Đồng tiền hãy đi liền văn minh
Đừng hồn nhiên đến... vô duyên
Người Hà Nội bây giờ đã quá quen với các trung tâm thương mại lớn. Mỗi khi một trung tâm thương mại mới được khai trương với phong cách, thương hiệu của các tập đoàn lớn trong nước hoặc trên thế giới lại mang đến một trải nghiệm mới vô cùng thích thú, thu hút đông đảo khách hàng đến tham quan, vui chơi, mua sắm, thưởng thức.
Là người hiện đại, tiếp cận với các phương tiện thông tin đại chúng nhiều, có hiểu biết, lại được giáo dục nếp ăn nếp ở từ nhỏ, hầu hết mọi người đến với không gian này đều tự giác và có những hành xử rất đúng mực. Bên cạnh đó, vẫn có một vài trường hợp hồn nhiên đến mức vô duyên, coi nơi công cộng như là nhà mình khiến những người xung quanh phiền lòng.
Chị Minh Châu (Thanh Xuân, Hà Nội) kể có lần cho con vào khu vui chơi trong một trung tâm thương mại nổi tiếng của Hà Nội, chị thực sự ngạc nhiên và băn khoăn không hiểu tại sao một số người lại có thể thoải mái, không giữ gìn hình ảnh của mình như thế.
Theo quan sát của chị, ở chiếc ghế dành cho phụ huynh ngồi chờ, hai ông bố vô tư nằm "đấu đầu" vào nhau với các tư thế "phơi bày" trước mắt người khác. Họ cứ thế bấm điện thoại, mặc kệ trẻ con vui chơi xung quanh, phụ nữ người già không có chỗ ngồi hoặc xấu hổ, ý tứ không muốn ngồi cạnh người nằm như vậy.
Dáng nằm chiếm hết chỗ người khác và rất đáng chê trách tại nơi công cộng |
Còn ở phía xa xa, trên con gấu bông cỡ đại, một bà mẹ cũng co cẳng nằm rất thư giãn với chiếc quần đùi tốc lên rất cao. Gương mặt chị khá mệt mỏi, có lẽ vẫn bận lo nghĩ, giải quyết công việc gì đó.
"Ai cũng có việc, ai cũng có nhu cầu thư giãn nhưng nếu đã đưa con đi chơi thì cũng nên tôn trọng không gian chung. Trước hết là phải ngồi "có duyên" chút để còn chừa chỗ cho người khác ngồi. Còn nếu ốm, bận thì có thể từ chối đưa con đi chơi, chắc con cái cũng ngoan ngoãn, thông cảm, không đến mức nằng nặc phải ra ngoài bằng được nếu bố mẹ chúng như vậy. Hơn nữa, người lớn như vậy thì làm sao dạy trẻ con về ứng xử văn minh nơi công cộng được", chị Minh Châu bày tỏ quan điểm.
Chị Linh Hương là chủ một cửa hàng tiện ích trên địa bàn quận Hoàng Mai, Hà Nội cũng bức xúc kể rằng: "Vẫn biết bán hàng là phải chiều khách nhưng có những khách oái oăm đến mức tôi không thể chiều nổi. Chẳng hạn, với mặt hàng lăn khử mùi mồ hôi nách, là đồ dùng cá nhân mà có khách vào cứ vô tư mở từng lọ, bôi vào nách mình, ngửi, không thấy ưng lại... mở lọ khác.
Những dòng chữ đề nghị khách hàng văn minh hơn |
Cứ như thế, gần chục sản phẩm bị mang ra dùng thử. Những lọ ấy tôi làm sao bán được cho ai nữa? Ngoài quần áo và giày dép ra, hầu hết các mặt hàng khách chọn là mua, làm gì có kiểu thử đến ưng mới lấy như thế".
Sau vài lần nhắc nhở không có tác dụng, vẫn có hiện tượng trên, chị Hương phải dùng đến biện pháp viết lên giấy chữ: "Quý khách vui lòng không lăn nách thử” dán ở đó. Dòng chữ đọc lên thì nghe rất "trời ơi", rất buồn cười nhưng cũng là một câu chuyện khá buồn. Đó đâu chỉ đơn giản là ý tứ vệ sinh cá nhân mà còn là hành vi ứng xử kém văn hóa, thiếu tôn trọng người khác.
Giá trị của con người là ở văn minh
Qua rồi thời khốn khó, bây giờ người ta nhìn nhau không chỉ ở tấm áo manh quần, chiếc túi xách, cách tiêu tiền mà còn ở thái độ, phong cách khi ta sử dụng những đồng tiền ấy. Chúng ta có bao nhiêu tiền trong ví, mua được bao nhiêu thứ, tài khoản, tài sản có bao nhiêu tiền... không ai nhìn thấy nhưng cách chúng ta mua sắm, từng hành vi, cử chỉ khi ta tiêu tiền nói lên văn hóa của con người chúng ta.
Vì thế, tâm lí "Khách hàng là thượng đế" vẫn tồn tại để người mua có thái độ, lời ăn tiếng nói, cử chỉ, hành vi không đúng mực, thậm chí coi thường người bán hàng, nhân viên phục vụ là rất đáng phê phán.
Chị Kiều Anh (một nhân viên thu ngân tại trung tâm thương mại lớn trên địa bàn quận Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết: "Nhiều khách hàng ăn mặc rất bình thường, họ mua những món hàng nhỏ nhưng thái độ hòa nhã, vui vẻ khiến chúng tôi thấy rất quý mến. Hôm nào gặp khách mua vài xe đẩy nhưng đến quầy thu ngân rồi còn chọn cái nọ, bỏ cái kia, nhấc ra nhấc vào, vứt qua giằng lại rất khó coi, làm việc thanh toán bị chậm trễ, khách khác xếp hàng dài, giục giã khiến chúng tôi ít nhiều bị ức chế, mệt mỏi".
Hãy là người mua hàng văn minh (Ảnh minh hoạ) |
Kết nối các tình huống trong bài viết, người viết muốn nói lên một điều rằng, Hà Nội ngày càng phát triển, mang đến cho chúng ta cuộc sống hiện đại hơn, bắt kịp với xu hướng tiêu dùng, mua sắm của thế giới hơn. Bên cạnh đó, đi chợ, đi chơi, đi siêu thị là nhu cầu, là hoạt động phục vụ đời sống hàng ngày đồng thời cũng là một hình thức cho thấy mức sống của người dân Hà Nội tăng lên.
Nơi đó cũng là một không gian công cộng, là nơi mà hành vi, thái độ của chúng ta ảnh hưởng tới cộng đồng và ngược lại, ứng xử của cộng đồng cũng tác động tới chúng ta. Do đó, đừng vì một lát cắt, một chút lơ đễnh, sơ ý hay vô tư hồn nhiên của mình mà tạo ra những hình ảnh xấu của chúng ta trước mắt người khác.
Có tiền để hưởng thụ cuộc sống, tăng cường tiêu dùng, lưu thông hàng hóa, tạo tăng trưởng về kinh tế cho xã hội, đã rất đáng quý rồi nhưng trong mắt người khác đồng tiền của bạn là vô hạn còn tầng văn hóa con người bạn trong khoảnh khắc ấy, thời điểm ấy là có hạn. Vì thế, đừng giới hạn chính bản thân mình bằng ấn tượng xấu ấy, đồng thời làm xấu cả không gian mà bạn đặt chân đến bởi sự vô ý thức của mình.