Xây dựng môi trường không khói thuốc tại các địa điểm công cộng trong nhà
Xây dựng môi trường không khói thuốc lá tại nhà hàng, quán cà phê
Việt Nam có hơn 15 triệu người trưởng thành hút thuốc, số người không hút thuốc là 75 triệu người, gấp 5 lần số người hút thuốc. Những người không hút thuốc sẽ không muốn đến những địa điểm công cộng ô nhiễm khói thuốc lá.
Điều 11, Luật PCTHTL quy định về các địa điểm cấm hút thuốc lá hoàn toàn trong nhà và trong phạm vi khuôn viên bao gồm: Cơ sở y tế; Cơ sở giáo dục; Cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng, vui chơi, giải trí dành riêng cho trẻ em; Cơ sở hoặc khu vực có nguy cơ cháy, nổ cao. Địa điểm cấm hút thuốc lá hoàn toàn trong nhà bao gồm: Nơi làm việc; Trường cao đẳng, đại học, học viện; Địa điểm công cộng, trừ các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này và khoản 1 Điều 12 của Luật này; Trên phương tiện giao thông công cộng. Điều 12, Luật PCTHTL quy định về các địa điểm cấm hút thuốc lá trong nhà nhưng được phép có nơi dành riêng cho người hút thuốc lá, bao gồm: Khu vực cách ly của sân bay; Quán bar, karaoke, vũ trường, khách sạn và cơ sở lưu trú du lịch; Phương tiện giao thông công cộng là tàu thủy, tàu hỏa. |
Theo nghiên cứu năm 2020 của Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá (Bộ Y tế), tỷ lệ hút thuốc thụ động tại nhà hàng, khách sạn còn tương đối cao, với gần 80% khách hàng hút thuốc thụ động tại nhà hàng, 65% hút thuốc thụ động tại các khách sạn. Đa số khách hàng, kể cả những người hút thuốc đều không thấy thoải mái, dễ chịu khi ở trong một nhà hàng, quán cà phê đầy mùi khói thuốc. Vì vậy, các nhà hàng, quán cà phê không khói thuốc sẽ là những điểm đến ưu tiên đối với các khách hàng, đồng thời tạo ấn tượng tốt với khách hàng về một phong cách dịch vụ văn minh.
Những lợi ích từ việc xây dựng môi trường không khói thuốc là tại nhà hàng, quán cà phê: Giúp nhân viên nhà hàng, quán cà phê và khách hàng giảm nguy cơ mắc bệnh do tiếp xúc thụ động với khói thuốc lá, giảm các chi phí y tế trực tiếp và gián tiếp cho việc khám và chữa các bệnh liên quan đến sử dụng thuốc lá; Góp phần bảo vệ cảnh quan của nhà hàng, quán cà phê, tạo môi trường trong lành, thu hút nhiều khách hàng; Giảm nguy cơ cháy nổ trong nhà hàng, quán cà phê nếu thực hiện tốt quy định cấm hút thuốc lá; Xây dựng môi trường không khói thuốc lá tại nhà hàng, quán cà phê là biện pháp hữu hiệu để thực hiện quyền của người không hút thuốc được hít thở bầu không khí trong lành.
Hút thuốc lá nơi công cộng là vi phạm pháp luật (Ảnh minh họa) |
Tiêu chí thực hiện nhà hàng, quán cà phê không khói thuốc lá: Có nội quy hoặc biển báo cấm hút thuốc trong nhà hàng. Nội quy hoặc biển báo cần rõ ràng và được treo hoặc đặt ở những vị trí dễ quan sát; Có nhân viên thường xuyên nhắc nhở khách hàng không hút thuốc trong nhà hàng, quán cà phê; Không có các hoạt động mua, bán thuốc lá, quảng cáo, khuyến mại và tiếp thị các sản phẩm thuốc lá trong nhà hàng dưới mọi hình thức; Không có hiện tượng hút thuốc lá trong nhà hàng, quán cà phê.
