Vấn nạn lao động trẻ em khi các trường học đóng cửa do đại dịch
Việt Nam nỗ lực ngăn chặn và xóa bỏ lao động trẻ em Đừng để trẻ làm việc trên đồng ruộng, hãy để trẻ nuôi dưỡng ước mơ |
Vào thời kỳ đỉnh điểm của Covid-19, 192 quốc gia đã đóng cửa trường học, khiến 1,6 tỷ học sinh không được đến trường. Đến nay, hơn 870 triệu học sinh, tương đương hơn một nửa số học sinh trên thế giới ở 51 quốc gia vẫn chưa thể quay lại trường học.
Theo bà Fore: “Trẻ em nghỉ học càng lâu thì khả năng quay trở lại trường học càng giảm. Đó là lý do tại sao chúng tôi kêu gọi Chính phủ các nước ưu tiên mở lại trường học khi những hạn chế được dỡ bỏ”.
Bà cũng chia sẻ rằng theo ước tính của Liên hợp quốc, ít nhất 24 triệu trẻ em trên thế giới sẽ bỏ học. Bà Fore nói: “Chúng tôi biết rằng việc đóng cửa trường học trong thời gian dài đã và sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho trẻ em. Sức khỏe tinh thần của chúng bị ảnh hưởng, dễ bị lạm dụng tình dục hơn. Trẻ em cũng sớm tham gia vào lực lượng lao động hơn và ít có khả năng thoát ra khỏi vòng nghèo đói”.
Hai chị em Surlina sơn màu bạc lên người và xin ăn tại một trạm xăng (Ảnh: NYT) |
Ảnh hưởng sức khỏe tinh thần
Việc thực hiện phong tỏa và giãn cách xã hội trên toàn thế giới cùng với việc chuyển đổi sang các hình thức trực tuyến đã gây ra nhiều tác động tiềm ẩn đối với trẻ em.
Theo báo cáo của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), trẻ em có nguy cơ chịu tác hại trực tuyến cao hơn trong đại dịch Covid-19.
“Đại dịch dẫn đến mọi người tăng thời gian nhìn vào màn hình các thiết bị hơn bao giờ hết. Trường học đóng cửa, các biện pháp cách ly nghiêm ngặt khiến cho ngày càng nhiều gia đình phụ thuộc vào công nghệ và các giải pháp số để duy trì việc học tập của con cái, đồng thời phục vụ giải trí và kết nối với thế giới bên ngoài. Tuy nhiên, không phải trẻ em nào cũng có kiến thức, kỹ năng và nguồn lực cần thiết để bảo vệ bản thân an toàn trên mạng”, Tiến sĩ Howard Taylor, Tổng Giám đốc Điều hành hợp tác toàn cầu chấm dứt bạo lực cho biết.
Nhiều học sinh giờ đây học tập cũng như giao lưu nhiều hơn trên mạng. Dành nhiều thời gian hơn trên các nền tảng ảo có thể khiến trẻ em dễ bị bóc lột tình dục, dụ dỗ và lừa gạt vì những kẻ xấu đang tìm cách lợi dụng tình hình đại dịch. Ngoài ra, việc thiếu giao tiếp trực tiếp với bạn bè và bạn khác giới có thể dẫn đến những hành vi có nguy cơ cao như gửi hình ảnh gợi tình, trong khi đó tăng thời gian lên mạng không kiểm soát có thể khiến trẻ em tiếp xúc với những nội dung độc hại, bạo lực cũng như tăng nguy cơ bị bắt nạt trên mạng.
Ngày càng có nhiều trẻ em nhận thức được tình trạng khẩn cấp về sức khỏe và tìm kiếm sự hỗ trợ. Childline, đường dây trợ giúp điện thoại khẩn cấp 24 giờ cho trẻ em ở Ấn Độ, đã ghi nhận số cuộc gọi đến tăng 50% kể từ khi lệnh phong tỏa được triển khai.
Gia tăng tình trạng lao động trẻ em
Mỗi buổi sáng, trước các khu chung cư thuộc nhà xã hội ở ngoại ô thành phố Tumakuru, Ấn Độ, một bầy trẻ em đổ ra đường. Chúng không đi học. Thay vì mang ba lô hoặc sách vở, mỗi đứa trẻ vác một bao tải nhựa bẩn thỉu.
Những đứa trẻ này trong độ tuổi từ 6 đến 14, đi lục tung các bãi rác đầy mảnh kính vỡ và bê tông để tìm rác thải nhựa có thể tái chế. Chúng kiếm được vài xu mỗi giờ và hầu hết không đeo găng tay hoặc khẩu trang. Thậm chí, nhiều đứa trẻ còn không có đủ tiền mua giày. Chúng đi chân trần với bàn chân nứt nẻ.
“Cháu ghét nó”, Rahul, một cậu bé 11 tuổi nói. Từ tháng 3 khi Ấn Độ đã đóng cửa các trường học vì đại dịch Covid-19, Rahul đã phải đi làm.
