Vì sao phụ huynh tha thiết mong con vào trường công?
Hà Nội: Chủ động xây dựng phương án xử lý những "điểm đen" về ùn tắc, tai nạn giao thông Hà Nội bổ sung thêm 3.339 chỉ tiêu vào lớp 10 |
Cuộc đua vào trường công lập ở Hà Nội những năm gần đây vẫn nóng hơn bao giờ hết. Điều này một phần xuất phát từ nguyện vọng tha thiết của đa số phụ huynh - muốn cho con học trong môi trường công lập. Tại sao lại như vậy?
Tin tưởng chất lượng giáo dục
Là một trong những phụ huynh có con vừa kết thúc kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10, chị Trần Thị Thanh Phương (ở phường Mộ Lao, quận Hà Đông, Hà Nội) tâm sự: “Trước đây, tôi nghe nhiều bạn bè kể đã lo lắng đến mất ăn, mất ngủ khi có con học lớp 9, chuẩn bị thi vào lớp 10. Tôi không tin và nghĩ mọi người “làm quá lên”. Cho đến khi thực sự là người trong cuộc, tôi mới thấu hiểu sự căng thẳng, kịch tính ấy”.
Hà Nội nỗ lực giảm áp lực kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 |
Theo chị Phương, nỗi lo lắng bắt đầu từ cuối năm con học lớp 8, khi chị phải bám sát nhận xét của giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn về lực học của con để kịp thời có sự điều chỉnh. Liền sau đó là những ngày đi luyện thi hết lớp thầy nọ đến cô kia. Rồi bao mong ngóng dồn lên tháng 3 khi chờ đợi Sở GD&ĐT Hà Nội công bố chỉ tiêu tuyển sinh vào lớp 10. Chốt hồ sơ xong, cả gia đình lại mong ngóng xem tỉ lệ “chọi”.
“Cứ như vậy, cả gia đình tôi căng thẳng cho đến khi con bước vào phòng thi rồi hồi hộp chờ điểm thi, điểm chuẩn”, chị Phương kể.
Không chỉ có 119 trường THPT công lập, Hà Nội còn có hơn 100 trường THPT ngoài công lập khác nhưng tại sao chị Phương lại nhất định chọn trường công là ưu tiên hàng đầu để phải căng thẳng, hồi hộp, âu lo như vậy?
Lý giải điều này, chị Phương chia sẻ: “Theo tìm hiểu từ gia đình tôi, trường THPT công lập là môi trường lý tưởng nhất để con học tập, rèn tính cách. Đa số học sinh trường công ít có hiện tượng ăn chơi, đua đòi, “đầu xanh, đầu đỏ”, đánh nhau hay sa đà vào tệ nạn xã hội. Các thầy cô đều sát sao quản lý học sinh nên chúng tôi yên tâm hơn”.
Mức học phí phù hợp với thu nhập
Cũng giống như chị Phương, anh Nguyễn Minh Tú (ở quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) giãi bày về mong muốn cho con vào học trường công lập: “Gia đình tôi có 3 con đều đang trong độ tuổi đến trường. Trong đó, cháu lớn năm nay vào lớp 10.
Trượt công lập với con là nỗi buồn còn với vợ chồng tôi là gánh lo đè nặng trên vai. Sau khi tham khảo học phí một trường THPT tư thục gần nhà, vợ tôi mất ngủ mấy đêm. Học phí cùng tiền ăn bán trú, đưa đón của con mỗi tháng là 7 triệu đồng. Tính thêm những chi phí ngoài trường khác, tôi tính mỗi tháng phải đến gần chục triệu đồng. Còn 2 đứa con bé thì tính sao? Trong khi đó, thu nhập của cả 2 vợ chồng tôi chỉ khoảng hơn 20 triệu đồng/tháng”.
Theo tính toán, cân nhắc của các bậc phụ huynh, dù có nhiều loại hình đào tạo nhưng họ vẫn tha thiết muốn cho con vào học công lập vì mức học phí phù hợp với túi tiền, thu nhập của đại bộ phận người dân.
Chị Nguyễn Thị Thu Hoài (ở phường Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân, Hà Nội) chia sẻ: “Là cán bộ công chức, thu nhập của cả vợ chồng tôi mỗi tháng chỉ trên 10 triệu đồng. Nếu cho con vào học tư thục, với mức học phí cao ngất ngưởng như vậy thì lấy tiền đâu ra? Vì vậy, dù có phải cho con đi học xa hơn, tôi cũng tha thiết muốn con vào học công lập”.
