thấy các mô hình đều hoạt động tốt, hiệu quả cao, giúp nông dân giảm công lao động, chi phí sản xuất, tăng thu nhập và đáp ứng được tính khẩn trương của thời vụ, góp phần vào sự nghiệp công nghiệp hóa – hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn Thành phố.
Ứng dụng công nghệ số để tạo đột phá
TS Nguyễn Tiến Phong, Phó Chủ tịch Liên minh HTX TP Hà Nội cho biết, nhờ ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số nên hiện nay nhiều HTX đã tạo được sức cạnh tranh với các thành phần kinh tế khác, tập trung vào chức năng thực hiện cung ứng sản phẩm, dịch vụ cho các hộ thành viên và người dân.
Cụ thể, các HTX đã mạnh dạn đầu tư trang thiết bị, dịch vụ, hệ thống cơ sở vật chất, chuồng trại tiên tiến để nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm, từng bước mở rộng sản xuất kinh doanh, tăng thu nhập cho các thành viên HTX. Bên cạnh đó, xây dựng chuỗi giá trị khép kín từ sản xuất, chế biến, lưu thông đến phân phối. Bước đầu các HTX đã có hiệu quả do tự kiểm soát được chất lượng sản phẩm của tất cả các khâu đến tay người tiêu dùng.
Đặc biệt, nhiều HTX đã tiến hành đưa cơ giới hóa vào phục vụ sản xuất nông nghiệp như: HTX nông nghiệp Hương Ngải (huyện Thạch Thất), HTX nông nghiệp Song Phượng (huyện Đan Phượng)… Nhiều HTX đã tổ chức cho các hộ thành viên chuyển giao nhanh tiến bộ kĩ thuật vào sản xuất, đưa giá trị sản xuất nông nghiệp bình quân tăng trên 220 triệu đồng/ha/năm.
Trong bối cảnh hiện nay, các HTX muốn phát triển bền vững buộc phải nâng cao chất lượng hàng hoá, sản phẩm để phục vụ người tiêu dùng. Muốn làm tốt việc này thì xây dựng chuỗi liên kết trong sản xuất - chế biến - phân phối - tiêu dùng là tất yếu; hàng hóa phải đảm bảo chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm và truy xuất được nguồn gốc.
Các sản phẩm của HTX Rau quả sạch Chúc Sơn có tem truy xuất nguồn gốc QR code gắn với bộ nhận diện nhãn hiệu |
Giám đốc HTX rau quả sạch Chúc Sơn cho biết: HTX Rau quả sạch Chúc Sơn là một trong những đơn vị đầu tiên trên địa bàn huyện Chương Mỹ được tiếp cận và áp dụng công nghệ viễn thám, nhật ký điện tử, hệ thống quản lý sản xuất bằng điện thoại thông minh; hệ thống camera giám sát đồng ruộng; tem truy xuất nguồn gốc QR code gắn với bộ nhận diện nhãn hiệu; hệ thống quan trắc thời tiết áp dụng vào sản xuất rau an toàn.
HTX đặt ra mục tiêu nâng cao năng suất, đảm bảo cung ứng ra thị trường 5 tấn rau mỗi ngày, đưa thương hiệu rau quả sạch Chúc Sơn trở thành sản phẩm chất lượng cao mang lại sức khỏe cho cộng đồng và cùng nông dân Chương Mỹ làm giàu trên mảnh đất quê hương.