Vụ nữ sinh 14 tuổi bị xâm hại có phần trách nhiệm của gia đình và xã hội
Hà Tĩnh: Cần xử lý nghiêm vụ việc nữ sinh 16 tuổi bị xâm hại Phối hợp bảo vệ phụ nữ và trẻ em tránh bị xâm hại, bạo lực |
Tiến sỹ, luật sư Đặng Văn Cường, Ủy viên Ban chấp hành Hội bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam |
Mới đây, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh này đã ra các quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam Đào X.N.A (SN 2008, trú tại thị trấn Thọ Xuân); Lê V.V (SN 2008; trú tại xã Bắc Lương) và Hồ T.P (SN 2007; trú xã Xuân Hòa, cùng huyện Thọ Xuân) để điều tra, làm rõ tội "Hiếp dâm người dưới 16 tuổi". Các quyết định tố tụng đã được Viện Kiểm sát Nhân dân cùng cấp phê chuẩn.
Theo cơ quan Công an, trước đó vào tối ngày 26/1/2023, 3 thiếu niên trên đã rủ nữ sinh H (SN 2009; trú tại huyện Thọ Xuân) tới nhà Hồ Tuấn P chơi, tổ chức ăn uống. Sau đó, 3 thiếu niên đã bàn nhau chuốc rượu cho em H say rồi đưa đến nhà văn hóa thôn Kim Ốc thay nhau giở trò đồi bại và quay clip.
Trao đổi với PV báo Tuổi trẻ Thủ đô về vụ việc trên, Tiến sỹ, luật sư Đặng Văn Cường, Ủy viên BCH Hội bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam nêu quan điểm: Vụ án 3 thiếu niên xâm hại bé gái 14 tuổi ở Thọ Xuân, Thanh Hoá là một vụ án hình sự đau lòng bởi cả đối tượng gây án và nạn nhân đều là trẻ em, đang trong độ tuổi "ăn chưa no, lo chưa tới".
Theo luật sư Đặng Văn Cường, pháp luật Việt Nam ghi nhận bảo đảm và bảo vệ danh dự nhân phẩm, quyền tự do thân thể của mọi công dân… Nghiêm cấm hành vi quan hệ tình dục với người chưa đủ 16 tuổi. Hành vi lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được của nạn nhân để thực hiện hành vi quan hệ tình dục là hành vi hiếp dâm. Người thực hiện hành vi hiếp dâm sẽ bị xử lý theo quy định tại Điều 142 Bộ Luật hình sự: Tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi với khung hình phạt tù từ 7 đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.
Trong vụ án trên, bé gái 14 tuổi được dẫn đi uống rượu là tình huống nhạy cảm, thiếu sự quan tâm giám sát của cha mẹ. Có lẽ vì các cháu còn quá nhỏ tuổi, chưa nhận thức được hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thiếu sự quan tâm giám sát của người lớn nên đã nảy sinh ý định quan hệ tình dục đối với nạn nhân.
“Hành vi lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được của nạn nhân để thực hiện quan hệ tình dục trái ý muốn. Nhiều người hiếp dâm một người là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự. Điều đáng chú ý là các đối tượng gây án còn ghi hình sự việc lại có nguy cơ ảnh hưởng lâu dài đến đời sống, tâm lý, sức khỏe của nạn nhân. Bởi vậy ba đối tượng trong vụ án này sẽ phải chịu mức hình phạt nghiêm khắc.
Tuy nhiên pháp luật hình sự Việt Nam không áp dụng hình phạt tù chung thân, tử hình đối với người chưa đủ 18 tuổi phạm tội… Bởi vậy, hai đối tượng 15 tuổi sẽ phải đối mặt với hình phạt có thể tới 12 năm tù còn với đối tượng đã đủ 16 tuổi tại thời điểm thực hiện hành vi phạm tội thì hình phạt có thể tới 18 năm tù theo quy định của pháp luật về người chưa thành niên phạm tội”, luật sư Cường cho biết.
Cũng theo vị Tiến sỹ luật học, đây là một vụ án hình sự đau lòng khi cả người phạm tội và nạn nhân đều là trẻ em, những người chưa đủ 16 tuổi. Với những vụ án như thế này thì có phần trách nhiệm của gia đình, nhà trường và xã hội khi chưa thực sự quan tâm, bảo vệ trẻ em; Để trẻ em rơi vào những tình huống nguy hiểm dẫn đến thực hiện hành vi phạm tội, bị xâm hại tình dục.
Để giảm thiểu những vụ án đau lòng như trên thì các bậc làm cha, làm mẹ cần dành nhiều thời gian để quan tâm, chăm sóc, bảo vệ, giáo dục trẻ em, đặc biệt là các em ở độ tuổi dậy thì.
Việc giáo dục con cái đòi hỏi các bậc phụ huynh phải có những hiểu biết pháp luật nhất định, cần giáo dục kỹ năng sống cho các con phù hợp với từng mức độ lứa tuổi. Đồng thời nghiêm cấm trẻ em sử dụng rượu, bia, chất kích thích để kiểm soát hành vi và cảm xúc tốt hơn.
Với trẻ em ở độ tuổi mới lớn thì rất bồng bột, nông nổi, dễ bị kích động, khó kiềm chế, kiểm soát cảm xúc, dễ bị lôi kéo. Bởi vậy việc để trẻ em sử dụng các chất kích thích là rất nguy hiểm, thêm vào đó là thiếu sự quản lý của cha mẹ nên các em rất dễ trở thành nạn nhân hoặc thành tội phạm chỉ vì một phút bồng bột.
Ngoài trách nhiệm của gia đình thì nhà trường cũng cần đổi mới phương thức giáo dục để việc giáo dục đạo đức, kỹ năng sống, giáo dục pháp luật đạt hiệu quả hơn; Kịp thời phát hiện các mối quan hệ tình cảm thiếu lành mạnh, yêu sớm, quan hệ tình dục trước hôn nhân để có những cảnh báo, ngăn chặn kịp thời, đảm bảo an toàn đến tính mạng, sức khỏe, danh dự nhân phẩm, an toàn về tình dục cho các em.
“Các cơ quan chức năng cũng cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật để nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của công dân. Đặc biệt là các gia đình có con ở độ tuổi dậy thì, kể cả con trai hay con gái thì đều cần phải kiểm soát chặt chẽ hơn; Cần giáo dục các con về giới tính, về tình dục an toàn và về tội phạm xâm hại tình dục để các con nhận thức được cái đúng, cái sai để không trở thành nạn nhân cũng như trở thành đối tượng xâm hại tình dục đối với người khác”, luật sư Đặng Văn Cường kiến nghị.