Văn hóa xe buýt: Thêm một góc nhìn từ hành động nhỏ
Xe buýt nỗ lực phục vụ vì sự an toàn của hành khách Thủ đô Nam thanh niên cầm dao, bóp cổ dọa đâm phụ xe buýt giữa đường phố Hà Nội Xe buýt Hà Nội sụt giảm sản lượng, doanh thu do dịch Covid-19 |
Xuất phát từ nhu cầu của cuộc sống
Ở xã hội hiện đại, việc di chuyển bằng phương tiện công cộng, trong đó có xe buýt là tất yếu. Tuy nhiên, làm thế nào để người dân lựa chọn loại hình này nhiều hơn, thì ngoài phụ thuộc vào chất lượng phương tiện, xe vận hành đúng quy định mà còn phụ thuộc rất lớn vào thái độ phục vụ của lái xe và nhân viên bán vé.
Câu chuyện về lái xe Nguyễn Tiến Dũng (sinh năm 1974) và phụ xe Nguyễn Thanh Sơn (sinh năm 1995) của hãng xe buýt Tân Đạt (Trung tâm Tân Đạt - đơn vị trực thuộc Tổng Công ty vận tải Hà Nội) giúp đỡ thanh niên gặp nạn ngày 9/7 như một điểm sáng. Người gặp nạn là nam thanh niên (sinh năm 1997, quê Ninh Bình) điều khiển xe máy đang đi sang làn ngược chiều đâm thẳng đầu vào cột mốc trên Quốc lộ 1A cũ thuộc xã Quất Tỉnh, Thường Tín, Hà Nội.
Anh Dũng trên chuyến xe quen thuộc |
Ngay sau khi xảy ra vụ tai nạn, người dân đã gọi xe cấp cứu. Trong lúc chờ xe, thấy tình thế cấp bách khi máu của nam thanh niên chảy nhiều, người dân ở đó đã vẫy rất nhiều xe đi đường nhưng không lái xe nào dừng.
Đúng lúc đó thì anh Dũng và anh Sơn lái xe buýt chạy qua, nhận thấy sự cố, không ngần ngại, anh Dũng báo với anh Sơn nhanh chóng thông báo sự việc cho Trung tâm và cùng mọi người đưa nạn nhân lên xe, bật đèn ưu tiên và nhanh chóng đưa nạn nhân đến Bệnh viện Đa khoa Nông Nghiệp 1.
Hành động này đã được rất nhiều người dân ở hiện trường và hơn 20 hành khách trên xe ghi nhận.
Ngay trong ngày, Giám đốc Trung tâm đã có ý kiến khen ngợi và chỉ đạo các phòng liên quan thực hiện khen thưởng, ngay sáng hôm sau (ngày 10/7), đơn vị ban hành quyết định khen thưởng, biểu dương toàn Trung tâm về hành động của lái xe Dũng và nhân viên Sơn phục vụ trên xe.
Phụ xe Sơn âm thầm làm tốt công việc của mình |
Được biết đây không phải là lần đầu nhân viên xe buýt của Trung tâm Tân Đạt có hành động giúp người khi gặp tình huống như vậy. Thực tế, lái xe Phạm Quang Lâm đã từng đưa người bị tai nạn giao thông trên đường vào Bệnh viện Nông nghiệp 1 cấp cứu; Có những trường hợp hành khách sức khỏe không tốt, bị ngất khi đi xe, thì lái xe và nhân viên bán vé cũng phối hợp với hành khách đưa người bệnh đi cấp cứu.
Trường hợp khác, lái xe Đàm Văn Giang phối hợp nhân viên bán vé bắt kẻ gian móc túi bàn giao cho Công an Bến xe Giáp bát, trả lại tài sản cho hành khách; Lái xe Nguyễn Anh Phương, nhân viên phát vé Đoàn Viết Minh đã được biểu dương về hành động trung thực, bảo quản và trả lại tài sản cho khách…
Hay chính một câu chuyện khác của lái xe Dũng và nhân viên bán vé Sơn từ đầu năm 2021. Khi đó tại điểm dừng đỗ của xe buýt, anh Dũng và anh Sơn đã giúp đỡ một cô bé đứng khóc bên xe đạp điện. Khi đến hỏi thăm thì cô bé đưa một tờ giấy ghi nội dung là bị câm, xe hết điện và mong muốn được đưa về nhà. Theo quy định là xe buýt không được chở phương tiện khác, nên sau khi hội ý, xin ý kiến lãnh đạo Trung tâm và hành khách, anh Dũng và anh Sơn đã đưa cả cô bé câm và phương tiện về công an phường nơi thường trú của cô bé bằng xe buýt.
Vì dịch bệnh, hành khách đi xe buýt giảm đáng kể nhưng tinh thần, thái độ phục vụ của nhân viên xe buýt vẫn được nâng cao |
Theo ông Nguyễn Văn Hùng, Phó Giám đốc Trung tâm Tân Đạt, để có được những việc làm thiết thực đó, một phần là do lãnh đạo Trung tâm Tân Đđạt nói riêng, Tổng Công ty vận tải Hà Nội nói chung đặc biệt quan tâm nâng cao chất lượng phục vụ vận tải hành khách bằng xe buýt. Điều đó được thể hiện cụ thể bằng Nghị quyết chuyên đề để tăng cường công tác quản trị và nâng cao chất lượng dịch vụ xe buýt và các chương trình hành động cụ thể được kiểm đếm hàng ngày, đánh giá định kỳ hàng tháng.
