Xe buýt Hà Nội sụt giảm sản lượng, doanh thu do dịch Covid-19
Theo đó, Sở Giao thông Vận tải đề xuất UBND thành phố Hà Nội chấp thuận chủ trương cho phép điều chỉnh chỉ tiêu sản lượng, doanh thu vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt năm 2021. TP hỗ trợ toàn bộ lãi vay trong năm 2021 đối với các dự án đầu tư, thay mới phương tiện là xe buýt nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ.
Sở cũng đề xuất UBND thành phố chỉ đạo Cục Thuế thành phố và các đơn vị liên quan xem xét việc giảm thuế hoặc kéo giãn thời gian đóng thuế cho các đơn vị kinh doanh vận tải trên địa bàn; Có cơ chế hỗ trợ các khoản kinh phí phát sinh phục vụ phòng, chống dịch Covid-19 cho các đơn vị vận tải (phun khử khuẩn, dung dịch sát khuẩn trên xe, khẩu trang, dán bổ sung các thông tin phòng, chống dịch…); Chỉ đạo các đơn vị khai thác bến xe thực hiện việc hỗ trợ giảm giá dịch vụ xe ra, vào bến và các khoản chi phí khác cho các đơn vị kinh doanh vận tải hoạt động tại bến xe.
Xe buýt Hà Nội sụt giảm sản lượng, doanh thu do dịch Covid-19 |
Cùng với đó, Sở kiến nghị UBND thành phố Hà Nội đề nghị Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các Ngân hàng thương mại xem xét giảm lãi suất và giãn nợ các khoản vay của các đơn vị kinh doanh vận tải trên địa bàn thành phố đã đầu tư phương tiện nhằm hỗ trợ cho các đơn vị ổn định hoạt động; Đề nghị Bộ Tài chính xem xét miễn, giảm hoặc kéo giãn thời gian đóng phí bảo trì đường bộ đối với các đơn vị kinh doanh vận tải trong thời gian bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh…
Theo Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội Đào Việt Long, trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, nhiều phương tiện kinh doanh vận tải đã phải dừng, giảm số chuyến hoạt động, giảm sức chứa do phải bố trí chỗ ngồi giãn cách theo yêu cầu của cấp có thẩm quyền để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh, dẫn đến ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Trong tháng 5/2021, hoạt động vận tải hành khách liên tỉnh chỉ đạt 47% so với tháng 4/2021 và giảm 28,7% so với cùng kỳ năm 2020. Sản lượng xe buýt trong tháng 5/2021 tiếp tục giảm sâu (giảm 30% so với cùng kỳ năm 2020, giảm 41,5% so với thực hiện tháng 4/2021). Doanh thu tháng 5/2021 giảm 40% so với cùng kỳ năm 2020 và giảm 51,2% so với thực hiện tháng 4/2021...
Cụ thể, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, sản lượng, doanh thu quý 1/2021 của Tổng công ty Vận tải Hà Nội (Transerco) đã bị sụt giảm so với cùng kỳ năm trước và không đạt kế hoạch đề ra.
Theo báo cáo của Transerco, quý 1/2021, sản lượng vé lượt chỉ đạt 53% so với đặt hàng, đấu thầu, giảm 10,7% so với cùng kỳ 2020. Sản lượng vé tháng ước đạt 87,2% kế hoạch, thị phần bán tem vé tháng xe buýt đạt 63% toàn mạng, bằng năm 2020. Tổng doanh thu xe buýt của Tổng công ty ước đạt khoảng 52% và giảm khoảng 68 tỷ đồng so với doanh thu dự kiến đặt hàng và đấu thầu.
Mặc dù sản lượng và doanh thu sụt giảm nghiêm trọng nhưng các chi phí bắt buộc liên quan đến công tác phòng, chống dịch Covid-19 vẫn được thực hiện thường xuyên |
Nguyên nhân sản lượng hành khách đi xe buýt sụt giảm được lãnh đạo Transerco chỉ ra là do tác động của dịch Covid-19 (học sinh, sinh viên nghỉ học, thực hiện giãn cách trong thời gian dịch bệnh bùng phát,...), thực hiện miễn phí đối với người cao tuổi cùng với việc thi công các công trình hạ tầng giao thông đã ảnh hưởng tới luồng tuyến hoạt động và thời gian vận hành chuyến đi; Sự cạnh tranh của "xe ôm công nghệ" như Grab, Be.
Mặt khác, các tuyến xe buýt sân bay không trợ giá và xe buýt Citytour tiếp tục có sản lượng và doanh thu giảm sâu so với kế hoạch, sản lượng chuyến lượt phải cắt giảm 35-50%, sản lượng hành khách sụt giảm 60-70% so với thời điểm bình thường do hoạt động du lịch từ nước ngoài vẫn đang tạm dừng, khách đi lại đường hàng không, nhất là tuyến bay quốc tế còn hạn chế, cùng với đó là sự gia tăng cạnh tranh quyết liệt từ các loại hình xe hợp đồng khác.
Tuy nhiên, trong quý 1/2021, Tổng công ty đã đưa vào vận hành thêm 7 tuyến buýt gồm các tuyến 66, 67, 114, 115, 116, 117, 119; đưa vào hoạt động thêm 75 xe buýt mới trên các tuyến mở mới; phối hợp xây dựng phương án kết nối, trung chuyển, giải tỏa hành khách giờ cao điểm khi tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông đi vào vận hành.
Việc sản lượng và doanh thu sụt giảm nghiêm trọng dẫn tới nguồn thu của các đơn vị vận tải giảm sút. Tuy nhiên, các khoản chi phí lớn phải trả như: Lãi vay ngân hàng, tiền thuế, tiền thuê mặt bằng, bảo hiểm xã hội cho người lao động, phí sử dụng đường bộ, phí bến bãi, tiền lương cho người lao động và các chi phí khác đến hạn bắt buộc phải thanh toán đã gây ra nhiều áp lực.
Ngoài ra, các chi phí bắt buộc liên quan đến công tác phòng, chống dịch Covid-19 như trang bị dung dịch khử khuẩn, sát khuẩn tay, khẩu trang, tờ khai y tế… vẫn phải thực hiện thường xuyên.