Viết tặng người chị của tôi
![]() |
TTTĐ- Tôi là sinh viên năm nhất. Mọi thứ với tôi đều là hai chữ bình thường: sức khỏe bình thường, học hành bình thường, gia cảnh bình thường, ngoại hình bình thường. Chỉ bấy nhiêu điều bình thường ấy thôi, nhưng tôi biết mình là đứa hạnh phúc hơn rất nhiều người trong cuộc sống này...
Một đêm trời lạnh giá, tôi đang ôm cuốn sách nhỏ rúc trong chăn ấm. Cũng như bao đêm khác, tiếng rao của bác bán bánh đúc lại cất lên. Trái tim tôi lại rung lên như lần đầu tiên tôi nghe thấy. Vô vàn câu hỏi vẫn chưa có lời đáp: “Bác ấy bao tuổi rồi?”, “Vì sao bác không bán ban ngày mà lại đi rao giữa đêm đông lạnh buốt như vậy?”, “Liệu bác đã ăn tối chưa?”, “Bác đã bán được bao nhiêu cái bánh rồi ?”.
Thương người khác bao nhiêu, tôi lại thấy mình may mắn bấy nhiêu. Vì chẳng đâu xa, trong họ hàng của tôi cũng có những người nghèo khổ như vậy. Nhưng ở họ có một nghị lực, một trái tim ấm áp và niềm lạc quan vào cuộc sống rất đáng học tập.
![]() |
Tôi có người bác, là anh trai mẹ tôi. Gia đình bác nghèo lắm, nhà lại sinh tận ba cô con gái. Vợ của bác do một lần ngã xe mà mất đi khả năng lao động. Một mình bác tôi gánh vác gia đình. Một vài năm sau đó, bác gái mất. Để lại ba chị cho bác tôi nuôi. Bác cũng chỉ có khả năng nuôi các chị ăn học hết cấp ba, rồi sau đó phải tự mình bươn trải kiếm sống ngoài xã hội.
Chị nào cũng đều ngoan ngoãn và hiếu thảo nhưng tôi thực sự nể phục người chị thứ ba - với tên gọi rất đỗi thân thương chị Út.Chị tôi sinh năm 1993 - một cô gái 22 tuổi. So với tuổi 18 của tôi bây giờ, bốn năm qua chị đã trải qua nhiều giai đoạn khác nhau của cuộc sống.
Học hết cấp ba, chị tôi lên thành phố kiếm sống. Khi ấy, chị làm công nhân trong một xưởng may. Từ sáng đến tối hít bụi từ bông. Tan ca, chị còn bán thêm chút giá đỗ, dưa cà. Những ngày lễ Tết, chị tranh thủ kinh doanh chút hoa, quà để kiếm thêm được đồng nào hay đồng ấy.
Tôi nhớ rõ có ngày 30,31 Tết, sẩm tối chị mới về tới quê, lọ mọ quét rọn nhà cửa chuẩn bị đón Tết.Vừa học vừa làm, chị chắt chiu từng đồng tự nuôi bản thân. Hai năm sau, chị tôi cầm tấm bằng trung cấp mầm non, quyết tâm về với thủ đô hy vọng sẽ có một tương lai tốt hơn.
Chị may mắn được người thân xin vào làm tại một trường mầm non tư thục. Chị rất yêu trẻ, tình yêu đó đã đưa chị đến với nghề cô nuôi dạy trẻ. Nhưng một công việc bó buộc trong không gian nhỏ hẹp ko phải là điều chị tôi muốn. Hơn một năm sau, chị quyết tâm học thêm.
Vốn là con người năng động, chị lựa chọn chuyên ngành du lịch của trường Cao đẳng Nghệ thuật. Vậy là khi tôi năm nhất, chị cũng vậy. Một cô gái sống theo ước muốn của mình và sẵn sàng hành động để đạt được nó. Nhưng điều tôi muốn nói ở đây là: với một cô gái vừa đi làm, lại vừa đi học, liệu cô gái ấy có tham gia các hoạt động ngoại khóa?
Đây cũng chính là điều tôi khâm phục ở chị. Giữa bộn bề cuộc sống nhưng chị vẫn tham gia tình nguyện. Khong phải chỉ một tổ chức mà rất nhiều tổ chức tình nguyện khác. Thi thoảng chị lại gọi điện “than phiền” với tôi : “ Em ơi ! Chị muốn tham gia tổ chức từ thiện này quá, mà chị lại đang tham gia hai cái rồi. Làm sao đây, làm sao đây? Chị thích quá nhưng chị không thể bỏ hai tổ chức chị đang tham gia được, vì làm việc gì cũng cần phải có trách nhiệm. Giá mà chị có thêm thời gian...”. Những lúc như thế này tôi chỉ gật gù ậm ừ, bởi tôi hiểu tính cách của chị, chị có đủ khả năng để thu xếp công việc của mình, điều mà một đứa 18 tuổi như tôi chưa làm được.
Tôi nhớ rõ khuôn mặt rạng ngời của chị khi nhận chiếc áo xanh tình nguyện. Tôi thổn thức khi nghe tiếng khóc của chị qua điện thoại, rằng: “Em ơi, hôm nay chị đến thăm các em nhỏ bị tật nguyền tại làng hữu nghị Việt Nam… Em biết không, những gương mặt trẻ thơ ấy ám ảnh chị, giúp chị nhận ra chị là người hạnh phúc như thế nào khi sinh ra là một người khỏe mạnh, nói cho chị biết rằng cuộc sống này có rất nhiều người cần được giúp đỡ, cần được quan tâm và yêu thương”…
