Việt Nam sẽ hưởng lợi từ các sáng kiến chính phủ điện tử
Các nhóm giao dịch của chính phủ điện tử
Triển khai tốt chính phủ điện tử (ở cấp quốc gia) và chính quyền điện tử (ở các cấp địa phương) không chỉ góp phần tăng cường năng lực cạnh tranh và nâng cao niềm tin của người dân vào chính phủ, mà còn giúp tiết kiệm ngân sách Nhà nước và chi phí cơ hội cho xã hội. Chỉ riêng Cổng dịch vụ công quốc gia ước tính sẽ giúp tiết kiệm hơn 4.200 tỉ đồng/năm.
Tiến sĩ Nguyễn Quang Trung, Chủ nhiệm nhóm bộ môn Quản trị thuộc Đại học RMIT Việt Nam và ông Trần Phạm Khánh Toàn, nghiên cứu sinh trường Đại học Mở TP Hồ Chí Minh, phân tích các lợi ích chính khi triển khai chính phủ điện tử tại Việt Nam.
Chính phủ điện tử và môi trường kinh doanh
Các báo cáo gần đây của Liên hiệp quốc và Ngân hàng Thế giới cho thấy những quốc gia áp dụng chính phủ điện tử hiệu quả thường cũng có môi trường kinh doanh khỏe mạnh.
Môi trường kinh doanh tốt nhìn chung sẽ thu hút được các nhà đầu tư chất lượng cao, có khả năng tạo hiệu ứng lan tỏa như chuyển giao công nghệ và thông lệ quản lý hiện đại, cũng như giảm tác động xấu đến môi trường.
Vì vậy, chính phủ điện tử cần được ưu tiên tại Việt Nam. Thành công trong triển khai chính phủ điện tử sẽ kéo theo tác động tích cực trong các lĩnh vực khác như giảm tham nhũng và minh bạch kinh doanh.
Các lợi ích chính của chính phủ điện tử |
Các nhà hoạch định chính sách Việt Nam có thể tham khảo mô hình chính phủ điện tử thành công của một số nước châu Á khác như Hàn Quốc, Singapore và Malaysia.
Những nỗ lực sớm và nhất quán trong xây dựng chính phủ điện tử đã và đang góp phần cải thiện môi trường kinh doanh tại các quốc gia này. Đó là lý do Hàn Quốc và Singapore liên tục giữ vị trí dẫn đầu bảng xếp hạng môi trường kinh doanh.
Tương tự, ở cấp địa phương, việc triển khai chính quyền điện tử được cho là sẽ thúc đẩy năng lực cạnh tranh cho các tỉnh và thành phố.
Xếp hạng phát triển chính phủ điện tử và xếp hạng môi trường kinh doanh của một số quốc gia châu Á |
Chìa khóa triển khai chính phủ điện tử
Những nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong việc xây dựng và triển khai chính phủ điện tử trong những năm qua đã được nhiều chuyên gia và người dân đánh giá cao.
Tháng 8/2018, Chính phủ đã thành lập Ủy ban quốc gia về chính phủ điện tử và ban hành Nghị quyết 17/NQ-CP vào tháng 3/2019 nhằm chỉ ra các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019-2020, định hướng đến 2025.
Một số dự án lớn gần đây có thể kể đến gồm hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc của Chính phủ (E-Cabinet) ra mắt vào tháng 6/2019 và Cổng dịch vụ công quốc gia triển khai vào tháng 12/2019.
Tuy vậy, để tạo lợi thế cạnh tranh và cải thiện môi trường kinh doanh tại Việt Nam, chính quyền các cấp cần phải nỗ lực mạnh mẽ và xuyên suốt hơn nữa, trong đó có việc đầu tư nhiều nguồn lực hơn cho phát triển chính phủ điện tử.
Kinh nghiệm ở các quốc gia khác cho thấy các nhóm yếu tố tạo nên thành công của chính phủ điện tử gồm có năng lực quản trị, cơ sở hạ tầng CNTT và nguồn nhân lực và đặc điểm kinh tế - xã hội.
Các yếu tố quan trọng trong triển khai chính phủ điện tử |
Có thể nỗ lực dang dở trong việc triển khai các sáng kiến chính phủ điện tử vào đầu những năm 2000 đã làm nản lòng nhiều nhà lãnh đạo. Tuy vậy, đây là nhiệm vụ quan trọng, yêu cầu tập trung cao độ nếu Việt Nam muốn đạt mục tiêu trở thành quốc gia thịnh vượng, sáng tạo và công bằng (như trong Báo cáo Việt Nam 2035) và đặc biệt là khi đất nước đang cần những giải pháp cấp bách để kích thích phát triển kinh tế trong đại dịch hiện nay.
Trong bối cảnh này, việc xây dựng thành công chính phủ điện tử cần được xem là ưu tiên hàng đầu, bởi lẽ thực hiện tốt chính phủ điện tử trước thì cải thiện ở những lĩnh vực khác mới đến nhanh chóng, góp phần tiết kiệm nguồn lực cho xã hội và tăng năng lực tranh tranh của nền kinh tế.