Theo kết quả của hơn 50 cuộc phỏng vấn được thực hiện với trẻ em, cha mẹ, giáo viên, nhà thầu lao động và các nhà hoạt động vì trẻ em, trẻ em trong độ tuổi đi học ở Ấn Độ hiện đang làm đủ mọi công việc, từ cuốn thuốc lá, xếp gạch cho đến phục vụ trà bên ngoài nhà thổ. Hầu hết đó là bất hợp pháp và nguy hiểm.
Tại Ấn Độ, Rahul, 11 tuổi thu gom rác thải nhựa để bán (Ảnh: NYT) |
Với vẻ mặt nhăn nhó, Shahnawaz đội một chậu sỏi đá lên đầu. Đôi chân gầy guộc của cậu bé gần như khuỵu xuống. Shahnawaz nheo mắt lại, trông như sắp khóc. Xung quanh cậu là những người đàn ông gấp ba tuổi cậu, chỉ đứng nhìn.
“Cháu bị đau đầu, cả người khó chịu. Đêm cháu không thể ngủ được”, Shahnawaz nói.
Anh trai của Shahnawaz dường như đã nhìn thấy tương lai của mình: “Cháu sợ là ngay cả khi trường học mở cửa trở lại, cháu vẫn phải làm tiếp công việc này vì gia đình còn mắc nợ”.
Nhiều chuyên gia về trẻ em cho biết, một khi trẻ em bỏ học và bắt đầu kiếm tiền thì rất khó để đưa chúng trở lại trường học.
Về phía phụ huynh, nhiều người được phỏng vấn cho biết họ phải chịu áp lực rất lớn, buộc phải cho những đứa con đang nghỉ ở nhà đi làm. Bố của hai anh em Shahnawaz, một thợ xây đang thiếu việc làm cho biết: “Chúng tôi cần số tiền các cháu kiếm được. Nếu không có chúng, tôi sẽ không thể lo được hai bữa cơm mỗi ngày”.
Những người sử dụng lao động có thể cảm nhận được sự tuyệt vọng. Ông Biplab Das, một nhà thầu lao động cho biết các bậc cha mẹ liên tục tìm đến ông cùng với những đứa con đang tuổi đi học.
Một buổi sáng giữa tháng 9, một người đàn ông xuất hiện cùng con trai 12 tuổi và con gái 8 tuổi. Ông kể, những đứa trẻ đứng lặng lẽ ở ngưỡng cửa và nhìn cha chúng “như thể chúng đang sắp bị ném vào lửa”.
Das không tìm việc làm cho trẻ em vì điều đó là bất hợp pháp. Tuy nhiên, trong trường hợp này, vì sợ gia đình họ có thể chết đói, ông đã hướng dẫn họ đến một trạm nghỉ của tài xế xe tải, nơi đang cần một người phục vụ trà. Cậu bé 12 tuổi hiện làm việc ở đó và kiếm được khoảng 7 xu/giờ.
Ở Ấn Độ, trẻ em dưới 14 tuổi không được phép làm việc trừ khi trong doanh nghiệp gia đình như nông trại hoặc một số trường hợp hiếm hoi khác, chẳng hạn như đóng phim vai trẻ em. Trẻ em cũng bị cấm làm ở những nơi nguy hiểm như công trường xây dựng và nhà máy sản xuất thuốc lá. Tuy nhiên, theo UNICEF vì đại dịch nhà chức trách ít tiến hành thanh tra hơn.
Không chỉ riêng tại Ấn Độ mà ở nhiều nơi trên thế giới, đặc biệt là tại các nước đang phát triển, việc đóng cửa trường học đã khiến nhiều trẻ em phải ra đường kiếm việc làm bởi gia đình chúng rất cần tiền…
Tại Kenya, những đứa trẻ 10 tuổi đang tham gia vào công việc khai thác cát. Nhiều đứa trẻ cùng tuổi đang phải cắt cỏ trên các đồn điền ca cao ở Tây Phi hay ở Indonesia, các bé trai và bé gái mới chỉ từ 8 tuổi được sơn màu bạc lên người giống như tượng sống để xin tiền.
Ở Jakarta, thủ đô Indonesia, Surlina, 14 tuổi, tự sơn màu bạc toàn bộ cơ thể cho giống một bức tượng với bàn tay giơ ra xin tiền tại một trạm xăng. Mẹ bé là một người giúp việc và cha chuyên bán các tác phẩm điêu khắc nhỏ trước khi đại dịch cướp đi công việc của mình. Vào cuối mỗi ngày, cô bé đưa tiền kiếm được cho mẹ, người đã cung cấp sơn cho cô và hai anh chị em 11 và 8 tuổi.
“Cháu không có lựa chọn nào khác. Đây là cuộc sống của cháu. Gia đình nghèo nên cháu chẳng thể làm gì khác”, Surlina nói.