Quy định xử phạt hành chính đối với hành vi hút thuốc tại những địa điểm bị cấm
Nghị định số 117/2020/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế, có hiệu lực từ ngày 15/11/2020, đã tăng mức xử phạt với hành vi hút thuốc lá tại các địa điểm bị cấm lên gấp gần 2 lần. Cụ thể, cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng đối với hành vi hút thuốc lá tại địa điểm có quy định cấm. Trường hợp hút thuốc lá trên tàu bay thực hiện theo quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng không dân dụng.
Nghị định 117 cũng quy định thẩm quyền xử phạt vi phạm quy định về địa điểm cấm hút thuốc lá thuộc nhiều cơ quan, lực lượng căn cứ theo địa bàn, lĩnh vực phụ trách như: Chủ tịch UBND các địa phương; Thanh tra các ngành: Y tế, Thông tin và Truyền thông, Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Giáo dục và Đào tạo; Công an Nhân dân; Quản lý thị trường; Bộ đội biên phòng…
Hiện nay, việc vi phạm các quy định của Luật PCTHTL tại các nhà hàng, quán cà phê còn diễn ra phổ biến. Điều đáng lo ngại là trên thị trường xuất hiện một số sản phẩm mới như thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng gây ảnh hưởng xấu đến thanh thiếu niên. Thực tế này cho thấy, công tác PCTHTL cần nhiều sự nỗ lực không chỉ của riêng ngành Y tế, mà còn cả sự chung tay của các cấp, ngành, nhất là sự chung tay của các nhà hàng, quán cà phê.
Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá, Bộ Y tế với vai trò là cơ quan đầu mối được Chính phủ giao thực hiện công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá đã nỗ lực triển khai công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá. Các hoạt động đã được triển khai rộng khắp trên toàn quốc với nhiều hình thức đa dạng, phong phú nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về tác hại của thuốc lá, nâng cao ý thức tuân thủ các quy định về địa điểm cấm hút thuốc, không hút thuốc nơi đông người, không hút gần mọi người.
Trong thời gian tới, Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá sẽ tiếp tục hỗ trợ các bộ, ngành, các tỉnh, thành phố đẩy mạnh thực hiện Luật PCTHTL, đồng thời nhân rộng các mô hình môi trường không khói thuốc, trong đó có chú trọng xây dựng khách sạn, nhà hàng không khói thuốc.
Tác hại của thuốc láThuốc lá giết chết hơn 8 triệu người trên toàn cầu mỗi năm. Trong đó, hơn 7 triệu ca tử vong là do sử dụng thuốc lá trực tiếp và khoảng 1,2 triệu ca do những người không hút thuốc tiếp xúc với khói thuốc thụ động. Tại Việt Nam, WHO ước tính mỗi năm có gần 6.000 người chết vì các bệnh liên quan đến hút thuốc lá thụ động. Khói thuốc lá chứa hơn 7.000 hóa chất, trong đó có 69 chất gây ung thư. Các hóa chất này khi vào cơ thể, tác động lên tế bào, gây viêm mạn tính, biến đổi tế bào dẫn đến loạn sản rồi ác tính hóa. Nicotine trong khói thuốc lá là chất được cơ quan kiểm soát Dược và Thực phẩm Hoa Kỳ (FDA) xếp vào nhóm các chất có tính dược lý gây nghiện tương tự như heroin và cocain. Khói thuốc với các thành phần độc tính đã được khoa học chứng minh là một trong các nguyên nhân gây ra hơn 25 căn bệnh khác nhau như: Ung thư phổi, ung thư thanh quản, ung thư khoang miệng, ung thư da, các bệnh tim mạch... (xơ vữa động mạch, bệnh mạch vành, đột quỵ, nhồi máu cơ tim...) và các bệnh về hô hấp… Sử dụng thuốc lá là một trong các nguyên nhân chính gây ra các bệnh không lây nhiễm. Khói thuốc lá có thể tồn tại ở mọi nơi. Đặc biệt không có ngưỡng an toàn khi phơi nhiễm với khói thuốc lá thụ động, gây ảnh hưởng đến cộng đồng mà nạn nhân chủ yếu đa phần là phụ nữ và trẻ em. |