Vụ sai phạm trong bán đấu giá dự án KDC Hòa Lân: Cần đảm bảo thượng tôn pháp luật, không tạo tiền lệ xấu
Cần hủy kết quả và bán đấu giá lại dự án KDC Hòa Lân vì Văn phòng Công chứng Thành phố Mới (Bình Dương) công chứng hợp đồng mua bán tài sản bán đấu giá trái luật
Bài liên quan
Vụ sai phạm trong bán đấu giá dự án KDC Hòa Lân: Không thỏa hiệp để hợp thức hóa cho sai phạm
Thủ tướng yêu cầu báo cáo kết quả thanh tra việc bán đấu giá tài sản thế chấp
Cần làm rõ dấu hiệu sai phạm của Công ty Dịch vụ đấu giá Nam Sài Gòn
Bình Dương: Khuất tất vụ đấu giá ngàn tỷ tại dự án KDC Hoà Lân
Có đủ căn cứ để hủy kết quả đấu giá?
Như Báo Tuổi trẻ Thủ đô đã phản ánh, vụ sai phạm trong bán đấu giá dự án KDC Hòa Lân (phường Thuận Giao, thị xã Thuận An, Bình Dương) đã được Thanh tra Bộ Tư pháp chỉ ra tại Kết luận thanh tra số 62/KL-TTR ngày 24/12/2018. Vụ việc sau đó được các báo liên tục “mổ xẻ”, phản ánh. Chính vì vậy, nó đã nhanh chóng thu hút được nhiều độc giả, dư luận quan tâm, đặc biệt là sự vào cuộc của các cơ quan chức năng tỉnh Bình Dương và cả Thủ tướng Chính phủ cũng chỉ đạo làm rõ. Hiện tại, vụ việc vẫn đang chờ kết quả điều tra từ các cơ quan chức năng.
Còn mới đây, thông tin từ Agribank Chợ Lớn cho biết, ngày 15/3/2019, Công ty Kim Oanh đã thanh toán đủ số tiền mua tài sản đấu giá là 1.353 tỷ đồng. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia pháp lý cho rằng, việc nộp đủ tiền của Công ty Kim Oanh lúc này cũng chỉ là động thái khắc phục một phần hậu quả, còn về bản chất từ đầu nó vẫn là sai phạm.
Thạc sĩ - Luật sư Phan Mạnh Thăng, Đoàn Luật sư TP HCM nhận định: Căn cứ theo Kết luận số 62/KL-TTR ngày 24/12/2018 của Thanh tra Bộ Tư pháp đã chỉ ra, trong vụ việc này có rất nhiều đơn vị đã vi phạm nguyên tắc và quy định về bán đấu giá tài sản. Trong đó, vi phạm cả về Luật dân sự, Luật kinh doanh Bất động sản và vi phạm Nghị định của Chính phủ về bán đấu giá tài sản.
Theo Luật sư Phan Mạnh Thăng, dựa theo hồ sơ vụ việc có thể thấy, việc bán đấu giá dự án nói trên đã vi phạm vào điểm c, khoản 1, Điều 117 của Luật dân sự 2015, quy định về điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự; Vi phạm Điều 122 của Luật dân sự, quy định về “giao dịch dân sự vô hiệu”; Vi phạm Điều 12, mục 5, Nghị định số 76/2015, ngày 10/9/2015 quy định về trình tự, thủ tục chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án bất động sản; Vi phạm Điều 48 của Luật kinh doanh bất động sản và đặc biệt, vi phạm Nghị định số 17/2010/NĐ-CP ngày 04/3/2010 của Chính phủ mà Thanh tra Bộ Tư pháp đã chỉ ra ở Kết luận số 62/KL-TTR ngày 24/12/2018.
Phần đất dự án KDC Hòa Lân bị bán đấu giá có nhiều khuất tất và vi phạm pháp luật |
Còn theo một chuyên gia luật phân tích, theo Kết luận Thanh tra và hồ sơ đã thể hiện, quá trình tổ chức bán đấu giá dự án KDC Hòa Lân có nhiều dấu hiệu vi phạm và khuất tất. Cụ thể, tại thông báo bán đấu giá lần 3, ngày 16/10/2015 có Công ty Hoà Bình Xanh tham gia đấu giá, nhưng không hiểu lý do gì Công ty đấu giá Nam Sài Gòn lại có công văn thông báo cho phía ngân hàng biết không có khách hàng nào tham gia.
Tương tự, tại thông báo bán đấu giá lần 6 ngày 10/5/2016, Công ty TNHH MTV Hoà An Lộc nộp đơn đăng ký mua tài sản bán đấu giá, nhưng ngày 23/5/2016, Công ty đấu giá Nam Sài Gòn cũng lại thông báo cho ngân hàng là không có khách hàng tham gia.
Tiếp đó, ngày 31/5/2016, tại thông báo bán đấu giá lần 7, có 2 công ty đăng ký tham gia đấu giá là Công ty TNHH MTV Hoà An Lộc và Công ty Hoà Bình Xanh, nhưng Công ty đấu giá Nam Sài Gòn tiếp tục thông báo cho ngân hàng biết không có khách hàng tham gia đấu giá… Tất cả việc trên chứng minh có dấu hiệu không trung thực ở đây.
Trải qua 11 phiên, giá trị tài sản đấu giá cũng lần lượt được điều chỉnh giảm xuống, từ 1.467,7 tỷ đồng chỉ còn 963 tỷ đồng (giảm đến 504,7 tỷ đồng).
