Người lớn nêu gương cho trẻ thực hành
Những "bản sao" không hoàn hảo
Trong siêu thị, một buổi sáng cuối tuần khá đông khách, người mẹ trẻ đẩy chiếc xe, bên trên là một cháu nhỏ tầm 2 tuổi và khá nhiều hàng hóa. Cháu lớn hơn, tầm 5 tuổi đang chạy tung tăng nô đùa khắp các kệ hàng. Người mẹ lách qua chỗ đông người vào chỗ để thực phẩm. Những gói mì tôm, mì gạo bị chị va vào, rơi xuống đất.
Đứa con lớn đi đằng sau nhắc: "Mẹ, rơi kìa". Người mẹ cau mặt: "Kệ, tí nữa khác có người dọn. Con đi nhanh về còn nhiều việc!". Nói xong người mẹ tiếp tục đẩy xe đi. Đến chỗ thanh toán, chị mải xếp đồ lên bàn, mải trả tiền và trông đứa nhỏ quấy khóc. Đứa lớn không có ai trông, cứ nhấc đồ chỗ nọ bỏ sang chỗ kia, lộn xộn hết cả lên.
Cô nhân viên thu ngân thấy thế nhắc khẽ: "Con ơi, đừng nghịch thế nữa nhé. Xếp đồ trở lại chỗ cũ cho cô đi con". Đứa bé hồn nhiên trả lời: "Mẹ con bảo cứ để đó sẽ có người dọn". Nghe vậy, người mẹ vội vàng vừa xách đồ vừa dắt con đi thẳng.
Hành động "phớt lờ" đề nghị dọn dẹp sau khi ăn vì lý do nào cũng khó chấp nhận |
Trong công viên, hai ông cháu dắt nhau đi chơi. Được một lúc thì ông muốn vệ sinh liền bảo cháu: "Đứng đây chờ ông đi vệ sinh nhé". Thế rồi, ông nhìn trước nhìn sau thấy vắng người, chọn đại một gốc cây để... giải quyết nỗi buồn. Hai ông cháu tiếp tục đi dạo.
Một lúc sau, mấy bà cháu cùng xóm cùng nhập hội. Họ vừa đi vừa chuyện trò, đến lúc đứa cháu trai kêu lên: "Ông ơi cháu buồn tè" rồi nó chạy vụt ra gốc cây, làm y hệt như ông lúc nãy. Các bạn gái nhỏ kêu ầm lên, quay mặt đi. Các bà thấy thế cũng phê bình: "Từ sau cháu phải cố đến chỗ nhà vệ sinh công cộng chứ, ai lại mất lịch sự thế?". Đứa trẻ cũng lại hồn nhiên nói: "Ông cháu cũng vừa tè ở gốc cây đằng kia mà". Người ông ngượng quá, chống chế: "Thì lúc ấy không có ai đi qua. Lần sau ông cháu ta cùng rút kinh nghiệm nhé!".
Trong bệnh viện, tại căng tin, sau khi ăn uống xong, ông bố kéo con đứng dậy: "Nhanh lên, đến giờ trả kết quả xét nghiệm rồi!". Cậu bé dùng dằng chỉ vào dòng chữ đề nghị khách hàng ăn xong để khay vào vị trí đồ bẩn trên bàn. Người bố vẫn kéo con đi: "Không kịp nữa đâu. Đến muộn là hết giờ làm việc của bác sĩ, lại phải chờ đến chiều mới có kết quả đấy!". Bị bố kéo tay đi, cậu bé vẫn ngoái lại nhìn khay đồ ăn còn ở trên bàn, đầy ái ngại.
Đừng để bị trẻ con "phê bình ngược"
Kể ra 3 câu chuyện trên để độc giả thấy rằng những tình huống như vậy, chúng ta có thể vẫn bắt gặp đó đây trong cuộc sống. Những thứ mà chúng ta cho rằng rất nhỏ nhặt như vậy cũng chính là lối ứng xử mà cụ thể là tại nơi công cộng thể hiện ý thức, sự tự giác của mỗi người. Dù chỉ là một vài động tác nhỏ nhưng khoảng cách giữa văn minh, lịch sự và vô ý thức là rất lớn.
Trẻ nhỏ đang ở lứa tuổi quan sát, tìm hiểu, học hỏi, bắt chước và làm theo. Với tâm hồn và nhận thức ngây thơ, non nớt, các em có thể chưa phân biệt hay chưa hiểu được thế nào là đúng sai, điều gì nên, không nên. Có rất nhiều việc, đặc biệt là lối ứng xử hàng ngày đều do các con học theo hay ảnh hưởng từ những người xung quanh. Vì thế, việc nêu gương thường xuyên, liên tục, lặp đi lặp lại của người lớn chính là những bài học trực quan, sinh động nhất mà trẻ nhỏ có thể học được.
Ở trường là thầy cô giáo, ở nhà có ông bà, bố mẹ, anh chị, thậm chí là những người lớn tuổi hơn mà các em nhìn thấy. Bất cứ điều gì lọt vào mắt các em đều có thể in vào trí não và khiến chúng lặp lại y hệt như người lớn làm vì cho rằng điều đó đúng, là chuẩn mực.
Bởi vậy, nếu người lớn vứt rác ra đường, ngồi lên xe máy mà không đội mũ bảo hiểm, lấn chiếm vỉa hè, vô tư nói to, nói tục chỗ đông người thì trẻ con cứ thế làm theo mà không áy náy. Vì người lớn làm thế nào thì mình làm theo vậy.
Người lớn hãy làm gương cho trẻ nhỏ về ứng xử nơi công cộng (Ảnh minh họa) |
Đó chỉ là những trường hợp vẫn có thể rải rác đâu đó trong đời sống thường ngày ở Hà Nội. Thời gian qua, bộ quy tắc ứng xử nơi công cộng được triển khai trên mọi lĩnh vực của đời sống, tới mọi tầng lớp Nhân dân đã mang lại ý nghĩa rất quan trọng. Nhiều khi, trẻ nhỏ lại chính là yếu tố quan trọng để giám sát, phản biện và "phê bình ngược" những hành vi không đạt chuẩn của người lớn.
Chị Hoàng Anh (ở quận Cầu Giấy, Hà Nội) kể, mỗi sáng đi học, con nhất định phải đội mũ bảo hiểm. Thậm chí, con không chịu ngồi lên xe máy nếu mẹ còn gài mũ trên xe. Dù muộn mấy thì chị cũng phải đầy đủ, đảm bảo an toàn giao thông mới được lên đường.
Tưởng tự, anh Hồng Minh (ở quận Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết sau mấy lần bị con nhắc nhở không được vượt đèn đỏ mà không thay đổi, con nhất định không cho bố chở đi học nữa. "Thế mới thấy trẻ con bây giờ rất thông minh và có ý thức. Mình không thể là "tấm gương mờ" của con được", anh Minh nói vui.
Như vậy, nếu muốn tạo ra một cộng đồng văn minh thì từng cá nhân phải tự đặt mình vào lợi ích và chuẩn mực của tập thể. Hơn ai hết, người lớn phải là những tấm gương sáng cho con cháu trong từng tình huống, đừng cho rằng đó là nhỏ nhặt mà xuề xòa, làm thế nào cũng xong. Có như vậy thì mới tạo nên sự thống nhất, đạt hiệu quả cao và giáo dục thế hệ trẻ một cách toàn diện để quy tắc ứng xử nơi công cộng trở thành chuẩn mực cho hành động, cử chỉ của mỗi người Hà Nội.