Việc tăng vốn cho Agribank được đưa vào kế hoạch hành động của Ngân hàng Nhà nước
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vừa ban hành Quyết định số 422/QĐ-NHNN ban hành Kế hoạch hành động của ngành ngân hàng thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/1/2022 của Chính phủ.
Mục đích của kế hoạch hành động nhằm cụ thể hóa các nhiệm vụ, giải pháp được quy định tại Nghị quyết số 11 liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của ngành ngân hàng.
Kế hoạch hành động bám sát các quan điểm, mục tiêu tại Nghị quyết số 11; Nêu cao tinh thần chủ động, sáng tạo của từng đơn vị và sự hợp tác giữa các đơn vị trong và ngoài ngành ngân hàng để nỗ lực thực hiện thắng lợi nhiệm vụ, giải pháp và đạt mục tiêu đề ra.
Trụ sở Ngân hàng Nhà nước |
Nhiệm vụ đầu tiên được Ngân hàng Nhà nước đưa ra là điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng và hoạt động ngân hàng.
Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước sẽ điều hành đồng bộ, linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ để góp phần giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, hỗ trợ tích cực quá trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước cũng điều hành tín dụng đáp ứng kịp thời vốn cho sản xuất kinh doanh, kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; Tiếp tục tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
Cùng với đó là triển khai chính sách hỗ trợ lãi suất 2%/năm trong 2 năm 2022-2023 thông qua hệ thống các ngân hàng thương mại đối với các khoản vay thương mại cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh; Nghiên cứu để giữ ổn định tỷ lệ tối đa vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn; Miễn, giảm phí dịch vụ thanh toán.
Đặc biệt, Ngân hàng Nhà nước cũng có kế hoạch tăng vốn điều lệ cho các ngân hàng thương mại cổ phần do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ và Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank); Bảo đảm an toàn hoạt động của hệ thống các tổ chức tín dụng và tiếp tục xử lý nợ xấu.
Trong đó sẽ tăng vốn điều lệ từ nguồn lợi nhuận sau thuế, sau trích lập các quỹ giai đoạn 2021-2023 cho các ngân hàng thương mại cổ phần Nhà nước và từ nguồn ngân sách Nhà nước đối với Agribank; Theo dõi, giám sát chặt chẽ, bảo đảm an toàn hoạt động ngân hàng; thực hiện các giải pháp xử lý nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng.
Nhiệm vụ tiếp theo là triển khai chính sách hỗ trợ thông qua Ngân hàng chính sách xã hội. Trong đó, Ngân hàng Nhà nước chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan trình Chính phủ ban hành Nghị định về chính sách tín dụng ưu đãi thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025, trong quý 1 năm 2022.
Tiếp theo là hoàn thiện khuôn khổ pháp lý; Cải cách thể chế, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; Thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công thuộc lĩnh vực quản lý của Ngân hàng Nhà nước...