Xây dựng Nông thôn mới - hành trình không có điểm dừng
Phấn đấu đưa Chương trình số 04-CTr/TU về đích trước một năm
Theo Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội khóa XVII về "Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành Nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021 - 2025" đặt mục tiêu đến năm 2025, thành phố hoàn thành nhiệm vụ xây dựng Nông thôn mới.
Thông tin về kết quả thực hiện Chương trình 04-CTr/TU đến quý II/2024, kế hoạch, nhiệm vụ và giải pháp thực hiện 6 tháng cuối năm 2024, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Đại, cho biết: Đến nay, thành phố có thêm 75 xã được công nhận đạt chuẩn Nông thôn mới nâng cao và 48 xã được công nhận đạt chuẩn Nông thôn mới kiểu mẫu, đưa tổng số xã đạt chuẩn Nông thôn mới nâng cao đến nay là 186 xã và 68 xã đạt chuẩn Nông thôn mới kiểu mẫu...
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Đại phát biểu tại hội nghị giao ban đánh giá kết quả quý II, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2024 |
Trong tháng 6/2024, thành phố đã thẩm định thêm 2 xã đủ điều kiện đạt tiêu chuẩn Nông thôn mới nâng cao và 8 xã đủ điều kiện đạt chuẩn Nông thôn mới kiểu mẫu. Tổng kinh phí huy động thực hiện Chương trình xây dựng Nông thôn mới 6 tháng đầu năm 2024 là 19.410,7 tỷ đồng.
Trong đó, ngân sách thành phố là 7.045,8 tỷ đồng, chiếm 36,3%; ngân sách huyện 11.613,4 tỷ đồng, chiếm 59,8%; ngân sách xã 360,6 tỷ đồng, chiếm 1,9%; vốn huy động ngoài ngân sách nhà nước là 390,9 tỷ đồng, chiếm 2%.
Từ năm 2021 đến nay, có 10 quận thuộc thành phố đã hỗ trợ các huyện xây dựng Nông thôn mới với tổng kinh phí là 867 tỷ đồng. Trong đó, riêng 6 tháng qua, quận Bắc Từ Liêm hỗ trợ huyện Phú Xuyên 30,7 tỷ đồng; quận Hai Bà Trưng hỗ trợ huyện Phú Xuyên 5,5 tỷ đồng.
Tính đến tháng 6/2024, toàn thành phố giải quyết việc làm cho 100.335/165.000 lao động, đạt 60,8% kế hoạch năm; ước 6 tháng đầu năm, tạo việc làm mới cho 120.000 lao động, đạt 73% kế hoạch năm, tương đương cùng kỳ năm 2023.
Đến tháng 6/2024, thành phố còn 676 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 0,03% (7/18 huyện, thị xã không có hộ nghèo: thị xã Sơn Tây, các huyện: Mê Linh, Đông Anh, Gia Lâm, Hoài Đức, Đan Phượng, Thanh Trì).
Xã Song Phượng (huyện Đan Phượng, Hà Nội) được lựa chọn để xây dựng điểm Nông thôn mới |
Trong kế hoạch những tháng cuối năm, thành phố phấn đấu, tháng 7/2024, có 4 huyện: Gia Lâm, Thanh Trì, Hoài Đức, Đông Anh được công nhận đạt chuẩn Nông thôn mới nâng cao năm 2023; phấn đấu cuối năm 2024 có thêm 3 huyện: Đan Phượng, Thanh Oai, Thường Tín được công nhận đạt chuẩn Nông thôn mới nâng cao năm 2024; thành phố có thêm ít nhất 40 xã đạt chuẩn Nông thôn mới nâng cao; 35 xã đạt chuẩn Nông thôn mới kiểu mẫu.
Phấn đấu hoàn thành các mục tiêu đề ra
Tại hội nghị giao ban đánh giá kết quả quý II, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2024, đánh giá công tác xây dựng Nông thôn mới trên địa bàn thành thành phố Hà Nội trong nửa đầu năm 2024, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến, Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình số 04-CTr/TU cho biết: Với tinh thần chủ động, trách nhiệm cao, Ban Chỉ đạo Chương trình 04 của Thành ủy và UBND thành phố tiếp tục chỉ đạo quyết liệt các ban, sở, ngành thành phố, Ban Chỉ đạo các huyện, thị xã xây dựng và triển khai kế hoạch, giải pháp linh hoạt, phù hợp tập trung tổ chức triển khai thực hiện Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy.
Từ phong trào xây dựng Nông thôn mới, hạ tầng nông thôn Thủ đô ngày một khang trang |
Theo Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, để thành phố về đích hoàn thành xây dựng Nông thôn mới, Hà Nội cần có 20% số huyện đạt chuẩn Nông thôn mới nâng cao. Để đạt được mục tiêu này, thành phố cần có ít nhất 4 huyện đạt Nông thôn mới nâng cao.
