Ủy ban Chứng khoán yêu cầu công bố số liệu tự doanh của công ty chứng khoán
Trước những biến động giảm rất mạnh trên thị trường chứng khoán trong những phiên giao dịch gần đây, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước vừa họp với các Sở giao dịch chứng khoán, Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) và 23 công ty chứng khoán thành viên top đầu thị trường về vốn, thị phần môi giới chứng khoán để nhận định, đánh giá tình hình và đề xuất các giải pháp nhằm sớm ổn định lại thị trường.
Tại cuộc họp, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và các công ty chứng khoán đều đồng quan điểm cho rằng, thị trường chứng khoán Việt Nam giảm điểm trong thời gian qua chủ yếu xuất phát từ xu thế giảm điểm của thị trường thế giới và một số nguyên nhân trong nước. Tuy nhiên, về trung và dài hạn, thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn còn tiềm năng tăng trưởng khi nhiều yếu tố tích cực tiếp tục được duy trì.
Ảnh minh họa |
Qua lắng nghe, tiếp thu, phân tích một số ý kiến đề xuất của các các đơn vị tham gia cuộc họp và công ty chứng khoán, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã đề xuất lãnh đạo Bộ Tài chính một số giải pháp trước mắt và đã được bộ chấp thuận chủ trương, đồng thời yêu cầu triển khai kịp thời.
Theo đó, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước sẽ giao Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam (VNX) chỉ đạo Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) và Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HOSE) đưa ra các cảnh báo, yêu cầu doanh nghiệp niêm yết công bố thông tin khi các mã chứng khoán có dấu hiệu tăng, giảm giá trần, sàn từ 5 - 10 phiên.
Trước mắt, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước yêu cầu VNX chỉ đạo HOSE và HNX thực hiện công bố thông tin về giao dịch tự doanh của công ty chứng khoán. Trong thời gian tới, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước sẽ trình Bộ Tài chính để sửa đổi, bổ sung Thông tư 96/2020/TT-BTC ngày 16/11/2020 của Bộ Tài chính hướng dẫn công bố thông tin trên thị trường chứng khoán.
Cùng với đó, để hạn chế khả năng tác động giá từ thị trường chứng khoán phái sinh lên thị trường cơ sở, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã chấp thuận cho VSD ban hành quy chế ký quỹ, bù trừ và thanh toán chứng khoán phái sinh. Trong đó, một trong những điểm mới của quy chế này là điều chỉnh giá thanh toán cuối cùng của hợp đồng tương lai chỉ số VN30 (nhóm cổ phiếu có vốn hóa lớn).
Theo đó, giá thanh toán cuối cùng sẽ là giá trị trung bình số học giản đơn của chỉ số VN30 trong 30 phút cuối cùng của ngày đáo hạn (bao gồm 15 phút khớp lệnh liên tục và 15 phút khớp lệnh định kỳ đóng cửa) sau khi đã loại trừ đi 3 mức giá trị chỉ số cao nhất và 3 mức giá trị chỉ số thấp nhất của phiên khớp lệnh liên tục, thay vì chỉ lấy giá trị chỉ số VN30 phiên khớp lệnh định kỳ đóng cửa như cách tính trước đây.
Theo đại diện Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, trong bối cảnh thị trường nhiều biến động như hiện nay, cơ quan này đang đặc biệt ưu tiên nhiều giải pháp ngắn hạn để ổn định thị trường chứng khoán. Đồng thời, kiên định các giải pháp trung, dài hạn để thị trường chứng khoán phát triển bền vững, minh bạch.