Xây dựng nét đẹp văn hóa giao thông trong trường học
Ngày hội thanh niên Hà Đông với văn hóa giao thông Giúp bạn trẻ có văn hóa khi tham gia giao thông Nhiều hoạt động thiết thực trong Ngày hội Thanh niên với văn hóa giao thông |
Thống kê của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia cho thấy, tỷ lệ tai nạn giao thông (TNGT) ở trẻ em tại Việt Nam đang có chiều hướng gia tăng, đặc biệt là tại các thành phố lớn. Riêng tại Hà Nội, TNGT liên quan đến trẻ em đã gia tăng ở cả 3 tiêu chí: Số vụ, số người chết và số người bị thương. Trong đó, học sinh cấp THPT là đối tượng dễ bị tổn thương nhất, chiếm tới 90% các vụ TNGT liên quan tới trẻ em trong 3 năm gần đây.
Nhiều học sinh thiếu ý thức khi tham gia giao thông |
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến TNGT nhưng phần lớn là do ý thức và sự hiểu biết của học sinh về ATGT chưa cao. Bởi vậy, vấn đề xây dựng văn hóa giao thông trong học sinh nói chung, học sinh thành phố Hà Nội nói riêng đang trở thành cấp bách, cần sự vào cuộc của nhà trường, gia đình và xã hội.
Văn hóa giao thông là cụm từ không hề xa lạ ở Việt Nam. Cụm từ này thường xuyên xuất hiện trong các bài báo, các buổi phát động phong trào về ATGT, thậm chí trong những câu chuyện hằng ngày. Tuy nhiên, trên thực tế chưa có nhiều học sinh, sinh viên hiểu cặn kẽ và đầy đủ về khái niệm này.
Bạn Diệp Thùy Trang, sinh viên năm thứ nhất, Đại học Thăng Long bày tỏ: “Văn hóa giao thông là những ứng xử, quy tắc, chuẩn mực khi chúng ta tham gia giao thông”.
Theo Ủy ban ATGT quốc gia, văn hóa giao thông là một bộ phận của văn hóa công cộng, được biểu hiện bằng hành vi, xử sự đúng pháp luật, theo các chuẩn mực của xã hội về lẽ phải, cái đẹp, cái thiện của người tham gia giao thông.
Trong văn hóa giao thông có 3 tiêu chí. Một là nhận thức đầy đủ và tự giác chấp hành đúng các quy định của pháp luật về đảm bảo trật tự ATGT. Hai là có trách nhiệm với bản thân và cộng đồng, tôn trọng, nhường nhịn và giúp đỡ người khác. Thứ ba, có thái độ ứng xử văn minh, lịch sự khi xảy ra va chạm giao thông và tinh thần thượng tôn pháp luật.
Đối chiếu với các tiêu chí trên có thể thấy, văn hóa giao thông của học sinh hiện nay vẫn chưa được hình thành hoàn chỉnh. Trên đường phố vẫn tồn tại những hành vi ngược với văn hóa giao thông: Đi xe máy phóng nhanh, vượt ẩu, lạng lách, không đội mũ bảo hiểm, dàn hàng hai, hàng ba trên đường…
Khi văn hóa giao thông chưa được khắc sâu trong tiềm thức của các học sinh thì sẽ có nhiều hệ lụy mà bản thân các em và xã hội phải đối mặt. Tham gia giao thông thiếu văn hóa đi đôi với nguy cơ mất ATGT. Nhìn rộng hơn, văn hóa giao thông còn là thước đo văn hiến của một dân tộc và khi những công dân tương lai của đất nước tham gia giao thông thiếu văn hóa thì tương lai của đất nước, dù có phát triển tốt về kinh tế thì cũng thiếu văn minh tối thiểu trong giao thông công cộng.
CSGT hướng dẫn học sinh trường Tiểu học Nguyễn Tri Phương (Ba Đình, Hà Nội) đội mũ bảo hiểm |
Thực tế trong nhiều năm qua, để xây dựng văn hóa giao thông cho học sinh, sinh viên, công tác tuyên truyền, giáo dục ATGT cho học sinh tại các trường học trên địa bàn thành phố Hà Nội luôn là một trong những nhiệm vụ được ngành giáo dục Hà Nội quan tâm, chú trọng thực hiện.
Ngay từ đầu năm học, Sở GD&ĐT Hà Nội đã chỉ đạo các trường học trên địa bàn tổ chức các hoạt động tuyên truyền về ATGT dưới nhiều hình thức như: Sinh hoạt ngoại khóa, tổ chức đố vui, lồng ghép giáo dục giao thông, chương trình phát thanh với chủ đề ATGT, tổ chức cho cán bộ, giáo viên, học sinh ký cam kết thực hiện ATGT...