Ngoài ra còn có 7 chỉ tiêu khác cần phải thực hiện. Trong đó, có việc phải phấn đấu đưa thu nhập của người nông dân đạt 75 triệu đồng/người/năm, đây là mục tiêu rất cao (năm 2023 mới 66 triệu đồng, tăng 9 triệu đồng/năm là rất cao).
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy yêu cầu các huyện chưa hoàn thiện hồ sơ liên quan quan đến xây dựng Nông thôn mới phải khẩn trương hoàn thành theo đúng quy định của Trung ương và thành phố. Phấn đấu năm 2024, thành phố sẽ hoàn thành 7 xã đạt chuẩn Nông thôn mới nâng cao, qua đó giúp thành phố cán đích hoàn thành Nông thôn mới, cũng là hoàn thành một chỉ tiêu quan trọng đã nêu tạị Nghị quyết Đại hội XVII Đảng bộ thành phố.
Đánh giá cao hoạt động sản xuất và chăn nuôi những tháng đầu năm, song Trưởng ban chỉ đạo Chương trình số 04-CTr/TU cũng lưu ý, với số lượng tổng đàn lợn của thành phố hiện rất lớn. Nếu không làm tốt công tác phòng dịch và cảnh báo sớm cho các hộ chăn nuôi, khi dịch xảy ra sẽ ảnh hưởng rất lớn nguồn đến nguồn cung phục vụ nhân dân dịp cuối năm.
Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến, Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình số 04-CTr/TU phát biểu tại hội nghị giao ban đánh giá kết quả quý II, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2024 |
Đề nghị các cấp, ngành quan tâm, hỗ trợ các hợp tác xã phát triển xứng tầm với tiềm năng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy yêu cầu các địa phương quan tâm xử lý các vấn đề môi trường, tổ chức điểm trưng bày sản phẩm OCOP tại trung tâm văn hóa các quận, huyện nhằm tăng cường quảng bá, giới thiệu các sản phẩm OCOP của địa phương.
Nhấn mạnh hai mục tiêu quan trọng là cung cấp nước sạch cho người dân khu vực nông thôn và xóa hộ nghèo trên địa bàn thành phố, Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình số 04-CTr/TU đề nghị các cấp, ngành thành phố quan tâm, hỗ trợ, phấn đấu hoàn thành việc xây dựng xong 690 nhà cho các hộ nghèo nhân dịp 70 năm Giải phóng Thủ đô từ nguồn ngân sách thành phố. Phấn đấu đến cuối năm 2025, thành phố cơ bản không còn hộ nghèo.
Liên quan đến việc triển khai chương trình mỗi xã một sản phẩm, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy cho biết, đến nay, toàn thành phố đã có 3.054 sản phẩm OCOCP, dẫn đầu cả nước. Kết quả này có được nhờ sự tham gia tích cực của các quận, huyện trên địa bàn thành phố với nhiều sản phẩm đặc sắc đến từ các làng nghề, phố nghề trên toàn thành phố. Những sản phẩm này khi được quảng bá, giới thiệu ra nước ngoài đã thu hút được sự quan tâm đặc biệt của bạn bè quốc tế.
Trong những tháng cuối năm, Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình số 04-CTr/TU đề nghị các địa phương, đơn vị tập trung giải ngân vốn đầu tư công nhằm phục vụ chương trình xây dựng Nông thôn mới. Cùng với đó, cần nghiên cúu 83 nội dung mới được nêu tại Luật Thủ đô (sửa đổi) để khi bộ luật chính thức được thông qua sẽ không bỡ ngỡ.
Thành phố Hà Nội xác định rõ, xây dựng Nông thôn mới là hành trình không có điểm dừng; tiêu chí xã đạt chuẩn Nông thôn mới, Nông thôn mới nâng cao mỗi giai đoạn được điều chỉnh theo hướng ngày càng cao hơn |
Đánh giá cao sự hỗ trợ của các quận: Tây Hồ, Hoàn Kiếm, Long Biên, Hoàng Mai, Bắc Từ Liêm... đã tích cực hỗ trợ các huyện trong quá trình xây dựng Nông thôn mới, Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình số 04-CTr/TU tin tưởng, mong muốn, các quận sẽ tiếp tục đồng hành với các huyện, qua đó giúp các địa phương hoàn thành các mục tiêu xây dựng Nông thôn mới theo đúng lộ trình của thành phố.
Thành phố Hà Nội xác định rõ, xây dựng Nông thôn mới là hành trình không có điểm dừng; tiêu chí xã đạt chuẩn Nông thôn mới, Nông thôn mới nâng cao mỗi giai đoạn được điều chỉnh theo hướng ngày càng cao hơn. Do đó, thời gian tới, thành phố sẽ tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và Nhân dân, tạo sự đồng thuận và thống nhất cao trong nhận thức và hành động. Thực hiện tốt nguyên tắc công khai, dân chủ, minh bạch để người dân thực sự làm chủ thực hiện Chương trình xây dựng Nông thôn mới.