Ảnh minh họa |
Hiện Hà Nội có tổng số 266 cơ sở giáo dục có tuyển sinh lớp 10. Thực tế cho thấy, việc phân bổ hệ thống trường trung học phổ thông công lập có sự chênh lệch, dẫn đến áp lực ở một số nơi cao hơn.
Đơn cử, trong kỳ thi tuyển sinh lớp 10 trung học phổ thông năm học 2023-2024, khu vực tuyển sinh 1 (gồm các quận Ba Đình, Tây Hồ) có 4 trường công lập với 2.620 chỉ tiêu nhưng có gần 5.400 thí sinh dự thi; Khu vực tuyển sinh 2 (các quận Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng) có 5 trường công lập, 3.600 chỉ tiêu, số thí sinh dự thi là hơn 5.500 em; Khu vực tuyển sinh 3 (các quận Cầu Giấy, Đống Đa, Thanh Xuân) có 9 trường công lập, 6.355 chỉ tiêu trong khi số thí sinh dự tuyển 13.615 em...
Hà Nội nỗ lực đáp ứng nguyện vọng học trường công
Nhiều người đặt câu hỏi, tại sao không phổ cập cấp trung học phổ thông để học sinh không phải căng thẳng thi tuyển vào trường công? Qua tìm hiểu, từ kinh nghiệm ở nhiều quốc gia, Đảng, Nhà nước đã có chính sách phân luồng để bảo đảm cơ cấu lao động. Triển khai chủ trương này, HĐND thành phố Hà Nội đã ban hành Nghị quyết số 06/2009/NQ-HĐND; UBND thành phố ban hành Đề án số 104/ĐA-UBND về đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục và có nhiều giải pháp phân luồng học sinh.
Dù luôn được thành phố và Nhân dân quan tâm song do tỷ lệ gia tăng dân số cơ học ở Hà Nội hằng năm liên tục tăng đã khiến ngành Giáo dục Thủ đô chịu nhiều sức ép; Trong đó có vấn đề phát triển trường công lập. Điều này càng trở nên cấp thiết khi dự báo số lượng học sinh vào cấp trung học phổ thông trong 3 năm học tới tăng 29.000 em so với năm học 2023-2024.
Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Thế Cương khẳng định: “Với sự quan tâm của Thành ủy, HĐND, UBND thành phố và quyết tâm tập trung nguồn lực đầu tư cho giáo dục, đến năm 2025, Hà Nội cơ bản sẽ giải quyết được tình trạng thiếu cơ sở vật chất của các trường trung học phổ thông công lập”. |
Trước mắt, các trường công lập sẽ rà soát, khai thác tối đa hiệu quả cơ sở vật chất hiện có và bổ sung phòng học. Trong trường hợp cần thiết, các trường sẽ đề xuất nâng sĩ số học sinh/lớp ở mức nhất định.
Theo Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Thế Cương, Sở đang tích cực phối hợp với các Sở, ngành liên quan tham mưu thành phố ưu tiên nguồn lực đầu tư xây dựng và thành lập mới, cải tạo sửa chữa các trường học đã được ghi vốn giai đoạn 2021-2025; Ưu tiên dành quỹ đất xây dựng trường.
Sở GD&ĐT cũng tập trung tham mưu thành phố rà soát các ô đất đã quy hoạch xây dựng trường học, thu hồi các dự án chậm tiến độ xây dựng trường học giao lại cho UBND các quận, huyện, thị xã xây dựng trường công lập; Xây dựng quy hoạch mạng lưới trường đến năm 2023, tầm nhìn 2050, trong đó nêu rõ vị trí ô đất, diện tích...
Liên quan đến nội dung này, Sở GD&ĐT Hà Nội cũng đề xuất Bộ GD&ĐT cho phép áp dụng cơ chế đặc thù trong tuyển sinh lớp 10 trường công lập tại các quận và một số huyện giáp ranh nội thành như: Tăng 10% số lớp/trường; Tăng 10% số học sinh/lớp; Cho phép áp dụng thay diện tích đất/học sinh bằng diện tích sử dụng/học sinh...
Việc nâng chất lượng các trường tư thục, thu hút học sinh vào học tại các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên và trường nghề cũng là giải pháp hiệu quả để phân luồng, giảm áp lực cho trường công lập...