Mới đây, ngày 9/11/2020, trường THCS Nguyễn Tri Phương (Hà Nội) đã tổ chức buổi lễ tưởng niệm các nạn nhân tử vong vì TNGT và tuyên truyền phổ biến sâu rộng ngày Pháp luật Việt Nam.
Buổi tuyên truyền giúp cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh nhà trường hiểu biết thêm về vị trí, vai trò của Hiến pháp, pháp luật. Từ đó, giáo viên, học sinh nâng cao tinh thần chủ động tìm hiểu, ý thức trách nhiệm, tinh thần thượng tôn pháp luật, tôn trọng kỷ cương, kỷ luật cũng như năng lực áp dụng pháp luật, góp phần nâng cao hiệu quả giáo dục trong trường học.
Đặc biệt, thông qua buổi lễ, học sinh sẽ nhận thức rõ về nhiệm vụ cải thiện giao thông của mỗi cá nhân, tưởng nhớ sâu sắc các nạn nhân của TNGT, vinh danh các dịch vụ cứu hộ và hỗ trợ. Nổi bật trong buổi lễ là khẩu hiệu tuyên truyền với 6 điều cơ bản nhưng ý nghĩa: “Tính mạng con người là trên hết”; “Đã uống rượu bia thì không lái xe”; “Không phóng nhanh, vượt ẩu, rẽ bất ngờ”; “Không sử dụng điện thoại khi lái xe”; “Đội mũ bảo hiểm khi đi mô tô, xe máy”; “Đi đúng phần đường, làn đường”... Ghi nhớ và lưu giữ, thầy và trò nhà trường đã dành phút tưởng niệm trang trọng đến những nạn nhân mất do TNGT. Từ giây phút thiêng liêng ấy, các học sinh nhận thức sâu sắc ý nghĩa sự kiện, chia sẻ với hoàn cảnh đau thương mất mát do TNGT gây ra.
Thực hiện chỉ đạo của UBND quận Ba Đình, từ tháng 4/2020, 100% các trường tiểu học và THCS trên địa bàn quận đã triển khai việc sắp xếp chỗ dừng, đỗ xe tạm thời cho phụ huynh trong thời gian đưa, đón học sinh trước cổng trường. Trưởng phòng GD&ĐT quận Ba Đình Lê Đức Thuận cho biết, việc sắp xếp chỗ dừng, đỗ xe tạm thời cho phụ huynh được duy trì và thực hiện nền nếp giúp việc đưa, đón học sinh nhanh, thuận tiện, an toàn hơn. Theo chị Vũ Thị Lan, phụ huynh học sinh trường THCS Giảng Võ, từ khi có vạch phân luồng, tình trạng dừng, đỗ xe lộn xộn, gây ách tắc khu vực cổng trường đã giảm hẳn.
Cuộc thi trắc nghiệm về ATGT trên internet nằm trong chuỗi chương trình truyền thông “Vì ATGT Thủ đô” diễn ra hằng năm luôn được đông đảo học sinh, sinh viên cũng như nhiều tầng lớp Nhân dân tham gia. Từ cuộc thi này, ý thức chấp hành pháp luật về trật tự, ATGT của mọi người đã có những chuyển biến tích cực. Bên cạnh đó, thái độ của học sinh, sinh viên và các đối tượng khác khi tham gia giao thông cũng từng bước được nâng cao, góp phần quan trọng vào việc giảm thiểu ùn tắc, TNGT trên địa bàn thành phố.
Ban Tổ chức cho biết, nội dung các câu hỏi ở phần thi trắc nghiệm về ATGT trên internet sẽ tập trung vào kiến thức về ATGT, kỹ năng xử lý các tình huống, các hành vi ứng xử văn hóa khi tham gia giao thông.
Bên cạnh đó, phần chuyên trang sẽ truyền tải những thông điệp về xây dựng văn hóa giao thông trong học sinh, sinh viên nói riêng, Nhân dân Thủ đô và cả nước nói chung. Phần nội dung đa dạng với các bài viết, clip, phim ngắn nêu gương tốt trong việc giữ gìn trật tự ATGT và phản ánh những thói hư, tật xấu của một bộ phận người thiếu ý thức khi tham gia giao thông; Các quy định của pháp luật về trật tự ATGT của TP Hà Nội và nhiều nội dung khác... từ đó tạo sức lan tỏa xây dựng văn hóa giao thông tại Thủ đô và cả nước.