“Viên ngọc” sinh thái trong lòng Hà Nội
Kỳ vọng thay đổi diện mạo Thủ đô
Bãi giữa sông Hồng là cảnh quan thiên nhiên hấp dẫn, kéo dài qua nhiều quận nội đô. Nơi đây là không gian được đánh giá tiềm năng để khai thác, triển khai thành không gian công cộng và phải trở thành công viên văn hóa, giải trí, nghỉ ngơi đặc biệt. Tuy nhiên, suốt thời gian qua, bãi giữa sông Hồng rộng cả trăm hecta bị bỏ hoang, trong khi hàng triệu người dân Hà Nội thiếu chỗ vui chơi, giải trí.
Do đó, việc lập đề án hướng tới mục tiêu khai thác hiệu quả quỹ đất và lợi thế tiềm năng, vẻ đẹp tự nhiên của sông Hồng, lấy sông Hồng là trục cảnh quan tạo ra không gian mở, xanh, có hạ tầng đô thị văn minh, hiện đại, làm điểm đến vui chơi, tham quan du lịch hấp dẫn mang lại nhiều lợi ích.
Các đại biểu chủ trì hội thảo |
Chia sẻ tại hội thảo Công viên văn hóa đa chức năng tại khu vực bãi nổi và bãi giữa ven sông Hồng trong khuôn khổ Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội năm 2023, dưới góc nhìn của một kiến trúc sư, một lãnh đạo quản lý, ông Tạ Nam Chiến - Chủ tịch UBND quận Ba Đình bày tỏ: Sông Hồng là dòng sông được nhiều thế hệ cư dân đồng bằng Bắc Bộ coi là dòng sông mẹ, đã gắn liền với sự hình thành và phát triển văn hóa, kiến trúc cảnh quan truyền thống của vùng đất này từ bao đời nay. Trong kí ức của người dân Thăng Long - Hà Nội, sông Hồng được coi là một chứng nhân lịch sử.
Trải qua nhiều thế kỷ, dòng sông đã chứng kiến một dân tộc cần cù lao động, vật lộn với lũ lụt và chuyển mình vươn lên. Trong các đồ án quy hoạch chung của Thủ đô qua các thời kỳ, sông Hồng và các không gian bãi bồi được xác định là không gian xanh sinh thái đệm quan trọng của Thủ đô, là di sản thiên nhiên, trục cảnh quan thiên nhiên, trục giao thông đường thủy quan trọng kết nối khu vực nội đô cũ với các khu vực mới phát triển.
Từ ý nghĩa lịch sử và văn hóa đó, ông Tạ Nam Chiến cho rằng, ý tưởng cải tạo, xây dựng khu vực bãi giữa, bờ sông thành công viên văn hóa là cơ hội để lấy lại những giá trị đã bị mai một của sông Hồng, trả lại những gì mà cuộc sống lịch sử đã lấy đi của dòng sông lịch sử này.
Trên cơ sở các nghiên cứu, định hướng, Chủ tịch UBND quận Ba Đình gợi ý các ý tưởng xây dựng Công viên sông Hồng bao gồm khu vực đầu tư mới nằm ở phạm vi bãi giữa và ven sông, khu vực cải tạo chỉnh trang. Cùng với đó là các yếu tố kiến trúc có giá trị cần được kết nối như cầu Long Biên, chợ Đồng Xuân, tháp nước Hàng Đậu… Việc phát triển công viên bãi giữa sông Hồng không chỉ thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của các quận mà còn nâng tầm của con sông.
Ông Phạm Tuấn Long - Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm phát biểu tại hội thảo |
Cũng tại hội thảo, ông Phạm Tuấn Long - Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm cho biết, với vị trí là trung tâm của khu vực, quận Hoàn Kiếm nằm ở phía Nam khu vực bãi giữa. Diện tích bãi giữa của sông Hồng khoảng 307ha. Trong đó, quận Hoàn Kiếm có 23 ha, quận Long Biên có 180,2 ha, Tây Hồ: 90,7 ha và Ba Đình có 13,1ha.
Nhấn mạnh đây là một quỹ đất đáng quý mà thiên nhiên ban tặng cho Thủ đô tương phản với không gian chật hẹp của khu vực nội thị, ông Long cho biết: “Đây là cơ hội, điều kiện để khai thác, có cách tiếp cận tốt nhất để khai thác hiện trạng, cảnh quan, tăng khả năng tiếp cận của sông Hồng với nội đô, đáp ứng nhu cầu vui chơi giải trí của người dân. Hoàn Kiếm và 3 quận đang nghiên cứu từ đó thống nhất không phát triển đô thị mà khai thác lợi thế từ mặt nước, cảnh quan phục vụ cho hoạt động cộng đồng, khai thác giá trị lịch sử, văn hóa bề dày dọc sông Hồng.