Chị chụp ảnh cùng nhiều em nhỏ ở đó. Mỗi lần mệt mỏi tưởng không thể tiếp tục được nữa, chị xem lại những tấm hình ấy để tiếp thêm động lực cho bản thân.
Cứ cuối tuần, chị tham gia phát cơm cho những người trong bệnh viện. Dịp cuối tuần hay lễ tết là khoảng thời gian người ta ở bên nhau, đi chơi với nhau nhưng chị thì khác. Ở Thủ đô đông đúc này vẫn còn rất nhiều bóng dáng của những người nghèo khổ vô gia cư, của những người già neo đơn. Những bóng dáng lẻ loi, tàn tạ mà chúng ta ít để ý đến.
Trong ánh đèn vàng, hình ảnh một cô gái trong vai ông già Noen mang chút đồ ăn ấm nóng, mang tình yêu, sự đồng cảm của mình đi chia sẻ với những kiếp người nghèo khổ trên những con phố của Hà Nội khi đã về khuya. Tôi tin rằng sự ấm áp từ trái tim cô gái trẻ này đã, đang và sẽ sưởi ấm thêm rất nhiều mảnh đời khó khăn trong cuộc sống.
Chúng ta lại đang trải qua một mùa đông nữa. Ở đâu đó vẫn còn rất nhiều em nhỏ trên mình chỉ có manh áo mỏng manh.“Chị đang làm gì đấy, sao chị vẫn chưa ngủ? ”- tin nhắn được gửi đi lúc 1h sáng của tôi. Rất nhanh sau đó chị trả lời: “Chị vừa về nhà.
Hôm nay chị đến các khu chung cư, gõ cửa từng nhà để vận động quyên góp, ủng hộ quần áo... Chỉ cần nghĩ tới các em nhỏ đang co ro chống chọi với cái lạnh của mùa đông là chị lại có thêm sức mạnh để tiếp tục. Hôm nay chị có cơ hội được tiếp xúc và giao lưu với nhiều người. Chị tìm thấy niềm vui từ công việc mình làm, chị nhận ra đâu phải mình chỉ đi thu gom vật chất mà còn đang đi thu gom cả những tiếng cười, những niềm vui và tình thương để sẻ chia cho bao người. Chị tìm thấy ý nghĩa của từ “sống” em à!
Tôi bất chợt nhớ đến câu hát của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn:“Sống trong đời sống cần có một tấm lòng. Để làm gì? Em biết không? Để gió cuốn đi...”
Đúng vậy, chị đã đem tấm lòng mình đến với nhiều vùng đất khác nhau của Tổ quốc như Hà Giang, Lào Cai, Lạng Sơn. Trên mỗi con đường mà chị đi qua, những dấu chân lấm bụi nhưng chị vẫn bước, cứ miệt mài tiến về phía trước, bỏ mặc tất cả những khó khăn.
Mỗi lần gặp tôi, chị lại kêu ca: “Mày ăn uống kiểu gì mà gầy thế hả?” Tôi lại chanh chua đùa lại: “Chị cũng vậy mà, chả chịu chăm sóc cho bản thân gì cả, cứ xấu xí như này thì bao giờ mới có người yêu!”… Bên cạnh Hội sinh viên tình nguyện lưu động miền bắc tại Hà Nội, chị còn tham gia Hội thanh niên vận động hiến máu thành phố Hà Nội. Mà nào chỉ có nguyên vận động, mỗi dịp như vậy chị lại dành tặng máu của mình cho những người đang cần nó.
Nhìn tấm lưng gầy của chị tôi thương biết bao nhưng ở chị ko chỉ có trái tim giàu lòng trắc ẩn mà còn có nụ cười đầy sức sống. Có lẽ đây cũng là cách chị truyền niềm tin cho mọi người. Có một sức sống mãnh liệt, chị giống như một bông hoa dại vẫn mọc lên và nở những chùm hoa thật đẹp giữa một vùng sỏi đá khô cằn.
Một cô gái nghèo, thấu hiểu cái nghèo để từ đó đem tấm lòng mình san sẻ cùng những mảnh đời bất hạnh. Một cô gái đầy nghị lực, dám theo đuổi ước mơ và sẵn sàng thực hiện nó. Một cô gái có tấm lòng nhân hậu, có trái tim giàu tình thương và nụ cười thật ấm áp ! Cô gái đó nhất định sẽ hạnh phúc.
(Câu chuyện dự thi “Sinh viên Việt Nam- Những câu chuyện đẹp” của bạn Hà Phương Linh, Học viện Ngân hàng)
Đông Sơn (ghi)
Tin liên quan
Cùng chuyên mục
Đọc thêm

8 mô hình thanh niên tiêu biểu nhận giải thưởng Hồ Hảo Hớn

Tuổi trẻ Transerco sôi nổi tranh tài đá bóng hưởng ứng Tháng Thanh niên 2019

Đối thoại trực tuyến Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn với đoàn viên thanh niên

Dự thảo Báo cáo chính trị của BCH Trung ương Hội Sinh viên VN khóa IX

50 nữ sinh viên Hà Nội “đọ” tài sắc

“Gia tài khủng” của nữ đoàn viên ưu tú tuổi đôi mươi

Nữ sinh 9X xinh đẹp, tài năng, khiến nhiều chàng trai “phải lòng”
Huyền My đẹp lạ làm cố vấn chuyên môn cuộc thi Hoa khôi sinh viên Việt Nam
