Việt Nam là đối tác nhập khẩu lớn thứ 6 của Mỹ
Việt Nam vươn lên vị trí thứ 6
Gần 2/3 tổng lượng hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, tương đương khoảng 370 tỷ USD hàng năm đã bị Mỹ áp thuế trong năm 2018 và 2019. Trong số các mặt hàng Trung Quốc bị áp thuế, chịu tác động lớn nhất là thiết bị viễn thông và phụ kiện máy tính, nơi mà kim ngạch nhập khẩu mỗi loại giảm khoảng 15 tỷ USD so với mức đỉnh vào năm 2018.
Tuy nhiên, theo theo phân tích của Tạp chí Phố Wall từ công ty dữ liệu Trade Data Monitor, hiện chỉ một nửa hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ, tương đương với 250 tỷ USD hàng năm, bị áp thuế. Nguyên nhân do nhiều doanh nghiệp Mỹ đã chuyển hướng sang nhập khẩu hàng hóa từ các quốc gia khác.
Trong đó, Việt Nam là nước được hưởng lợi. Hiện Việt Nam đứng thứ 6 toàn cầu về nhập khẩu vào Mỹ, tăng từ vị trí thứ 12 vào năm 2018.
Tàu container CMA CGM CORTE REAL tải trọng 165.375 DWT, có chiều dài 365,5m cập cảng GERMALINK (Bà Rịa - Vũng Tàu) bốc dỡ hàng hóa (Ảnh: TTXVN) |
Ông Craig Allen, Chủ tịch Hội đồng Kinh doanh Mỹ - Trung Quốc, đại diện cho các công ty Mỹ kinh doanh tại Trung Quốc, cho biết: “Nếu mục tiêu là giảm nhập khẩu từ Trung Quốc thì các biện pháp thuế quan của Mỹ đã thành công. Nếu là mục tiêu tăng việc làm trong lĩnh vực sản xuất ở Mỹ, tôi không thấy bất kỳ bằng chứng nào cho thấy điều đó đã xảy ra. Còn nếu mục tiêu là tăng nhập khẩu từ các nước khác ở Châu Á hoặc tăng việc làm trong lĩnh vực sản xuất ở Việt Nam, thì mục tiêu đó cũng đã thành công”.
Chất bán dẫn là một ví dụ rõ ràng. Mỹ muốn giảm nhập khẩu chất bán dẫn từ Trung Quốc khiến kim ngạch nhập khẩu chip từ quốc gia này giảm mạnh nhưng từ Việt Nam hay Malaysia lại tăng.
Ngoài ra, mặc dù thuế quan chủ yếu do doanh nghiệp Mỹ chi trả nhưng các nhà máy của Trung Quốc có thể thua thiệt hơn so với những nhà máy đối thủ tại Việt Nam, Malaysia và Mexico.
Do đó, trong một số trường hợp, thuế quan của Mỹ cũng tạo động lực giúp doanh nghiệp đẩy nhanh tốc độ dịch chuyển khỏi Trung Quốc. Ví dụ, đối với mặt hang đồ nội thất, nhiều nhà nhập khẩu của Mỹ đã chuyển sang thị trường Việt Nam, thậm chí ngay từ trước khi thương chiến nổ ra. Theo ông Chad Bown, thành viên cấp cao tại Viện Kinh tế quốc tế Peterson (một tổ chức tư vấn của Mỹ): “Sản xuất hàng hóa ở một số nơi khác sẽ đỡ tốn kém hơn là mang dây chuyền sản xuất trở về Mỹ”.
Xuất khẩu Việt Nam sang Mỹ tăng mạnh trong đại dịch
Tờ Wall Street Journal nhận định, Việt Nam không những là một trong những nước kiểm soát đại dịch Covid-19 “ấn tượng nhất thế giới, đặc biệt xét trong khung thu nhập của quốc gia” mà còn là một trong những nền kinh tế đang trở lại đà tăng trưởng vững chắc dựa vào xuất khẩu, đặc biệt là vào thị trường Mỹ.
Hoạt động xuất khẩu sang Mỹ của Việt Nam được dự đoán sẽ còn giữ mức cao trong thời gian tới (Ảnh: Reuters) |
Tờ báo này cho biết theo ước tính, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong quý đầu tiên của năm 2021, Việt Nam đã tăng 4,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Sự phục hồi này đang được thúc đẩy bởi sự tăng trưởng trong xuất khẩu dịch vụ và hàng hóa.
Riêng tháng 3/2021, hoạt động xuất khẩu của Việt Nam đạt mức tăng trưởng khoảng 20% so với một năm trước đó. Trong đó, xuất khẩu sang Mỹ được đánh giá đặc biệt tăng mạnh và không có dấu hiệu chững lại.
Phân tích dữ liệu xuất khẩu của Việt Nam và nhập khẩu của Mỹ, Wall Street Journal nhận thấy tỷ trọng của Mỹ trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đã tăng đáng kể. Trong 12 tháng tính đến hết tháng Giêng năm nay, nhập khẩu của Mỹ từ thị trường Việt Nam tương đương khoảng 29% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam, cao hơn nhiều so với mức trung bình khoảng 20% trước năm 2019.
Nếu dự báo của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) là đúng khi ước tính tăng trưởng kinh tế của Mỹ đạt 6,5% trong năm nay thì nhu cầu nhập khẩu của Mỹ sẽ tiếp tục tăng mạnh và là mục tiêu hướng đến của nhiều công ty Việt Nam.
Việt Nam có nhiều cơ sở để tiếp tục hút vốn ngoại |
Cuộc sống đằng sau miền đất hứa ở thung lũng Silicon |
Mỹ và Trung Quốc: Cuộc "chiến tranh lạnh" chưa có từng có trong lịch sử |