Lãnh đạo trung tâm cũng xác định, để có ứng xử phù hợp trên xe buýt, mỗi cán bộ, công nhân viên cần bồi đắp hiểu biết về chuẩn mực. Chính vì vậy, nội dung đào tạo nhân viên từ cơ bản đến nâng cao được xây dựng bài bản với khẩu hiệu 6C và 3T (6C là: Chủ động, Chào, Cười, Chăm sóc, Cám ơn, Cam kết; 3T là: Thân thiện, Tận tụy, Nhiệt tình).
Đồng thời, khi có các phát sinh trong quá trình phục vụ hành khách, các hành động đẹp, gương điển hình được đơn vị khen thưởng kịp thời và nêu gương trong toàn đơn vị và các kênh thông tin nội bộ như Công đoàn Tổng Công ty, trang thông tin đơn vị; Được ghi nhân trong qua trình công tác và cập nhật vào “sổ tay” xử lý tình huống của trung tâm.
Quan trọng vẫn là cái cái tâm của mỗi người
Việc quán triệt nghiêm trong thực hiện nhiệm vụ, xử lý lỗi vi phạm nếu trung tâm nhận được phản ánh không tốt về thái độ phục vụ hành khách là một phần quan trọng khiến các lái xe và phụ xe phải có thái độ hành xử đúng mực. Ngược lại, việc cứu giúp người gặp nạn khi ở trên đường trong khi đang làm nhiệm vụ phụ thuộc phần lớn vào cái “tâm” của người lái xe và phụ xe buýt.
Ví như anh Dũng và anh Sơn khi gặp trường hợp thanh niên bị tai nạn như trên, có thể lái xe đi thẳng, vừa không bị mất lòng khách ngồi trên xe, vừa không phải “lằng nhằng” xin ý kiến lãnh đạo, thậm chí còn về muộn…
Anh Dũng chia sẻ quan điểm cá nhân về văn hóa xe buýt trong giai đoạn xe buýt dịch vụ |
Đồng tình với quan điểm trên, anh Nguyễn Tiến Dũng chia sẻ: “Tôi làm công việc lái xe được hơn 20 năm. Thời điểm trước năm 2002 thì đi xe buýt theo dạng khoán nên nhiều người thấy tài xế cáu gắt, hành xử không văn minh thì không dám lên án, cho rằng công việc tài xế áp lực, chạy xe từ sáng sớm đến tối muộn, mật độ giao thông cao nên thường xuyên xảy ra khó chịu, thiếu kiềm chế. Tôi lại cho rằng nghề nào cũng có áp lực riêng. Với các tài xế khi đã chọn nghề này và chọn loại hình xe buýt ở thành phố có mật độ giao thông cao nhất cả nước thì đương nhiên phải hiểu rõ.
Nay xe buýt hoạt động trên tinh thần hài lòng hành khách, tài xế không thể biện lý do áp lực, sợ trễ chuyến mà phóng nhanh, vượt ẩu gây tai nạn hay có những hành vi thiếu văn hóa với hành khách. Nếu lấy lý do này thì sẽ không còn ai sử dụng xe buýt để di chuyển. Cũng chính vì suy nghĩ đó mà mình rèn cho bản thân tính cách điềm đạm, thái độ lịch sự, nhã nhặn. Từ đó, khi gặp tình huống không may ở trên đường như người gặp nạn, người gặp khó khăn di chuyển… mình đều sẵn sàng giúp đỡ trong khả năng. Điều này xuất phát từ cái tâm, chứ không nhằm mục đích vụ lợi hay quảng bá gì cả. Cũng rất may là hành động của chúng tôi luôn được hành khách trên xe ủng hộ, đồng tình”.
Nhân viên phát vé Nguyễn Thanh Sơn mặc dù trẻ tuổi nhưng đã hình thành ý thức phục vụ làm hài lòng hành khách |
Cùng quan điểm với anh Dũng, anh Nguyễn Thanh Sơn, nhân viên bán xe buýt cho rằng: “Thực tế công việc phát vé, bán vé có vẻ nhàn hơn, chỉ bán vé và hỗ trợ khách hàng lên xuống xe. Mặc dù vào nghề mới được 5 năm nhưng tôi cảm thấy thái độ thiếu văn hóa với hành khách là điều không chấp nhận được. Vì thế, tôi tự dặn mình phải rèn cách cư xử của bản thân theo nghị quyết chuyên đề của trung tâm. Đặc biệt, việc đơn vị sắp xếp cho làm cùng kíp với anh Dũng có nhiều năm kinh nghiệm khiến tôi học hỏi được nhiều hơn, nhất là luôn có cái “tâm” thật tốt. Có như vậy, chúng tôi vừa được lòng khách, công việc cũng nhẹ nhàng, trôi chảy hơn”.
Chia sẻ thêm về phương châm làm việc, quan điểm phục vụ hành khách của Trung tâm Tân Đạt, ông Nguyễn Văn Hùng cho biết thêm: "Nhiều người cho rằng, hành động “đẹp” trong cuộc sống ngày càng ít đi nhưng chúng tôi lại không đồng ý với quan điểm đó. Bởi trong cuộc sống nói chung và trong hoạt động xe buýt nói riêng, hằng ngày vẫn có nhiều hành động đáng biểu dương. Cũng như việc so sánh thu nhập liên quan đến quyết định hành động của người lái xe và nhân viên bán vé trên xe là không phù hợp.
Hành động của lái xe Nguyễn Tiến Dũng và nhân viên bán vé Nguyễn Thanh Sơn vừa là đạo đức của người tham gia giao thông được quy định trong Luật Giao thông đường bộ về trách nhiệm của người tham gia giao thông khi gặp các vụ việc tai nạn. Đồng thời, đây cũng là một trong những chuẩn mực văn hóa giao thông mà quá trình làm việc, nhân viên của Trung tâm Tân Đạt được cập nhật đào tạo từ cơ bản đến nâng cao.