Đến phiên đấu giá lần thứ 12 ngày 25/5/2017 thì có đơn vị trúng đấu giá là Công ty A Đông Hải (nay đổi tên thành Công ty Kim Oanh) với giá trúng đấu giá là 1.353 tỷ đồng (thấp hơn giá khởi điểm lần 2 hơn 85 tỷ đồng và lần 3 là hơn 13 tỷ đồng).
Vị chuyên gia luật phân tích thêm: Từ khi bán đấu giá đến nay, Công ty Kim Oanh đã 4 lần vi phạm cam kết về thời hạn thanh toán được ký kết trong các văn bản với Agribank Chợ Lớn.
Trong khi đó, Agribank Chợ Lớn lại không có biện pháp kiên quyết xử lý đối với Công ty Kim Oanh khi để công ty này trì hoãn thời gian trả nợ, vi phạm Quy chế đấu giá, Thông báo đấu giá và quy định ban đầu do chính ngân hàng đưa ra tại Công văn số 196/NHNoCL-TD ngày 28/4/2017. Sự việc này đã gây thất thoát tài sản của Nhà nước và làm thiệt hại lớn cho Công ty Thiên Phú – đơn vị bị thu hồi nợ, đồng thời ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của Công ty CP Phát triển Nhà Thủ Đức (Thuduc House).
Trong khi Agribank Chợ Lớn thiếu kiên quyết, bỏ qua nguyên tắc thì Công ty đấu giá Nam Sài Gòn lại không kiểm tra thông tin do ngân hàng cung cấp. Vì thế, khi ban hành Quy chế bán đấu giá và Thông báo bán đấu giá tài sản đã có nội dung khác nhau về thời hạn thanh toán và phương thức thanh toán tiền mua tài sản, nhưng vẫn tổ chức bán đấu giá. Điều này vi phạm Nghị định 17/2010/NĐ-CP của Chính phủ.
Đối với Agribank Chợ Lớn là đơn vị ký kết với Công ty đấu giá Nam Sài Gòn để tổ chức bán đấu giá đất dự án KDC Hòa Lân nhưng không tiến hành đo vẽ chính xác diện tích đất, nên sau khi đấu giá thành mới đo đạc lại đã thiếu 8.500 m2 so với diện tích đấu giá.
Đặc biệt nghiêm trọng hơn, sau khi Công ty A Đông Hải (nay là Công ty Kim Oanh) trúng đấu giá, đơn vị tổ chức bán đấu giá là Công ty đấu giá Nam Sài Gòn đã ký hợp đồng mua bán số 01–10/2017/HĐMBTSBĐS ngày 01/7/2017, trong khi Công ty Kim Oanh chưa thực hiện xong việc xin chuyển đổi chủ đầu tư để được trực tiếp đầu tư dự án theo quy định của pháp luật.
Về vấn đề này, Luật sư Phan Mạnh Thăng cho rằng, từ việc ký hợp đồng trên, Công ty Kim Oanh đã đem hợp đồng đi công chứng là sai luật, gây khó khăn trong việc xử lý khắc phục hậu quả do các sai phạm gây ra.
Văn phòng Công ty đấu giá Nam Sài Gòn trước đây, còn 2 năm qua, công ty này dời đi đâu, làm gì thì các cơ quan chức năng đang xác minh |
Không chỉ vậy, đáng chú ý nữa theo các chuyên gia, trong tổng diện tích dự án KDC Hòa Lân được bán đấu giá (490.765,1m²), có tới 246.853,1m² thuộc đất được Nhà nước giao không thu tiền sử dụng đất. Đối với phần diện tích này, theo quy định sẽ không được giao dịch với bất cứ hình thức nào, chỉ có thể được chuyển đổi nếu cơ quan chức năng có thẩm quyền tỉnh Bình Dương đồng ý cho chuyển đổi chủ đầu tư dự án. Thế nhưng, không hiểu vì lý do gì, phần đất này vẫn được giao cho công ty đấu giá mang ra bán.
Cần thượng tôn pháp luật, không tạo tiền lệ xấu
Từ những căn cứ nêu trên, nhiều chuyên gia pháp lý sau khi phân tích hồ sơ đều có chung nhận định, cơ quan chức năng nên xem xét hủy bỏ kết quả đấu giá ngày 25/5/2017 và tổ chức bán đấu giá lại theo đúng quy định của pháp luật, để giảm thiểu tối đa thất thoát tài sản của Nhà nước, cũng như tránh những thiệt hại đáng tiếc cho doanh nghiệp kinh doanh chân chính.
Đồng quan điểm trên, theo Luật gia Nguyễn Hiếu, nếu tổ chức bán đấu giá lại theo quy định, giá trị của dự án sẽ được nâng cao, Nhà nước và doanh nghiệp đều có lợi. Đó là việc cần làm ngay, góp phần làm trong sạch và thúc đẩy sự phát triển của thị trường bất động sản lúc này. “Không chỉ vậy, cần nhìn thẳng sự thật là việc Công ty Kim Oanh thanh toán đủ số tiền mua tài sản đấu giá lúc này chỉ là động thái hợp thức hóa cho sai phạm, khắc phục một phần hậu quả mà thôi. Bản chất sai phạm từ đầu thì vẫn là sai phạm. Do đó, cần hủy kết quả và tổ chức bán đấu giá lại để nêu cao tinh thần thượng tôn pháp luật, tránh “thỏa hiệp”, hợp thức hóa cho sai phạm, tạo tiền lệ xấu”, Luật gia Nguyễn Hiếu nêu quan điểm.