Văn hóa xếp hàng - đừng để bị "đánh số" bởi ý thức
Giữ gìn ý thức nơi công cộng để mùa thu Hà Nội đẹp trọn vẹn Đồng tiền hãy đi liền văn minh Người lớn nêu gương cho trẻ thực hành |
Đừng cho là chuyện nhỏ
Trong một bệnh viện lớn tại Hà Nội, hàng dài người ngồi trên ghế chờ đến lượt nhận ống để lấy máu xét nghiệm. Phía bên ngoài, bao người đứng chờ, nhìn vào bên trong đầy sốt ruột. Cứ một nhóm người đứng lên thì nhóm khác lại tiến đến trám vào chỗ trống.
Vì đây là ghế dành cho người chờ đến lượt nên mọi người không phải nhường người già, trẻ con. Dù vậy, ai nấy đều nhanh chóng, nhịp nhàng, tuần tự nhích lên theo lượt. Vậy mà, có một anh thanh niên tầm 30 - 35 tuổi cứ ngồi trên ghế, lật các trang chỉ định, hóa đơn của mình, hết phàn nàn ốm đau nhiều bệnh đến đông đúc, đi xa, chờ lâu...
Khi 5 người phía trên đứng dậy, lẽ ra đến lượt anh là đầu hàng thì anh phải nhích lên nhưng vì anh vẫn ngồi tại chỗ nên những người phía sau vì lịch sự cũng không dám vượt qua anh để ngồi lên trên. Do đó, hàng bị ách lại. Những người phía sau xôn xao nhốn nháo, sốt ruột, mỗi người một câu, ầm ĩ cả lên, ảnh hưởng đến việc nhân viên y tế bên trong kiểm tra thông tin của bệnh nhân.
Người dân xếp hàng chờ đến lượt trong bệnh viện |
Đến khi bị nhắc nhở, anh mới miễn cưỡng dồn lên đầu hàng. Đáng nói là tình trạng này xảy ra mấy lần kể từ lúc anh ngồi vào hàng. Nên sau khi anh ra khỏi phòng, mọi người phía sau thở phào nhẹ nhõm.
Một bác trung niên bày tỏ: "Đi khám chữa bệnh xác định là phải chờ lâu nhưng nếu ai cũng tác phong nhanh nhẹn thì rồi cũng đến lượt, rồi cũng xong việc thôi. Cứ ngồi kêu ca than vãn thì được tích sự gì? Ai chả ốm đau, ai chả nhiều hoàn cảnh khác nhau vì thế đừng nên tạo thêm áp lực mệt mỏi cho người khác".
Cũng về câu chuyện xếp hàng, tại siêu thị lớn ngày cuối tuần, các quầy thanh toán đều có tầm hơn chục người với hàng hóa chất ngất chờ đến lượt. Một cô gái trẻ thấy phía sau mình là một bác tầm hơn 70 tuổi, dáng người nhỏ nhắn và có vẻ chân tay yếu nên chủ động mời bác lên trên thanh toán trước. Bà già xua tay, cười hiền hậu: "Cảm ơn cháu, bà còn đứng được". "Chắc phải chờ khá lâu nữa đấy ạ, các cô chú bên trên mua khá nhiều đồ. Bà có đợi được không?", cô gái ái ngại.
Bà già đứng thẳng lưng, vẫn nở nụ cười hóm hỉnh: "Chắc chắn đợi được. Nhường chỗ cho người già là rất tốt nhưng cũng phải để cánh già chúng tôi còn được "có chỗ đứng" trong xã hội, được tham gia như tất cả những người bình thường chứ chưa phải là vô dụng. Nếu còn xếp hàng được thì nên xếp, tôi nhất quyết không cậy già mà đòi quyền ưu tiên đâu". Nghe bà già nói, mọi người đều bật cười. Sau đó mỗi người một câu nho nhỏ, thời gian trôi đi rất nhanh, việc xếp hàng không còn buồn tẻ hay khiến mọi người sốt ruột nữa.