Bên cạnh việc quản lý, khai thác hiệu quả không gian công cộng khu vực bãi giữa sông Hồng, theo ông Long, vấn đề đặt ra là cần quản lý, khai thác hiệu quả đúng mục tiêu, làm tốt công tác vệ sinh môi trường, trật tự xây dựng, không để xảy ra lấn chiếm đất công khu vực này.
Bài toán về sự phát triển bền vững
Tham góp ý kiến tại hội thảo, ông Nguyễn Mạnh Hà - Chủ tịch UBND quận Long Biên cho biết, quận Long Biên có diện tích 6.094 ha, 14 đơn vị hành chính, kết nối giao thông đường thủy, đường sắt, đường bộ, đường hàng không đều rất thuận lợi. Long Biên có 58 công viên, vườn hoa, tỉ lệ cây xanh, hồ nước đạt 8,5m2/người. Quận có 90 di tích, có 58 di tích đã được xếp hạng. Đa phần di tích nằm ven sông.
Hình thái tự nhiên của quận Long Biên được bao bọc bởi hai dòng sông lớn chảy qua Hà Nội là sông Hồng, sông Đuống. Vùng bãi giữa được xác định là giàu có tiềm năng từ không gian cảnh quan rộng lớn nhưng cũng khó kiểm soát phát triển nhằm đảm bảo không gian thoát lũ.
Hội thảo thu hút sự quan tâm của đông đảo chuyên gia |
Theo ông Hà, để xây dựng công viên đa chức năng thuộc khu vực bãi giữa sông Hồng là điểm nhấn của trục cảnh quan sông Hồng, chúng ta cần xác định rõ cầu Long Biên là thông số quan trọng và tất yếu, cần phải bảo tồn, phát huy giá trị lịch sử của cây cầu để tạo sự kết nối trong trục cảnh quan. Bên cạnh đó, có 5 nội dung cần tập trung. Đó là quy hoạch và kiểm soát không gian; Thiết lập cơ chế, chính sách phục vụ cho quản lý sau quy hoạch; Quy trình thực hiện theo giai đoạn. Huy động nguồn lực, thu hút đầu tư; Thực hiện quy chế quản lý, vận hành, duy tu, duy trì. Không chỉ vậy, nguyên tắc thiết kế chủ đạo là phải hạn chế tối đa bê tông hóa, quy hoạch cảnh quan thích ứng thủy văn của sông Hồng, Kiến trúc thích ứng, lắp ghép linh hoạt, thân thiện môi trường; Cần phát triển những tổ hợp kiến trúc điểm nhấn dọc sông Hồng.
Để giải bài toán thiếu hụt không gian vui chơi đồng thời phát huy tiềm năng quỹ đất hai bên bờ sông Hồng, đưa dòng sông trở thành nhân tố phát triển Thủ đô “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”, trong 20 năm nay, khu vực sông Hồng luôn được thành phố Hà Nội quan tâm, nghiên cứu trong các chương trình, đề án, đồ án quy hoạch có liên quan.
Việc lập đề án hướng tới mục tiêu khai thác hiệu quả khu vực bãi giữa sông Hồng làm điểm vui chơi, tham quan, du lịch hấp dẫn hướng tới không gian sinh thái công cộng, tạo điểm nhấn cho bản sắc Thủ đô. Theo ông Nguyễn Đình Khuyến - Chủ tịch UBND quận Tây Hồ, có 3 yếu tố quan trọng cần lưu ý. Đó là quy hoạch, chính sách và nguồn vốn.
Ông Nguyễn Đình Khuyến - Chủ tịch UBND quận Tây Hồ chia sẻ tại hội thảo |
“Trong quy hoạch phải đảm bảo nguyên tắc không ảnh hưởng đến dòng chảy, hệ thống đê điều, bảo tồn hệ sinh thái tự nhiên và nhân văn của đô thị. Cần ưu tiên phát triển hệ thống hạ tầng giao thông tiếp cận gồm giao thông dọc sông, cầu qua sông, tuyến đường thủy dọc sông… gắn với các giải pháp đảm bảo hành lang thoát lũ”, ông Khuyến chia sẻ.
Cùng với góc nhìn của lãnh đạo các quận có diện tích bãi giữa sông Hồng, hội thảo cũng lắng nghe nhiều ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học về hiện trạng, giải pháp triển khai xây dựng công viên bãi giữa sông Hồng. Từ các ý kiến tại hội thảo sẽ tạo nên cơ hội khơi gợi các ý tưởng của các nhà đầu tư, các thành tố khởi nghiệp, nhằm phát huy, phát triển các giá trị văn hoá - lịch sử trong hình thành mẫu mực các không gian và mô hình hoạt động sáng tạo toàn diện, không chỉ cho Hà Nội mà còn cho cả nước.