Vụ xe cảnh sát giao thông va chạm khiến nữ sinh tử vong được giải quyết thế nào?
Liên quan vụ tai nạn hi hữu, nghiêm trọng trên quốc lộ 38B đoạn qua địa bàn xã Đoàn Thượng, huyện Gia Lộc khiến em nữ sinh tử vong, tối 25/6, Công an tỉnh Hải Dương đã chính thức thông tin vụ xe cảnh sát giao thông va chạm với xe máy điện.
Thông tin ban đầu, vụ tai nạn xảy ra vào hồi 15h27 ngày 25/6, tại Km6+200 quốc lộ 38B thuộc địa phận thôn Nghè, xã Đoàn Thượng, huyện Gia Lộc làm 1 người tử vong.
Chiếc xe ô tô của Cảnh sát giao thông bị hư hỏng sau khi xảy ra vụ va chạm mạnh |
Thời điểm trên, xe ô tô BKS 34A-003.97 do Vũ Thành C, sinh năm 1977, trú tại Hoàng Quốc Việt, TP Hải Dương điều khiển hướng huyện Gia Lộc đi huyện Thanh Miện đã va chạm với xe máy điện (không có BKS) do cháu Đ.T.N.L, (sinh năm 2007, trú tại thôn Đĩnh Đào, xã Đoàn Thượng, huyện Gia Lộc) điều khiển hướng ngược chiều chuyển hướng sang đường vào thôn Đươi, xã Đoàn Thượng, huyện Gia Lộc. Vụ tai nạn khiến cháu L tử vong trên đường đi cấp cứu, các phương tiện bị hư hỏng.
Lực lượng chức năng khám nghiệm hiện trường, điều tra, làm rõ nguyên nhân vụ tai nạn |
Lực lượng chức năng tiến hành kiểm tra nồng độ cồn đối với lái xe Vũ Thành C xác định không có nồng độ cồn trong cơ thể. Hiện, Cơ quan CSĐT Công an huyện Gia Lộc đang tiếp tục phối hợp với VKSND cùng cấp và các đơn vị liên quan giải quyết theo quy định của pháp luật.
Theo tìm hiểu của PV, xe ô tô biển xanh BKS 34A-003.97 thuộc Đội CSGT số 2 - Phòng CSGT (Công an tỉnh Hải Dương) đang trong quá trình tuần tra kiểm soát thì xảy ra vụ tai nạn trên.
Một lãnh đạo Phòng CSGT cho biết, ngay sau khi sự việc xảy ra phía đơn vị CSGT đã tích cực hỗ trợ gia đình lo hậu sự cho nữ sinh, còn cán bộ sai đến đâu xử lý đến đó.
Luật sư Đặng Văn Cường trao đổi về việc giải quyết vụ tai nạn hi hữu |
Trao đổi với PV báo Tuổi trẻ Thủ đô về những băn khoăn của bạn đọc trong việc giải quyết vụ tai nạn hi hữu này như thế nào? Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp, (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết: Đây là vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng và khá hi hữu khi một bên phương tiện là xe của cảnh sát giao thông. Cơ quan chức năng sẽ làm rõ nguyên nhân sự việc, xác định có yếu tố lỗi liên quan đến vụ tai nạn giao thông hay không để giải quyết vụ việc theo quy định của pháp luật.
Trường hợp cơ quan chức năng xác định hành vi của người lái xe ô tô là có lỗi, vi phạm quy định về giao thông đường bộ gây hậu quả chết người thì người lái xe sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự. Nếu lỗi hoàn toàn thuộc về nạn nhân mà nạn nhân đã tử vong thì sẽ không khởi tố vụ án hình sự, người lái xe ô tô cũng không phải bồi thường thiệt hại nhưng trong tình huống đó cần phải có hỗ trợ cho gia đình nạn nhân về mặt tình cảm, đạo đức xã hội.
“Vấn đề người lái xe ô tô trong trường hợp này có lỗi hay không thì cơ quan chức năng sẽ làm rõ mục đích tham gia giao thông, có thuộc trường hợp ưu tiên hay không, tốc độ lúc va chạm là bao nhiêu, khả năng quan sát của tài xế như thế nào...”, luật sư Cường nói.
Cũng theo luật sư Đặng Văn Cường, về nguyên tắc, khi tham gia giao thông, mọi người đều phải tuân thủ quy định của Luật giao thông đường bộ để đảm bảo an toàn cho bản thân và các phương tiện giao thông khác. Với các phương tiện giao thông là xe ưu tiên thì sẽ được quyền ưu tiên trong những trường hợp mà luật có quy định (trường hợp xe cảnh sát dẫn đường hoặc trường hợp xe cảnh sát đang thực hiện nhiệm vụ khẩn cấp, có còi đèn...). Còn trường hợp xe cảnh sát giao thông đang đi tuần tra kiểm soát thực hiện nhiệm vụ thông thường thì vẫn phải tuân thủ quy định pháp luật về làn đường, về tốc độ và người lái xe phải chú ý quan sát.
Theo thông tin ban đầu thì cháu học sinh đi ở phía đường ngược chiều và có thể đang sang đường. Cơ quan chức năng sẽ làm rõ thời điểm cháu bé chuyển hướng là thời điểm nào, khi đó khoảng cách giữa hai xe là bao nhiêu, người lái xe trong tình huống đó có kịp quan sát và xử lý tình huống hay không? Đồng thời sẽ làm rõ tốc độ của xe ô tô xem có tuân thủ quy định về tốc độ đối với đoạn đường đó không?
Trường hợp kết quả xác minh cho thấy người lái xe ô tô đi đúng tốc độ, đúng phần đường, nạn nhân đột ngột chuyển hướng vào đầu xe khiến vụ tai nạn xảy ra thì người lái xe ô tô sẽ không có lỗi, vụ việc được xác định là “sự kiện bất ngờ” và lỗi hoàn toàn thuộc về nạn nhân.
Nếu kết quả xác minh cho thấy người lái xe ô tô chạy quá tốc độ, thiếu chú ý quan sát, nạn nhân sang đường từ xa, có thể quan sát được nhưng không giảm tốc độ dẫn đến tai nạn thì người lái xe ô tô có lỗi, khi đó người lái xe ô tô này sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ theo Điều 260 Bộ luật hình sự năm 2015.
“Về nguyên tắc, mọi người đều bình đẳng trước pháp luật, mọi hành vi có lỗi, gây thiệt hại đến tài sản, tính mạng của người khác thì phải chịu trách nhiệm pháp lý. Vì vậy cơ quan chức năng cần làm rõ một cách khách quan, công bằng, đúng pháp luật để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các bên, tránh những vụ việc tương tự có thể xảy ra”, luật sư Đặng Văn Cường kiến nghị.