Duy trì trật tự từ ý thức mỗi người
Trong lịch sử hình thành, phát triển và nhiều đời là kinh đô, Thủ đô của đất nước, Hà Nội cũng đã trải qua nhiều biến thiên lịch sử. Từ những năm vó ngựa phương Bắc dày xéo kinh thành Thăng Long, từ "những năm bom Mỹ trút trên mái nhà" hay thuở bao cấp còn khó khăn, thiếu thốn, người Hà Nội luôn kiên nhẫn, trật tự xếp hàng đi sơ tán, tản cư, mua hàng hóa...
Trong những hoàn cảnh ngặt nghèo, nguy hiểm như vậy mà các thế hệ đi trước vẫn duy trì được trật tự, để việc xếp hàng trở thành nếp, thành phản xạ tự nhiên của người Hà Nội. Ngày nay, cùng với bộ Quy tắc ứng xử nơi công cộng được triển khai sâu rộng trong đời sống, ý thức của người Hà Nội thanh lịch văn minh ngày càng nâng lên, những việc chen ngang, chen lấn, xô đẩy hầu như không còn xuất hiện nữa.
Dù vậy, là thành phố đông dân, các dịch vụ đông đúc hay quá tải là chuyện rất bình thường. Chị Hoàng Yên (Long Biên, Hà Nội) chia sẻ: "Nếu đã chấp nhận đến địa điểm đó, thấy đông thì bạn phải chờ, phải xếp hàng là chuyện đương nhiên. Còn nếu không muốn, bạn hoàn toàn có thể lựa chọn những điểm khác hay những phương án khác".
Người dân xếp hàng chờ giải quyết thủ tục hành chính |
Anh Quốc Thành (ở huyện Gia Lâm, Hà Nội) cũng nêu ý kiến: "Đành rằng ai cũng bận, thời gian là vàng là ngọc nhưng xếp hàng để đến lượt một cách tuần tự chính là cách chúng ta tiết kiệm thời gian chờ đợi nhất. Trong lúc đó chúng ta vẫn có thể giải quyết các công việc hay thư giãn, liên lạc, chuyện trò với người khác thông qua điện thoại. Tôi đã quen và lấy vợ cũng trong một buổi xếp hàng chờ mua cà phê. Với tôi, chuyện xếp hàng thực sự thú vị nếu ta biết tận dụng khoảng thời gian ấy để nhìn ngắm phố xá, quan sát đoán tính người thông qua ngoại hình hay thu thập các thông tin từ đời sống".
Bạn Mai Anh (ở quận Thanh Xuân, Hà Nội) lại mang đến một góc nhìn khác về xếp hàng. "Em đã thấy có người lấy cớ bận rộn, vội vã, không ngại việc xin xỏ sự thông cảm của người khác để chen ngang vào hàng xong chạy vù về chỉ để xem một bộ phim hay ngồi dài ra lướt Facebook. Theo em, nếu xếp hàng có thứ tự thì những người đó bị "đánh số" cuối cùng về ý thức", Mai Anh bày tỏ.
Nếp văn minh, lịch sự trong mỗi con người, trong mỗi cộng đồng không phải một sớm một chiều mà hình thành nhưng rất có thể sẽ bị phá vỡ bởi chỉ một khoảnh khắc. Đó là lúc chúng ta bị người khác cho điểm về những hành vi, cử chỉ, lối ứng xử thiếu kiểm soát của mình. Do vậy, ở bất cứ đâu, bất cứ hoàn cảnh nào thì mỗi người đều nên tập trung, chú ý đến việc mình làm, lời mình nói. Có như thế thì dù ở hoàn cảnh nào lối ứng xử văn minh cũng trở thành phản xạ tự nhiên để chúng ta không trở thành khó coi trong mắt người khác và ảnh hưởng xấu tới cộng đồng.