Đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động kinh tế tập thể, HTX
Số lượng hợp tác xã không ngừng gia tăng
Trong những năm qua, khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã có bước phát triển cả về số lượng và chất lượng, cơ bản khắc phục được tình trạng yếu kém kéo dài. Hiện nay, đã xuất hiện thêm nhiều loại hình, mô hình kinh tế tập thể, hợp tác xã hoạt động hiệu quả, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, tạo việc làm, tăng thu nhập, xoá đói, giảm nghèo cho các thành viên; từng bước khẳng định vị trí, vai trò nền tảng của khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã trong nền kinh tế quốc dân.
Theo thống kê của Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, ước tính cả nước có hơn 31.000 hợp tác xã, 123.241 tổ hợp tác và 125 liên hiệp hợp tác xã. Các hợp tác xã thu hút 6,94 triệu thành viên là hộ gia đình, chủ yếu ở địa bàn nông thôn (tăng 22.466 thành viên so với năm 2022) và 2,6 triệu lao động (tăng 71.000 lao động so với năm 2022); Tổng số vốn điều lệ đạt 54,15 nghìn tỷ đồng, bình quân 1,86 tỷ đồng/ hợp tác xã; Tổng giá trị tài sản đạt 187,75 nghìn tỷ đồng, bình quân 6,5 tỷ đồng/ hợp tác xã, tăng 8,7% so với năm 2022.
Số lượng hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, tổ hợp tác thành lập mới và hộ cá thể, cá nhân tham gia thành viên tăng khá ở hầu hết các tỉnh, thành phố |
Số lượng hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, tổ hợp tác thành lập mới và hộ cá thể, cá nhân tham gia thành viên tăng khá ở hầu hết các tỉnh, thành phố, nhất là lĩnh vực nông nghiệp và khu vực nông thôn. Điều đó cho thấy, mô hình kinh tế tập thể phù hợp với nhu cầu tổ chức sản xuất của người dân, liên kết chuỗi giá trị với doanh nghiệp.
Các hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, tổ hợp tác tăng số lượng và giá trị các dịch vụ cung ứng cho thành viên, tạo việc làm cho thành viên và người lao động, đóng góp tích cực cho xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững. Doanh thu của hợp tác xã tăng bình quân 5,6% so với năm 2022. Phần lớn hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã có lãi, tuy không cao do chi phí đầu vào tăng. Nhiều hợp tác xã nông nghiệp đạt doanh thu 350 - 400 triệu đồng/ha. Thu nhập của hợp tác xã phi nông nghiệp tăng 6% so với cùng kỳ năm 2022.
Đánh giá mặt tích cực của kinh tế tập thể, hợp tác xã, các chuyên gia kinh tế cho biết, hợp tác xã là thành phần quan trọng trong nền kinh tế quốc dân, đóng góp khoảng 4% GDP cả nước. Khu vực kinh tế tập thể với nòng cốt là hợp tác xã còn đóng góp gián tiếp khoảng 7 triệu thành viên và tác động đến đời sống của hàng chục triệu người thuộc hộ gia đình thành viên.
Hình thành các hợp tác xã phát triển năng động, hiệu quả
Thời gian qua, khu vực kinh tế tập thể nước ta đã có nhiều chuyển biến tích cực về cả nhận thức, chính sách, pháp luật, quá trình phát triển và chuyển đổi về số lượng, quy mô, cơ cấu tổ chức, tính liên kết và hiệu quả hoạt động. Tuy nhiên, khu vực kinh tế tập thể đến nay chưa phát triển như mục tiêu, yêu cầu và mong muốn.
Đổi mới và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể còn nhiều khó khăn. Năng lực, nội lực của hợp tác xã còn yếu, hiệu quả hoạt động chưa cao, mô hình tổ chức lỏng lẻo, chưa phù hợp, trình độ cán bộ quản lý hợp tác xã còn hạn chế. Chính vì vậy, kinh tế tập thể, hợp tác xã phải chủ động thay đổi để thích nghi với tình hình phát triển mới là yêu cầu cấp thiết, không thể đảo ngược.
Các hợp tác xã cần đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ cao, sản xuất gắn với chuỗi giá trị, chú trọng phát triển sản phẩm |
Theo các chuyên gia, khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã muốn phát triển thì phải liên kết tốt với các thành phần kinh tế khác để hạn chế khó khăn và bổ trợ cho nhau cùng phát triển. Đặc biệt, hợp tác xã có thể liên kết với nhau, sau đó liên kết với doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp quốc doanh, thậm chí là doanh nghiệp nước ngoài để hình thành các chuỗi giá trị có quy mô lớn, hoạt động hiệu quả. Muốn làm điều này, nhà nước cần đẩy mạnh cải cách hành chính, loại bỏ các thủ tục phiền hà, bãi bỏ các quy định không phù hợp cho phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã.
Đồng thời, cần tập trung tháo gỡ những điểm nghẽn trong hỗ trợ về đất đai, vốn và tín dụng, hạ tầng, nguồn nhân lực và thị trường để xây dựng các mô hình hợp tác xã kiểu mới, phù hợp với bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, hội nhập kinh tế quốc tế. Theo đó, muốn tháo gỡ những điểm nghẽn về đất đai, cần tập trung sửa đổi Luật Đất đai năm 2013 và các luật, văn bản dưới luật liên quan...
Theo Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, căn cứ chủ trương của Đảng, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 - 2023 của Nhà nước, tình hình phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã năm 2023 và dự báo các nhân tố ảnh hưởng, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam đề xuất mục tiêu đến năm 2030, cả nước sẽ có 45.000 hợp tác xã với 2 triệu thành viên tham gia.. Tổng số hợp tác xã hoạt động hiệu quả trên 60%, tỷ trọng hợp tác xã liên kết chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị đạt ít nhất 25% tổng số hợp tác xã. Thu nhập bình quân của người lao động trong hợp tác xã tăng từ 10% trở lên so với năm 2023.
Cùng với đó, hình thành kinh tế tập thể, hợp tác xã phát triển năng động, hiệu quả, bền vững, tăng về số lượng, quy mô, chất lượng; đa dạng về loại hình hợp tác trong các ngành, nghề, lĩnh vực; đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ cao, sản xuất gắn với chuỗi giá trị, chú trọng phát triển sản phẩm, chế biến sâu, đạt tiêu chuẩn, chất lượng, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu; thu hút ngày càng nhiều cá nhân, hộ gia đình ở địa bàn nông thôn và thành thị tham gia hợp tác xã, tổ hợp tác; nâng cao thu nhập và đời sống của các thành viên.